Đảm bảo an toàn cho thủy sản nuôi trong mùa mưa bão
Nuôi trồng thủy sản là lĩnh vực sản xuất dễ bị ảnh hưởng, chịu nhiều thiệt hại lớn trong mùa mưa bão. Do vậy, để ổn định sản xuất, ngành nông nghiệp, các địa phương đang cùng với nông dân triển khai nhiều biện pháp phòng, chống và khắc phục rủi ro, đảm bảo an toàn cho các vùng nuôi thủy sản.
Anh Trần Văn Dụng ở thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh có gần 3 ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Để bảo vệ diện tích tôm nuôi trước những ảnh hưởng của thời tiết, đầu năm 2022, anh đã đầu tư hơn 2,5 tỉ đồng để chuyển đổi toàn bộ diện tích từ nuôi tôm theo kiểu truyền thống sang nuôi tôm công nghệ cao, sử dụng các bể tròn nổi. Với cách làm này, tôm nuôi vẫn sinh trưởng tốt trong điều kiện thời tiết nhiệt độ thấp, mưa nhiều.
Theo anh Dụng, trong nuôi tôm công nghiệp, khâu quan trọng nhất là phải đảm bảo ổn định môi trường nước trong ao nuôi. Nhất là trong mùa mưa bão, cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, đặc biệt là lắp đặt thêm hệ thống quạt nước, máy sục khí để tránh không để môi trường ao nuôi thay đổi đột ngột. Đầu tư hệ thống bạt che phòng khi xảy ra mưa lớn không để nước mưa đổ dồn xuống ao nuôi, làm độ pH giảm đột ngột, có thể khiến tôm bị sốc, dễ bị dịch bệnh.
Ngoài ra, anh còn gia cố lại bờ ao, lắp đặt các ống xả tràn, lưới bao xung quanh ao để đề phòng mưa lũ lớn, nước tràn bờ làm thất thoát tôm nuôi. Chuẩn bị sẵn sàng bao cát, cọc tre, tu sửa lại máy phát điện 3 pha để đề phòng trường hợp mưa bão làm điện lưới bị cắt. Với những kinh nghiệm đó, thời gian qua, các ao nuôi tôm thẻ chân trắng của anh Dụng luôn đạt hiệu quả kinh tế cao.
Còn với anh Võ Chí Thắng ở thôn Thuận Đầu, xã Hải An, huyện Hải Lăng, để đảm bảo an toàn cho ao nuôi tôm trên cát hơn 0,3 ha của mình, anh và các hộ nuôi trong vùng cũng đã có sự chuẩn bị chu đáo để ứng phó với thiên tai. Theo anh Thắng, khác với nuôi tôm ở vùng triều, thời điểm này nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát mới bắt đầu bước vào vụ nuôi chính.
Do giá tôm vào thời điểm thu hoạch trước, trong và sau tết Nguyên đán thường khá cao nên các hộ nuôi có lãi lớn.
Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mưa bão, nhiệt độ thấp... làm môi trường nước trong các ao nuôi thường bị thay đổi đột ngột, nhiều biến động. Mưa bão còn làm hệ thống điện hư hỏng khiến tôm nuôi bị ngạt, chết hàng loạt. Ngoài ra, một số ao hồ do chủ quan nên bị vỡ đê bao, tôm nuôi trôi ra biển, mất trắng.
Do vậy, trước mùa mưa bão năm nay, anh đã chủ động dự phòng đầy đủ thuốc men, hóa chất, chế phẩm sinh học... nhằm xử lý kịp thời khi môi trường ao nuôi thay đổi. Gia cố đê bao, tu sửa máy quạt nước; chuẩn bị sẵn máy phát điện dự phòng khi hệ thống điện bị hư hỏng. Đồng thời, xây dựng nhà trại kiên cố, an toàn phục vụ trú tránh trong quá trình theo dõi tôm nuôi mùa mưa bão.
Đối với các hộ nuôi cá trong lồng bè, bước vào mùa mưa bão, trước những dự báo có sự bất thường của thời tiết, việc chủ động các phương án đảm bảo an toàn cho lồng bè là công việc quan trọng giúp nâng cao năng suất, sản lượng, tránh thất thoát cá.
Thời điểm này, ông Trần Đức Dũng ở xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh, một trong những hộ nuôi cá lồng bè trên hồ thủy lợi Bảo Đài đang gấp rút tu sửa, gia cố lại lưới bao cho 8 lồng nuôi cá leo, cá lăng của gia đình.
Đồng thời, lựa chọn vị trí eo kín gió để sẵn sàng di chuyển lồng bè đến nơi an toàn khi có mưa bão xảy ra. “Do nuôi trong lồng lưới, chịu nhiều tác động của sóng gió nên để hạn chế thấp nhất thiệt hại trong mùa mưa bão, tôi và các hộ nuôi khác trong vùng đã mua dây thừng, dây cước để gia cố các lồng và buộc chặt lại vách lồng.
Thường xuyên vệ sinh lưới lồng, treo túi vôi ở các góc lồng bè để phòng, chống dịch bệnh và ổn định môi trường nước. Đồng thời, chuẩn bị sẵn thuyền máy để di chuyển lồng nuôi đến vị trí kín gió khi thời tiết diễn biến xấu, hạn chế sóng gió va đập làm lồng nuôi bị hư hỏng, thất thoát cá”, ông Dũng cho hay.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, ngoài một số ít diện tích được đầu tư hạ tầng kỹ thuật kiên cố, hiện đại, áp dụng công nghệ cao thì phần lớn diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đồng bộ, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố tràn bờ, ngập úng khi mưa bão xảy ra. Do vậy, ngay từ đầu mùa mưa bão, ngành nông nghiệp, các địa phương cùng với nông dân đã tích cực triển khai các biện pháp bảo vệ thủy sản nuôi nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hữu Vinh nhấn mạnh, trước mùa mưa bão, các hộ nuôi cần thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa thủy sản nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm, đặc biệt tại các vùng có địa hình thấp cần tiến hành thu hoạch sớm.
Chuẩn bị đầy đủ lưới, đăng chắn, dụng cụ, cọc tre, cuốc xẻng... để chủ động ứng phó khi thiên tai xảy ra. Nạo vét kênh mương, đặt ống xả tràn, phát quang cành cây quanh bờ ao, gia cố bờ ao, các công trình phụ trợ tại cơ sở... đảm bảo an toàn khi mưa, bão đến.
Đối với nuôi lồng bè cần bố trí neo đậu, kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng; vệ sinh lồng bè thông thoáng; khi cần thiết, di chuyển lồng bè vào khu vực kín gió, an toàn, có dòng chảy phù hợp, độ mặn ổn định.
Trường hợp không di chuyển được lồng bè cần che chắn mặt lồng, bè bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để hạn chế thủy sản nuôi thoát ra ngoài. Sau khi mưa bão xảy ra cần chủ động xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao; tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh có mật độ cao.
Kiểm tra, xử lý các yếu tố môi trường nước ao, nơi đặt lồng bè nuôi, đảm bảo nằm trong giới hạn cho phép. Bổ sung vitamin C hoặc chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi; theo dõi sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời...