Đảm bảo an toàn hồ chứa nước trước mùa mưa

Số liệu thống kê UBND tỉnh cho hay, hiện nay trên địa bàn có 48 hồ chứa thủy lợi các loại đang khai thác sử dụng với tổng dung tích thiết kế hơn 330 triệu m3 nước, khả năng tưới tiêu cho 36.367 ha. Phần lớn các hồ trên đã được khai thác trong nhiều năm nhưng không có nguồn kinh phí sửa chữa nâng cấp, nên nhiều hồ đã hư hỏng, xuống cấp, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi tích nước vào mùa mưa lũ hàng năm.

Đảm bảo an toàn hồ chứa nước trư

 Hồ Sông Móng nằm trong số 10 hồ hư hỏng.

Hồ Sông Móng nằm trong số 10 hồ hư hỏng.

Trong buổi làm việc mới đây với đoàn giám sát của Quốc hội về công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn Bình Thuận, ông Lê Tuấn Phong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: “Trong những năm qua, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã đầu tư nâng cấp, tu sửa 7/30 hồ chứa. Cùng với đó, dự án “Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8)” từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), Chính phủ đã chấp thuận cho Bình Thuận đầu tư nâng cấp 7 hồ chứa: Sông Quao, Tà Mon, Tân Lập, Trà Tân, Hộc Tám, Cẩm Hang, Đá Bạc. Hiện hồ thủy lợi Sông Quao (Hàm Thuận Bắc) đang được thi công nâng cấp, tu sửa, dự kiến hoàn thành cuối năm nay; 6 hồ còn lại được Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn lập báo cáo nghiên cứu khả thi tiểu dự án để tu sửa trong thời gian tới”.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn trong quá trình kiểm tra hiện trạng hồ thủy lợi đang khai thác sử dụng còn 10 hồ hư hỏng nặng, nguy cơ mất an toàn cao khi tích nước trong mùa mưa lũ năm nay. Đó là các hồ: Sông Móng, Cà Giây, Cà Giang, Giếng Cỏ, Bo Bo, Năm Heo, Sông Mao, Đaguiry, Suối Trâm, Lâm trường Sông Dinh. “Các hồ thủy lợi trên, UBND tỉnh đang kiến nghị Trung ương bố trí tổng kinh phí 190 tỷ đồng tu sửa, nâng cấp để đảm bảo an toàn hồ chứa trong mùa mưa; bởi điều kiện ngân sách của tỉnh rất khó khăn, địa phương không thể cân đối được” - ông Lê Tuấn Phong kiến nghị với đoàn giám sát của Quốc hội.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của Bình Thuận trong việc xây dựng các hồ thủy lợi những năm qua cũng như quản lý hiệu quả nguồn nước, tưới tiêu các loại cây trồng cho các vùng khô hạn. Phó Chủ tịch Quốc hội thống nhất đề xuất của tỉnh đưa 10 hồ hư hỏng nặng trên vào chương trình cấp bách để trong kỳ họp tới Quốc hội đề nghị Chính phủ hỗ trợ vốn cho Bình Thuận sửa chữa trong giai đoạn 2021 - 2025… Đối với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án hồ chứa nước La Ngà 3 phía Nam tỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội đã đồng ý chủ trương đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 do Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Trong khi đó, đến cuối năm nay, hồ chứa nước Sông Lũy (Bắc Bình) sẽ hoàn thành, dung tích thiết kế gần 100 triệu m3 khả năng cấp nước tưới 24.200 ha cho 2 huyện Bắc Bình, Tuy Phong. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, sau khi các hồ thủy lợi lớn được hoàn thành, cũng như các hồ chứa nước được nâng cấp, sửa chữa xong, Bình Thuận cần tranh thủ các nguồn vốn để nối mạng thủy lợi giữa các hồ lớn, nhỏ đảm bảo tưới tiêu khắp các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Khi ấy nước không chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhu cầu sinh hoạt người dân mà còn cung cấp cho các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ du lịch ven biển, nhất là với Khu quy hoạch du lịch quốc gia Mũi Né được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên trước mắt tỉnh vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, ứng dụng các mô hình tưới tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp, phát huy tối đa hiệu quả nguồn nước cũng như đảm bảo an ninh nguồn nước lâu dài trên vùng đất thiếu mưa thừa nắng ở Bình Thuận.

Thái Khoa

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/dam-bao-an-toan-ho-chua-nuoc-truoc-mua-mua-130442.html