Đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ

Vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy được hơn 25.650 ha lúa. Đến thời điểm này, nhiều địa phương đã triển khai thu hoạch lúa, năng suất trung bình dự kiến đạt trên 60 tạ/ha. Có được kết quả này do nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân quan trọng đó là tỉnh, các địa phương, ngành chức năng đã chú trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các phương án sản xuất, nông dân trong tỉnh đã nỗ lực ra quân nhiều đợt, kịp thời tiến hành tu sửa hệ thống thủy lợi bị hư hỏng nặng do lũ lụt lịch sử vào những tháng cuối năm 2020 gây ra, tập trung khắc phục tình trạng đồng ruộng bị bồi lấp, huy động tổng lực máy bơm để bơm tiêu úng… đảm bảo các điều kiện về thủy lợi để có được vụ mùa bội thu.

 Sửa chữa tuyến kênh mương bị hư hỏng sau lũ lớn vào năm 2020 tại Cam Lộ - Ảnh: Đ.T

Sửa chữa tuyến kênh mương bị hư hỏng sau lũ lớn vào năm 2020 tại Cam Lộ - Ảnh: Đ.T

Ưu tiên đảm bảo các điều kiện về thủy lợi cho sản xuất nông nghiệp

Có thể thấy, hậu quả của thiên tai trong những tháng cuối năm 2020 đã gây thiệt hại nặng nề đối với hạ tầng thủy lợi, ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực tưới tiêu cũng như phục vụ sản xuất nông nghiệp trong vụ đông xuân 2020 - 2021 và những năm tiếp theo. Bắt tay vào sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021, một công tác quan trọng và cấp bách đó là phải nhanh chóng khắc phục, sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng, đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Để làm được điều này, ngành chức năng của tỉnh đã rà soát, đánh giá cụ thể từng công trình theo mức độ hư hỏng; khả năng về tiến độ khắc phục, sửa chữa để từ đó khoanh vùng diện tích cung cấp nước tưới nhằm có phương án chuyển đổi sản xuất, đưa vào gieo trồng các loại cây trồng phù hợp khi không thể khắc phục, sửa chữa kịp thời các công trình thủy lợi hoặc căn cứ vào nguồn nước tại chỗ để lắp đặt các trạm bơm dã chiến nhằm cung ứng tạm thời nguồn nước cho sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021.

Bên cạnh đó, tỉnh và ngành chức năng đã tích cực chỉ đạo các địa phương phát động phong trào toàn dân làm thủy lợi, vệ sinh đồng ruộng, tập trung nạo vét kênh mương, cửa cống, cửa nhận nước, trạm bơm bị bồi lấp đảm bảo thông thoáng. Kịp thời đắp sửa, hàn gắn tạm thời bằng đất những đoạn kênh bị hư hỏng hạn chế thất thoát nước; sửa chữa các máy bơm, trạm bơm để cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt; sửa chữa hệ thống giao thông nội đồng để phục vụ vận chuyển giống, vật tư, phân bón. Đặc biệt, các công trình thủy lợi do Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý bị hư hỏng nặng được quan tâm khắc phục sớm, nhất là trên 60 tuyến kênh bị hư hỏng với tổng chiều dài gần 60 km, nhiều công trình, cầu cống, xi phong, cầu máng, tràn xả lũ Nam Thạch Hãn… ưu tiên mở nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021. Hiện tỉnh tiếp tục kiểm tra, đánh giá lại các công trình thủy lợi, đê kè, phân loại mức độ khẩn cấp để có phương án khắc phục, nâng cấp nhằm khai thác hết công năng sử dụng. Đặc biệt là đề xuất thứ tự ưu tiên đối với các công trình hư hỏng lớn để lồng ghép vào các chương trình, dự án và tận dụng các nguồn lực khác nhằm khắc phục, sửa chữa đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp lâu dài.

Sẵn sàng ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết

Nằm trong khu vực chịu nhiều tác động bất lợi của các loại hình thiên tai, nhất là bão lũ, để tiến hành sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững, ngay từ đầu tháng 4/2021, tỉnh đã đặc biệt quan tâm đến việc chỉ đạo tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2021. Theo đó, ngày 16/4/2021, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2021. Chỉ thị nêu rõ: Để chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và thực hiện Chỉ thị số 1611/CT-BNN-TCTL ngày 22/3/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện Kế hoạch số 4471/KH-UBND ngày 12/10/2018 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 7/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn hồ chứa nước. Tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi năm 2020 (đặc biệt là sau đợt mưa lũ lịch sử) và triển khai kế hoạch thực hiện năm 2021. Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi theo quy định tại Quyết định số 396/ QĐ-UBND ngày 26/2/2019 của UBND tỉnh.

Chỉ thị cũng đã giao trách nhiệm cho các ngành liên quan tùy theo chức năng, nhiệm vụ, tập trung làm tốt công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2021.

Tiếp đó, ngày 29/4/2021, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1626/UBND-NN gửi các sở, ngành liên quan và các địa phương về việc tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2021. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm nội dung các Chỉ thị: Số 24/CT-TTg ngày 7/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; số 1819/CT-BNN-PCTT của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2021; số 17/CT-UBND ngày 10/12/2019 của UBND tỉnh về việc về việc tăng cường quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và các hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi lòng sông trái phép trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa đến an toàn đê điều; kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương khẩn trương tu bổ, khắc phục hư hỏng các công trình đê điều nhằm đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão năm 2021, nhất là các công trình bị hư hỏng sau các đợt thiên tai trong năm 2020; tổng hợp danh mục các công trình hư hỏng lớn để báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét chỉ đạo xử lý kịp thời.

Đôn đốc, kiểm tra các địa phương xây dựng, phê duyệt phương án hộ đê theo phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo phù hợp với từng địa bàn cụ thể và tổ chức diễn tập phương án hộ đê đối với các tuyến xung yếu nhằm chủ động ứng phó trong mùa mưa bão. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình liên quan đến đê điều trước mùa mưa bão, đặc biệt là các công trình khắc phục, xử lý khẩn cấp sạt lở đê điều, bờ sông, bờ biển, đồng thời có phương án ứng phó đảm bảo an toàn khi có mưa bão. Kiểm tra, đôn đốc công tác quản lý, khai thác, duy tu, bảo vệ đê điều trước, trong và sau mùa mưa bão nhằm đảm bảo an toàn công trình. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời cáchành vi vi phạm. UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình đê điều thuộc địa bàn quản lý. Các sở, ban, ngành căn cứ phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung Chỉ thị số 17/CTUBND ngày 10/12/2019 của UBND tỉnh, đồng thời phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống bão, lũ năm 2021.

Đan Tâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=157382&title=dam-bao-an-toan-cac-cong-trinh-thuy-loi-trong-mua-mua-lu