Đảm bảo an toàn cho tàu cá mùa mưa bão

Liên tục thời gian gần đây, bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông diễn biến hết sức phức tạp. Để đảm bảo an toàn cho tàu cá hoạt động, ngoài sự chủ động của ngư dân, còn có sự đồng hành của các lực lượng chức năng nhằm hỗ trợ ngư dân trong những tình huống thời tiết nguy hiểm.

An toàn trước khi ra khơi

Gần 1 tuần nay, nhiều tàu cá vẫn neo đậu tại cảng Hòn Rớ để nghe ngóng tình hình thời tiết trên biển, nhất là sức ảnh hưởng, hướng đi của cơn bão Goni. Tranh thủ thời gian này, một số chủ tàu kiểm tra lại máy móc, vỏ tàu, trang bị thêm thiết bị an toàn rồi mới tính đến chuyện cho tàu rời cảng. Ngư dân Phan Tấn Thanh (Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) chia sẻ: “Đi biển mùa này sợ nhất là bão, sóng to, gió lớn. Để đảm bảo an toàn cho chuyến biển dài hơn 20 ngày, bên cạnh ngư cụ đầy đủ, chúng tôi đã gia cố tàu, sửa chữa máy móc, máy phát điện; trang bị đài, máy báo thời tiết, hệ thống thông tin liên lạc tầm xa… nhằm nắm bắt mọi thông tin thời tiết trên biển”.

 Tàu cá neo đậu tại cảng Hòn Rớ.

Tàu cá neo đậu tại cảng Hòn Rớ.

Theo ông Lê Đình Khiêm - Trưởng phòng Quản lý tàu cá và cơ sở hậu cần nghề cá (Chi cục Thủy sản tỉnh), toàn tỉnh có 4.079 tàu cá với khoảng 33.000 lao động khai thác hải sản. Công tác đảm bảo an toàn khi sản xuất trên biển được cơ quan chức năng và cộng đồng ngư dân trong tỉnh chú trọng. Trước khi ra khơi, 100% tàu cá đều được kiểm tra, kiểm soát kỹ về điều kiện an toàn. Đặc biệt, công tác đăng kiểm an toàn kỹ thuật tàu cá được triển khai nghiêm ngặt nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng tàu cá bị hư hỏng trên biển. Trước mỗi mùa mưa bão, cơ quan chuyên môn đều tiến hành kiểm tra đồng loạt các tàu cá; nhắc nhở ngư dân trang bị các thiết bị cần thiết trước khi vươn khơi. Nhờ đó, tình trạng tàu cá bị hư máy, phá nước trên biển đã được giảm thiểu.

Đồng hành với ngư dân

Ông Lê Đình Khiêm - Trưởng phòng Quản lý tàu cá và cơ sở hậu cần nghề cá (Chi cục Thủy sản tỉnh): Để đảm bảo an toàn cho tàu cá sản xuất trên biển, vấn đề quan trọng là tàu cá phải được trang bị đầy đủ và phải đảm bảo an toàn thì mới rời cảng. Khi sản xuất trên biển, ngư dân phải thường xuyên giữ liên lạc, bật thiết bị giám sát để được các cơ quan chức năng hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, khi gặp điều kiện thời tiết nguy hiểm, ngư dân phải tuân thủ hướng dẫn, đưa tàu thoát ra khỏi vùng biển nguy hiểm, về nơi tránh trú an toàn…

Mới đây, khi cơn bão số 9 áp sát đất liền, vẫn còn hơn 240 tàu cá của tỉnh, với hơn 1.800 lao động đang hoạt động trên các vùng biển. Vấn đề cấp thiết đặt ra là phải liên lạc với tàu thuyền trên biển, để các tàu nắm bắt thông tin thời tiết, chủ động thoát ra khỏi vùng biển nguy hiểm. Ông Thanh chia sẻ: “Trong cơn bão số 9 vừa qua, việc liên lạc giữa cơ quan chức năng trong đất liền với tàu cá hoạt động ngoài biển được duy trì thường xuyên. Ngư dân liên tục nhận được liên lạc của lực lượng biên phòng, Chi cục Thủy sản và cơ quan chuyên môn khác về các vùng biển nguy hiểm do ảnh hưởng của bão, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú, di chuyển ra xa khu vực nguy hiểm…”.

Hiện nay, hoạt động của các tàu cá trên địa bàn tỉnh được tổ chức theo mô hình tổ, đội nhằm đoàn kết, giúp nhau mỗi khi có tình huống bất ngờ trên biển. Ngoài 6 nghiệp đoàn nghề cá với hàng trăm tàu khai thác xa bờ tham gia, Chi cục Thủy sản đã tích cực vận động các tàu cá hoạt động ở vùng xa bờ, vùng lộng và vùng ven bờ tham gia các tổ đội, sản xuất trên biển. Trong đó, ngư dân đã thành lập 70 đội tàu, mỗi đội có từ 5 đến 8 tàu cá và 165 tổ, mỗi tổ có 3 - 5 tàu cá tham gia. Các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển liên kết với nhau khá chặt chẽ về mặt cơ cấu, tổ chức hoạt động, có quy chế hoạt động và thường xuyên hỗ trợ nhau khi hoạt động trên biển.

Không chỉ vậy, việc đảm bảo cho tàu cá về nơi tránh trú cũng được chú trọng. Hiện nay, ngoài Khu neo đậu tránh trú bão Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa) có thể đáp ứng cho 300 tàu vào neo đậu, còn có cảng Hòn Rớ có thể tiếp nhận 1.200 tàu cá, cảng Đá Bạc (TP. Cam Ranh) có thể tiếp nhận 1.000 tàu cá của tỉnh và các tỉnh trong khu vực vào tránh trú bão. Bên cạnh đó, trên địa bàn còn có khoảng 10 điểm kín gió có thể phục vụ tàu thuyền vào neo đậu tránh trú. Các ban quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn tỉnh cũng sẵn sàng phương án phòng, chống bão lụt; triển khai kịp thời các phương án hỗ trợ ngư dân, tàu cá trong và ngoài tỉnh vào neo đậu tránh trú bão; trong điều kiện thời tiết nguy hiểm còn kiểm tra, đôn đốc ngư dân rời tàu để đảm bảo an toàn về tính mạng.

Hải Lăng

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202011/dam-bao-an-toan-cho-tau-ca-mua-mua-bao-8191639/