Đảm bảo an toàn cho học sinh đến lớp

Để đảm bảo an toàn cho học sinh trở lại trường sau thời gian nghỉ học kéo dài, các trường học trong tỉnh đã tổ chức đón học sinh theo đúng hướng dẫn của ngành và chỉ đạo của tỉnh, bảo đảm các điều kiện dạy và học gắn liền với công tác phòng, chống COVID-19.

 Hướng dẫn các cháu mầm non rửa tay đúng cách để phòng, chống dịch. Ảnh: TL

Hướng dẫn các cháu mầm non rửa tay đúng cách để phòng, chống dịch. Ảnh: TL

Nghiêm túc thực hiện “3 lệch”

Giải pháp “3 lệch” bao gồm lệch giờ đến trường, lệch giờ ra chơi và lệch giờ tan học là cách làm được nhiều trường lựa chọn để giãn cách học sinh trong tuần đầu tiên đón các em đến lớp. Với Trường THCS Khe Sanh (Hướng Hóa), giải pháp “3 lệch” là cách làm hay vừa giãn cách trong học sinh đồng thời đảm bảo chương trình giảng dạy, không gây áp lực cho cả giáo viên và học sinh.

Hiệu trưởng Trường THCS Khe Sanh Trần Văn Hoàng cho biết: “Với quy mô 770 học sinh phân bổ ở 21 lớp, để đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến lớp, các biện pháp phòng, chống dịch được trường thực hiện nghiêm túc ngay từ buổi đầu tiên. Đặc biệt, nhà trường đã thực hiện lệch giờ ra chơi, vào lớp, tan học giữa các khối, nhờ vậy đã hạn chế việc học sinh tập trung đông gây mất an toàn trong phòng, chống dịch. Chẳng hạn như giờ vào học, các khối được bố trí lệch nhau 10 phút. Tương tự giờ ra chơi cũng được sắp xếp lệch tiết nhau, có khối ra chơi sau 2 tiết, khối khác lại ra chơi sau 3 tiết, học sinh được bố trí vui chơi ở khu vực khuôn viên của nhà trường dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Để hoàn thành kế hoạch năm học và đảm chất lượng giáo dục, hiện chúng tôi đã bố trí thời khóa biểu giảng dạy phù hợp cho học sinh các khối lớp, tổ chức thêm các lớp bồi dưỡng, phụ đạo cho những học sinh chưa hoặc ít tham gia học trực tuyến”.

Trường Mầm non thị trấn Cửa Việt (Gio Linh) hiện có trên 300 cháu, phân bổ tại 10 nhóm lớp. Những ngày qua, để đảm bảo an toàn cho các cháu khi đến lớp, nhà trường đã thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch. Trước khi vào trường, tất cả các cháu đều được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, nhà trường cũng khuyến cáo phụ huynh dừng tại cổng, không trực tiếp đưa đón các cháu vào lớp. Trong lớp học, ngoài việc hướng dẫn các cháu vệ sinh, rửa tay đúng cách, các cán bộ, giáo viên cũng thường xuyên kiểm tra sức khỏe, lau nền nhà, tay nắm cửa, đồ chơi, dụng cụ học tập và các đồ vật trong phòng học, phòng chức năng bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.

“Sau những ngày đón trẻ trở lại trường, chúng tôi rất phấn khởi vì các cháu ngoan, phụ huynh có sự hợp tác với nhà trường trong việc triển khai công tác phòng, chống dịch. Ngoài những biện pháp phòng, chống dịch đã triển khai, trường đã thực hiện nghiêm túc giải pháp “3 lệch” nhằm đảm bảo an toàn cho các cháu. Trong đưa và đón cháu, trường đã phân chia lệch giờ và thông báo cụ thể đến các bậc phụ huynh để tránh trường hợp tụ tập đông người, gây mất an toàn trong phòng, chống dịch. Nhờ thực hiện chặt chẽ các phương án phòng, chống dịch nên đã góp phần tạo thêm sự an tâm cho phụ huynh khi đưa con trở lại trường”, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Cửa Việt Trần Thị Vân cho biết thêm.

Với sự chuẩn bị chu đáo các điều kiện về cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch nên việc đi học trở lại của trên 166.000 học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh diễn ra ổn định, bình thường. Nhìn chung, cơ bản các nhà trường đều làm tốt công tác phòng, chống dịch, có sự chuẩn bị tương đối đầy đủ về cơ sở vật chất, thiết bị và nhất là cập nhật thường xuyên sự chỉ đạo của cấp trên về công tác phòng chống dịch, không có tư tưởng chủ quan đối với dịch bệnh. Những ngày qua, tất cả học sinh đến trường đều được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang đúng quy định trước khi vào lớp và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Trước đó, để chuẩn bị đón học sinh đến lớp, các trường đã thực hiện nghiêm túc việc sát khuẩn, dọn vệ sinh khu vực lớp học và khuôn viên nhà trường, mua sắm các trang thiết bị cần thiết để phòng chống dịch như máy đo thân nhiệt, nước rửa tay, xà phòng… Trong thời gian học tại trường, các giáo viên cũng được yêu cầu theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến sức khỏe của học sinh để chủ động xử lý các trường hợp có biểu hiện bệnh.

Vẫn còn một số khó khăn, bất cập

Theo thống kê mới nhất của Sở Giáo dục và Đào tạo, đến thời điểm này có trên 91% học sinh các cấp học trở lại trường sau thời gian nghỉ học để phòng, chống COVID-19. Trong đó, học sinh bậc tiểu học đến trường chiếm tỉ lệ cao nhất, đạt gần 98%; thấp nhất là bậc mầm non, đạt tỉ lệ trên 72%. Nhờ hệ thống văn bản chỉ đạo về phòng, chống dịch và chỉ đạo công tác chuyên môn của sở được ban hành sớm nên các đơn vị, trường học đã chủ động, kịp thời trong triển khai các hoạt động phòng, chống dịch khi học sinh quay trở lại trường học tập. Bên cạnh đó, do sau một thời gian nghỉ học dài ngày nên học sinh các cấp học đều mong muốn trở lại trường, vì vậy số lượng học sinh quay trở lại trường các cấp từ bậc tiểu học đến THPT đạt tỉ lệ khá cao. Công tác vệ sinh trường, lớp và đảm bảo các điều kiện an toàn để đón học sinh trở lại trường (trang thiết bị y tế tối thiểu, nước rửa tay sát khuẩn, xà phòng, khẩu trang, máy đo thân nhiệt...) trong tất cả các cơ sở giáo dục được chuẩn bị chu đáo nên đã tạo sự yên tâm cho cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh khi học sinh trở lại trường. Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo tốt việc dạy học trực tuyến nên khi trở lại trường đa số học sinh đã bắt nhịp được kiến thức học tập.

Bên cạnh những thuận lợi vẫn còn tồn tại một số khó khăn, bất cập khi học sinh trở lại trường sau thời gian dài nghỉ để phòng,chống dịch. Trước hết là tình trạng tỉ lệ trẻ mầm non trở lại trường còn thấp, dẫn đến một số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập sẽ gặp khó khăn về kinh phí để phục vụ cho công tác dạy và học. Nguyên nhân của tình trạng này do một số phụ huynh có con nhỏ ở lứa tuổi nhà trẻ băn khoăn, lo lắng vì khả năng, ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ còn kém. Môi trường trẻ tiếp xúc rất gần nhau nên chưa yên tâm cho con đến trường trong thời gian này… Bên cạnh đó, đối với một số trường tại địa bàn vùng khó khăn ở các huyện như Đakrông, Hướng Hóa việc huy động học sinh trở lại trường đang gặp khó khăn, giáo viên phải đến tận từng gia đình ở các bản, làng xa để vận động các em trở lại trường. Tình hình kinh tế nhiều gia đình gặp khó khăn sau thời gian giãn cách xã hội cũng ảnh hưởng nhiều đến việc huy động học sinh trở lại trường. Một số trường ở trung tâm huyện, thị xã, thành phố có số lượng học sinh trên 40 em/lớp nhưng cơ sở vật chất còn hạn chế nên việc thực hiện giãn cách lớp học gặp khó khăn.

Thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch là một cách để đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến lớp. Tuy nhiên, thực tế triển khai cũng nảy sinh một số vấn đề cần quan tâm. Chẳng hạn như quy định học sinh đeo khẩu trang khi đến trường, các cấp học khác có thể thực hiện tốt nhưng riêng bậc mầm non lại gặp một số bất tiện trong học tập, vui chơi, ngủ nghỉ. Cùng với đó, việc đưa đón các cháu cũng nảy sinh bất cập. Mặc dù đã bố trí lệch giờ đưa đón, thông báo rõ đến từng phụ huynh nhưng tình trạng tập trung đông đúc, chờ đợi đón cháu vẫn còn diễn ra ở cổng trường mỗi chiều tan tầm vì một số phụ huynh còn chưa tuân thủ giờ giấc, chủ yếu tập trung đón các cháu vào cuối giờ… Chính thực trạng này gây khó khăn cho trường mầm non trong việc tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch. Với các bậc THCS, THPT, ý thức của một bộ phận học sinh trong phòng, chống dịch chưa cao. Mặc dù khi vào trường thực hiện nghiêm túc các biện pháp giản cách phòng dịch nhưng khi ra khỏi cổng trường vẫn xảy ra tình trạng các em tụ tập trên đường, hoặc tập trung tại một số hàng, quán để ăn uống, gây nên tình trạng đông đúc, lộn xộn mất an toàn…

Thanh Lê

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=148168