Đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh
Năm học mới 2020-2021 đã bắt đầu. Việc đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) cho khu vực các trường học trên địa bàn TPHCM có những giải pháp nào đáng chú ý? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban Chuyên trách Ban ATGT TPHCM, về vấn đề này.
- PHÓNG VIÊN: Ông nhận xét gì về những điểm nóng ATGT khu vực trường học?
Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG: Trường THPT Trần Đại Nghĩa nằm trên địa bàn quận 1 là một điểm nóng có tính tiêu biểu về ùn ứ giao thông xung quanh khu vực trường học, do đặc thù vị trí địa lý của nó. Trường có 2 mặt tiền trên đường Nguyễn Du và đường Lý Tự Trọng. Mặt tiền đường Nguyễn Du, đoạn từ đường Đồng Khởi đến đường Hai Bà Trưng, có bề rộng mặt đường khoảng 9m và là đường một chiều theo hướng từ đường Hai Bà Trưng đến đường Đồng Khởi. Đường Lý Tự Trọng còn nhỏ hơn với bề rộng mặt đường chỉ 8m và cũng là đường một chiều theo hướng từ đường Đồng Khởi đến đường Hai Bà Trưng. Phía mặt đường Lý Tự Trọng phổ biến tình trạng taxi dừng đậu không đúng quy định, quanh khu thương mại VinCom gần đó. Trên đường Nguyễn Du vào giờ cao điểm buổi chiều, xe máy của phụ huynh dừng đậu dưới lòng đường để đón con em tan học.
- Giải pháp nào để cải thiện tình hình và đảm bảo ATGT xung quanh Trường Trần Đại Nghĩa nói riêng và các trường học khác, theo ông?
Để giải quyết tình hình này, một loạt giải pháp đã được Sở GTVT triển khai; tất cả đều mang tính xử lý kỹ thuật. Có thể nhắc đến biện pháp cấm dừng và đậu xe trên đường Lý Tự Trọng, đoạn từ đường Đồng Khởi đến đường Hai Bà Trưng và trước khu thương mại VinCom. Đường Nguyễn Du cũng cấm dừng và đậu xe tương tự nhưng cho phép phương tiện dừng xe từ 16 giờ đến 18 giờ, tức là giờ tan trường buổi chiều. Trên đường Đồng Khởi gần đó, Sở GTVT cũng đã điều chỉnh cấm dừng và đậu xe đoạn từ đường Nguyễn Du đến đường Lê Thánh Tôn giúp tăng khả năng thông xe tại giao lộ Nguyễn Du - Đồng Khởi, cũng như tăng khả năng thông hành trên đường Nguyễn Du. Sở GTVT cũng đã phối hợp với nhà trường để tổ chức lưu thông ra vào trường một chiều tại 2 cổng riêng biệt; theo đó, học sinh sẽ vào trường theo đường Lý Tự Trọng và ra về theo cổng đường Nguyễn Du. Một biện pháp nữa là nhà trường phối hợp với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thuộc Sở GTVT để sử dụng xe buýt đưa rước học sinh.
UBND quận 1 còn cho lắp đặt hàng rào phân cách vỉa hè với lòng đường trên đường Nguyễn Du. Đoạn hàng rào này cùng lúc nhắm 3 mục đích: hạn chế tình trạng chiếm dụng vỉa hè buôn bán, học sinh băng qua đường không đúng nơi quy định và phụ huynh tùy tiện dừng xe đưới lòng đường. Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt thuộc Công an TPHCM và Cảnh sát giao thông quận 1 cũng sẽ tăng cường tuần tra, lắp đặt camera để kiểm soát các trường hợp dừng và đậu xe không đúng quy định.
Nói chung, khu vực xung quanh các điểm trường đã, đang và sẽ tiếp tục được các cơ quan chức năng quan tâm, triển khai nhiều giải pháp xử lý kỹ thuật để tăng cường đảm bảo ATGT. Các giải pháp khá đa dạng và được linh động áp dụng tùy theo đặc điểm tình hình khu vực điểm trường. Chẳng hạn như, tại Trường THPT Nguyễn Trãi nằm tại góc giao lộ Nguyễn Tất Thành - Xóm Chiếu (quận 4), Sở GTVT đã cho đóng khoảng mở dải phân cách thép tại giao lộ Nguyễn Tất Thành - Lê Văn Linh và đoạn trước Đại học Nguyễn Tất Thành. Cấm ô tô quay đầu tại các khoảng mở dải phân cách thép trên đường Nguyễn Tất Thành trong khoảng thời gian 6 giờ - 22 giờ hàng ngày.
Một điểm tập trung đông người khác là tại Trường Anh văn Hội Việt - Mỹ trên đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp), ngay cầu vượt ngã sáu Gò Vấp. Do nằm ngay sát một giao lộ sầm uất, huyết mạch của quận nên giao thông bị cản trở mỗi khi phụ huynh dừng đậu xe đưa đón con em đi học. Sở GTVT đã đề nghị UBND quận Gò Vấp phối hợp nhà trường sắp xếp lại nơi dừng đậu trên vỉa hè, kẻ vạch sơn quy định và bố trí nhân sự tham gia điều tiết giao thông trong giờ cao điểm chiều.
Trường Đại học Kinh tế Luật nằm trên quốc lộ 1 (phường Linh Trung, quận Thủ Đức), lại có sự bất cập dạng khác, khi thường xuyên diễn ra tình trạng sinh viên, người đi bộ băng qua đường với số lượng lớn. Giải pháp được chọn để giải quyết vấn đề này là xây dựng cầu bộ hành băng ngang quốc lộ 1, đoạn ngay trước trường đại học.
- Cách đây vài năm, Ban ATGT phối hợp các cơ quan chức năng triển khai thí điểm giáo dục đi bộ an toàn cho đối tượng là học sinh. Kết quả thu được đến nay thế nào, thưa ông?
Năm 2007, Liên hiệp quốc bắt đầu phát động chương trình “Tuần lễ an toàn đường bộ toàn cầu” nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề an toàn đường bộ và kêu gọi sự hành động của toàn cộng đồng trong việc giảm thiểu và ngăn ngừa tai nạn giao thông đường bộ. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tai nạn đường bộ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho các đối tượng trong độ tuổi 5-29. Trong số này, 30% tử vong do tai nạn đường bộ có liên quan đến người đi bộ, người đi bằng phương tiện cơ giới đường bộ. Tại TPHCM, với sự quan tâm đặc biệt đến ATGT cho học sinh phổ thông, Ban ATGT đã phối hợp Sở GD-ĐT và Quỹ Phòng chống thương vong châu Á xác lập kế hoạch “Đi bộ an toàn giai đoạn 2017-2020”. Qua đó, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền, sự kiện truyền thông và thí điểm cải tạo hạ tầng giao thông tại các điểm trường được chọn.
Kết quả sơ bộ ghi nhận được cho thấy, đã có sự cải thiện tình trạng giao thông xung quanh Trường Tiểu học Kết Đoàn ở quận 1, Trường THCS Mạch Kiếm Hùng ở quận 5, Trường Tiểu học Phạm Văn Chí và Trường Tiểu học Hùng Vương thuộc quận 6… Dựa theo nhu cầu thực tế của từng khu vực, thí điểm cải tạo hạ tầng giao thông tại các điểm trường được thực hiện linh động. Các thí điểm cải tạo đó bao gồm lắp đặt đèn cảnh báo chớp vàng, xây vỉa hè và đảo trú chân cho người đi bộ trên đường; lắp đặt các chỉ dẫn giao thông cơ bản như biển báo khu vực trường học, biển báo khu vực đường bộ, dấu hiệu cảnh báo giảm tốc độ trên mặt đường khi tiến vào khu vực trường học đông trẻ em… Những cải tạo được thực hiện dựa trên nghiên cứu kết quả khảo sát thực tế.
- Vì sao an toàn đường bộ, trong đó có an toàn đường bộ cho học sinh hầu như được Ban ATGT nhắc đến và nhấn mạnh khá nhiều trong thời gian gần đây?
An toàn đường bộ đã và đang là một vấn đề cần quan tâm đặc biệt tại Việt Nam. Các số liệu thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia phần nào cho thấy sự cần thiết của nó. Tai nạn giao thông là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và thương tích nghiêm trọng cho người, từ trẻ sơ sinh đến thanh niên 19 tuổi. Hàng năm có hơn 1.900 trẻ tử vong do tai nạn giao thông trên cả nước. Trong bối cảnh ấy, an toàn đường bộ nói chung và an toàn đi bộ cho trẻ em nói riêng trở thành mối quan tâm hàng đầu không chỉ của Ban ATGT. Chúng tôi cho rằng, chương trình đi bộ an toàn là một bước tiếp cận đơn giản nhưng quan trọng hướng đến việc nâng cao nhận thức về an toàn đường bộ. Dù còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng, với sự chung tay của các sở ban ngành, các tầng lớp nhân dân, chúng ta có thể đạt được mục tiêu cải thiện hơn nữa ATGT nói chung và an toàn đường bộ nói riêng cho các cộng đồng địa phương.
Trong thời gian tới, Ban ATGT sẽ tiếp tục phối hợp cùng các sở ngành liên quan và cơ quan truyền thông đại chúng để tăng cường công tác truyền thông, qua đó góp phần kéo giảm tai nạn giao thông nói chung, tai nạn giao thông đường bộ nói riêng.
Trên địa bàn thành phố, có tổng cộng 37 trường tiểu học nằm ở các quận 1, 5 và 6 được chọn thực hiện thí điểm trong kế hoạch “Đi bộ an toàn giai đoạn 2017-2020”. Mục đích là nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng đi bộ an toàn, cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông để bảo vệ và tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh có thể tự đi bộ đến trường một cách an toàn, thuận lợi, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo vệ môi trường và giảm ùn tắc giao thông quanh khu vực các điểm trường.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dam-bao-an-toan-giao-thong-cho-hoc-sinh-683728.html