Đảm bảo an toàn giao thông đường thủy mùa mưa lũ
Hiện nay, đang vào cao điểm mùa mưa bão, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra mất an toàn tại các bến phà, đò ngang chở khách. Bảo đảm an toàn giao thông đường thủy đang là nhiệm vụ trọng tâm được lực lượng chức năng và các địa phương quan tâm, triển khai thực hiện.
Với phương châm phòng ngừa là chính, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh đã tiến hành rà soát, xác định các điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn để hướng dẫn các phương tiện lưu thông, nhất là khu vực bến đò ngang có nước chảy xiết ở lòng hồ thủy điện Sơn La, lòng hồ thủy điện Hòa Bình, dòng sông Mã và các suối. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các chủ phương tiện, yêu cầu chở đúng số lượng hàng hóa quy định, trang bị các thiết bị cần thiết trên tàu; dừng các hoạt động vận chuyển, kinh doanh trong những ngày mưa, lũ lớn.
Huyện Quỳnh Nhai có nhiều lợi thế về giao thương vận chuyển hàng hóa, hoạt động du lịch khi có trên 10.500ha mặt nước với 62km chiều dài lòng hồ thủy điện Sơn La, đi qua 9 xã dọc sông, đây là tuyến có vị trí quan trọng trong vận tải đường thủy giữa huyện Quỳnh Nhai với huyện Mường La và ngược lên huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Toàn huyện hiện có 1.447 phương tiện thủy nội địa. Đảm bảo hoạt động an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn, hằng năm, huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, kết hợp với tuyên truyền, giúp người dân nâng cao nhận thức, chấp hành quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường thủy.
Trung tá Trần Thế Dũng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Trên địa bàn huyện đã hình thành 36 bến thuyền thuộc địa bàn 9 xã để phục vụ du lịch, vận tải dân dụng. Công an huyện tăng cường triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát và đảm bảo tình hình trật tự an toàn giao thông đường thủy. Trong đó, thường xuyên phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường thủy nội địa đến các bản, học sinh, người điều khiển phương tiện và các gia đình sinh sống ven lòng hồ, vận động nhân dân tự giác thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông đường thủy, như: Mặc áo phao, sử dụng phao cứu sinh, dụng cụ nổi cá nhân, các phương tiện chở đủ số người quy định...
Anh Lò Văn Minh, chủ thuyền chở khách du lịch hoạt động trên khu vực lòng hồ thủy điện Quỳnh Nhai, chia sẻ: Được các lực lượng chức năng tuyên truyền, tôi đã ký cam kết thực hiện đúng các quy định về an toàn giao thông đường thủy. Bên cạnh việc trang bị đầy đủ các thiết bị cứu sinh và các yếu tố kỹ thuật, tôi chủ động xem dự báo thời tiết và tư vấn cho du khách trải nghiệm du lịch vào những ngày thời tiết thuận lợi để bảo đảm an toàn và giúp du khách có trải nghiệm tốt nhất.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 tuyến giao thông đường thủy nội địa trên sông Đà và sông Mã, trong đó, hoạt động giao thông đường thủy nội địa chủ yếu diễn ra trên tuyến sông Đà với chiều dài 240km, được ngăn cách bởi đập thủy điện Sơn La, chia thành hai tuyến: Tuyến lòng hồ thủy điện Hòa Bình có chiều dài 150km và lòng hồ thủy điện Sơn La có chiều dài 90km. Đội Cảnh sát giao thông đường thủy thuộc Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh có nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến sông Đà vùng lòng hồ thủy điện Sơn La thuộc 3 huyện Mường La, Quỳnh Nhai và huyện Thuận Châu.
Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông, cho biết: Từ đầu năm đến nay, Đội đã phối hợp với UBND các địa phương dọc tuyến tổ chức 4 buổi tuyên truyền về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy cho 700 lượt người tham gia; tổ chức ký cam kết cho 350 lượt lái thuyền và chủ thuyền; trao tặng 165 áo phao miễn phí; tham gia thành lập 4 tổ thuyền tự quản trên địa bàn quản lý. Thực hiện đợt cao điểm mùa mưa bão, Đội đã phối hợp với các xã, các bản dọc tuyến thực hiện tuyên truyền và yêu cầu các chủ thuyền, chủ tàu ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy. Khuyến cáo các chủ phương tiện trước lúc xuất bến cần theo dõi sát sao dự báo thời tiết để có phương án di chuyển phù hợp, an toàn, tránh những cơn lốc xoáy và hạn chế những tai nạn không đáng có xảy ra.
Bên cạnh nỗ lực của lực lượng chức năng, nhân dân cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông đường thủy, nghiêm túc thực hiện các quy định về trật tự ATGT, góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông đường thủy xảy ra trên địa bàn, nhất là trong mùa mưa bão.