Đảm bảo an toàn cho học sinh khi học trực tiếp
Bình Phước hiện đã tổ chức cho học sinh từ khối 7-12 đến trường học trực tiếp. Đối với học sinh mầm non và tiểu học, việc tổ chức dạy và học được triển khai linh hoạt theo từng cấp độ dịch với yêu cầu cao nhất là đảm bảo cho học sinh và giáo viên với môi trường học tập an toàn.
Đã nhiều tháng tạm dừng đến trường, khi trở lại học trực tiếp, việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đặt ra cho các trường học, cơ sở giáo dục với những giải pháp thực hiện quyết liệt. Song song đó, việc rà soát lại kiến thức của học sinh để bổ sung kiến thức trọng tâm của từng môn học; việc hỗ trợ tâm lý cho học sinh cũng cần được quan tâm thực hiện sau một thời gian dài học trực tuyến.
Tăng cường phòng, chống dịch
Trường THCS Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập có hơn 450 học sinh ở khối 7, 8 và 9 đã trở lại trường học trực tiếp. Trường đã tiến hành chia ca sáng, chiều đối với học sinh đến lớp. Ngay từ cổng ra vào, việc phân luồng, kiểm tra y tế cũng được thực hiện nghiêm ngặt để phụ huynh và học sinh yên tâm khi đến trường. Không chỉ chú trọng đón học sinh, công tác tổ chức lớp học cũng được nhà trường chuẩn bị kỹ lưỡng. Mỗi lớp học được mở cửa thông thoáng với sĩ số 25-30 học sinh/lớp. Bên cạnh đó, trường cũng huy động đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong suốt quá trình dạy và học. Ông Đỗ Văn Giới, Hiệu trưởng trường khẳng định: “Trường đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Đồng thời, xây dựng các phương án xử lý khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 trong trường học; trang bị phòng cách ly tạm thời, đặc biệt đã duy trì tổ phản ứng nhanh nhằm hỗ trợ phòng, chống dịch”.
Rà soát kiến thức trọng tâm
Tại Trường THPT Nguyễn Du, những ngày qua, giáo viên đã tổ chức ôn tập, hệ thống lại các bài học cho học sinh trong thời gian học trực tuyến. Theo các giáo viên, sau thời gian dài học trực tuyến, việc tiếp thu kiến thức của học sinh ít nhiều ảnh hưởng do nhiều nguyên nhân như: điều kiện đường truyền, thiết bị học tập, ý thức, khả năng tự học của học sinh… Do đó, khi đi học trở lại, giáo viên tăng cường rà soát kiến thức để có phương án hỗ trợ, bổ sung cho học sinh.
Một tiết học củng cố lại kiến thức của Trường THCS Tân Thành, thành phố Đồng Xoài. Ảnh: Trương Hiện
Trường THPT Nguyễn Du có hơn 1.000 học sinh. Xác định việc tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp cho học sinh đóng vai trò quan trọng, nên trong tuần đầu tổ chức học trực tiếp, Trường THPT Nguyễn Du chưa dạy bài mới mà tổ chức củng cố lại kiến thức cho các em ở các khối lớp. Ông Nguyễn Quang Hưng, Phó hiệu trường Trường THPT Nguyễn Du nhấn mạnh: “Khi tổ chức cho học sinh học trực tiếp, chúng tôi đặt lên hàng đầu 2 việc, đó là phòng, chống dịch Covid-19 và củng cố lại kiến thức cho học sinh, từ đó bổ sung kiến thức mới cho các em”.
“Các em học sinh đã có khoảng thời gian dài ở nhà học online, không được tham gia các hoạt động xã hội, vì vậy, khi đi học trực tiếp, ngoài chuẩn bị an toàn cho con thì việc chuẩn bị tâm thế cũng cần được chú trọng. Tùy vào độ tuổi khác nhau, phụ huynh có sự chuẩn bị khác nhau, tạo cho con một trạng thái tích cực khi đến trường. Phụ huynh phải trao đổi với trẻ về động cơ đi học trực tiếp, hình thành thói quen cho trẻ thức dậy sớm hơn. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng không nên la mắng, không nên bắt trẻ phải thay đổi một cách đột ngột mà phải luyện tập từ từ, có hình thức nâng đỡ các em”.
Thạc sĩ tâm lý Vũ Thị Lan Anh giảng viên Trường cao đẳng Bình Phước
Những ngày qua, Trường THCS Tân Thành cũng tổ chức củng cố kiến thức cho học sinh các khối lớp. Trường đã lên phương án ôn tập, bổ sung kiến thức cho học sinh theo nhiều hình thức. Đặc biệt, đối với học sinh khối 9, giáo viên đều tăng cường việc đánh giá mức độ tiếp thu kiến thức của học sinh thời gian qua, từ đó có phương án bồi dưỡng kiến thức phù hợp nhất. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bổ sung kiến thức cho học sinh, ông Lê Xuân Trường, Hiệu trưởng trường cho biết thêm: “Trường đã có hướng dẫn thầy cô kiểm tra kiến thức, xem các em tiếp thu kiến thức đến đâu và tổ chức bù đắp. Phải tạo tâm lý thoải mái nhất cho các em trước khi học bài mới”.
Để học sinh không bị “sốc”
Bên cạnh đẩy mạnh ôn tập, kiểm tra đánh giá kiến thức cho học sinh, việc hỗ trợ các em về thể chất và tinh thần khi trở lại học trực tiếp cũng là vấn đề được quan tâm. Với những thay đổi về thời khóa biểu và thói quen sinh hoạt, nhiều chuyên gia tâm lý và bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh nên có sự chuẩn bị cũng như hỗ trợ tâm lý cho con, để trẻ trở lại trường trong tâm thế tốt nhất cả về học tập lẫn sinh hoạt.
Theo Thạc sĩ tâm lý Vũ Thị Lan Anh, giảng viên Trường cao đẳng Bình Phước, bên cạnh giúp trẻ thích nghi từ phía phụ huynh thì giáo viên cũng cần hỗ trợ học sinh đến trường trong tâm thế thoải mái nhất. “Giáo viên cần hiểu biến đổi tâm lý của trẻ, ví như: các em có thể đi trễ một chút, sự tập trung của trẻ ít nhiều bị ảnh hưởng, đồng phục chưa được tươm tất, phát biểu ý kiến chậm một chút… Do đó, thầy cô lưu ý hỗ trợ các em từ từ, không nên la rầy, trách phạt…”.
Với tinh thần “chủ động, linh hoạt thích ứng”, các trường học, cơ sở giáo dục dạy học trực tiếp đang ưu tiên thời gian “vàng” để hoàn thành kiến thức cốt lõi, tăng cường bổ sung kiến thức trong từng bài học cho học sinh, nhằm duy trì và giữ ổn định chất lượng giáo dục. Bên cạnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ nhà trường, sự ủng hộ và đồng hành của phụ huynh sẽ giúp các em bình tĩnh và thích ứng an toàn hơn khi đến trường. Khi các em đã yêu thích đến trường thì việc điều chỉnh hành vi, thay đổi thói quen để học sinh bắt nhịp với môi trường kỷ cương, nền nếp hoàn toàn không phải là vấn đề trở ngại.