Đảm bảo an toàn hồ, đập thủy điện trong mùa mưa bão 2024

Bộ Công Thương yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ. Nghiêm túc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa thủy điện…

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ 21h đến 23h ngày 4/8, các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng đã có mưa, mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to như: Làng Chếu 57,2mm, Song Pe 51,6mm, Tà Xùa 33mm (Sơn La); Phúc Than 25,6mm, Trung Đồng 23mm (Lai Châu); Cần Yên 28,8mm (Cao Bằng)...

Cảnh báo nguy cơ trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các tỉnh trên, đặc biệt tại các huyện: Mường Tè, Sìn Hồ, Tam Đường, Tân Uyên (tỉnh Lai Châu); Bắc Yên, Mường La, Vân Hồ (tỉnh Sơn La); Mù Căng Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái); Hà Quảng, Hòa An, Thông Nông (tỉnh Cao Bằng).

Bên cạnh đó, từ 0h đến 2h ngày 5/8, các tỉnh Hà Giang, Lào Cai đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to như: Tân Lập 1 136,6mm, Hồ Thầu 93,8mm, Nậm Khòa 77,2mm. (Hà Giang); Tả Củ Tỷ 67,8mm, Nậm Chảy 49,4mm (Lào Cai),...

Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Thanh Tuấn

Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Thanh Tuấn

Cảnh báo trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các tỉnh trên, đặc biệt tại các huyện: Bắc Hà, Bảo Thắng, Mường Khương, Si Ma Cai, thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai); Bắc Quang, Hà Giang, Hoàng Su Phì, Quang Bình, Vị Xuyên, Xín Mần , thành phố Hà Giang, Bắc Mê, Quản Bạ, Yên Minh (tỉnh Hà Giang).

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Cấp 1.

Trước tình trạng thiên tai diễn biến bất thường, khó dự báo, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, Bộ Công Thương mới đây đã có công điện đề nghị Sở Công Thương các địa phương chỉ đạo các chủ đập thủy điện trên địa bàn triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, hồ chứa thủy điện theo quy định, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hạn chế tối đa thiệt hại, bảo vệ sản xuất, bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị sẵn sàng ứng phó, khắc phục khi có sự cố.

Các chủ đập thủy điện thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại địa phương thông tin kịp thời, bảo đảm an toàn cho người dân vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp, nhất là vào ban đêm.

Cụ thể, các chủ đập thủy điện phải tổ chức quan trắc theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn để chủ động báo cáo cấp thẩm quyền, phối hợp với các cơ quan có liên quan vận hành hồ chứa an toàn, hiệu quả; tham gia cắt/giảm/làm chậm lũ, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du; nghiêm túc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa thủy điện đã được phê duyệt, đặc biệt là khi xuất hiện các tình huống bất thường; vận hành đảm bảo an toàn công trình.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đề nghị liên tục kiểm tra, đánh giá tình trạng đập; các thiết bị, công trình xả lũ, cửa nhận nước… và khắc phục kịp thời các khiếm khuyết (nếu có) để có biện pháp và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời đảm bảo an toàn công trình, hạn chế tối đa áp lực cho các công trình ở hạ du khi phải xả lũ.

Đồng thời, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo các chủ đập, hồ thủy điện thuộc phạm vi quản lý rà soát, kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc, các mốc cảnh báo; thông tin kịp thời cho hạ du trước khi điều tiết xả lũ để đảm bảo an toàn về người, tài sản.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), các doanh nghiệp ngành khai thác khoáng sản chủ động kiểm tra công tác phòng chống sạt lở đất, ngập lụt ở các mỏ; rà soát kiểm tra hồ thải quặng đuôi tại khai trường, hầm lò khai thác với độ sâu lớn, phải tập trung sẵn sàng lực lượng, thiết bị, phương tiện ứng cứu khi có thiên tai xảy ra.

Các đơn vị phải tổ chức kiểm tra, rà soát sườn dốc, xung quanh và phía sau công trình đang xây dựng, kho, nhà xưởng, văn phòng nhà điều hành, công trình gần sườn dốc, mỏ và bãi thải... để phát hiện nguy cơ dễ gây sạt lở đất, có biện pháp xử lý để đảm bảo an toàn trong mưa lũ.

Rà soát kế hoạch ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để phù hợp với điều kiện hiện tại, sẵn sàng triển khai khi có tình huống xảy ra.

Theo công điện của Bộ Công Thương, các Tập đoàn, Tổng công ty khác trong ngành Công Thương: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia để kịp thời chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai tại các cơ sở thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo an toàn cho người và công trình trọng yếu.

Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thường xuyên theo dõi diễn biến của mưa lũ từ Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, tổ chức trực ban 24/24h, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí để cung cấp, đăng tải thông tin đầy đủ, chính xác. Thường xuyên báo cáo thông tin về Văn phòng Thường trực phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương.

Thanh Bình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dam-bao-an-toan-ho-dap-thuy-dien-trong-mua-mua-bao-2024-336948.html