Đảm bảo an toàn hồ, đập trước mùa mưa bão
Để bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du trong mùa mưa bão năm nay, các chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, kiểm soát tốt nguồn nước, tuyệt đối không tích nước đối với những hồ chứa không bảo đảm an toàn.
Kiểm tra an toàn hồ chứa nước
Trên địa bàn tỉnh hiện có 51 hồ chứa nước thủy lợi (16 hồ lớn, 10 hồ vừa, 25 hồ nhỏ) với tổng dung tích khoảng 117,7 triệu m3, 118 đập dâng và khoảng 160 trạm bơm, đảm bảo cung cấp nước tưới cho hàng chục nghìn héc ta đất sản xuất nông nghiệp. Qua kiểm tra của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh mới đây cho thấy, các chủ hồ chứa nước thủy lợi đã tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn hồ, đập. Các địa phương đã chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp với các chủ đầu tư, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hạng mục công trình ven sông, suối hoặc đạt điểm dừng kỹ thuật để vượt lũ trước mùa mưa bão năm nay.
Ông Nguyễn Văn Nhành, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam cho biết: Hiện đơn vị quản lý, vận hành 8 hồ chứa nước thủy lợi với tổng dung tích hơn 91,8 triệu m3, phục vụ tưới cho hơn 37.000ha diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hằng năm, công ty đều xây dựng và triển khai các phương án nhằm đảm bảo an toàn cho hồ, đập. Công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa nước được công ty thực hiện thường xuyên, liên tục để nắm bắt kịp thời hiện trạng đập, hồ chứa nước. Trước mùa mưa lũ năm nay, công ty đã tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước và thực hiện các biện pháp, xử lý kịp thời các hư hỏng để bảo đảm an toàn.
Đối với các hồ thủy điện, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, qua kiểm tra tại các công trình thủy điện La Hiêng 2, Đá Đen và trên cơ sở báo cáo của các chủ hồ chứa thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh và Krông H’năng, các hạng mục công trình đầu mối (đập chính, đập phụ, tràn xả lũ, cửa lấy nước…), các hồ này vận hành ổn định, an toàn, chưa có dấu hiệu bất thường.
Sở Công Thương đã yêu cầu các chủ hồ thủy điện theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, cập nhật kịp thời các bản tin dự báo khí tượng thủy văn, lịch triều cường, lưu lượng mưa trên lưu vực hồ chứa, thông tin xả tràn của các hồ chứa để vận hành hợp lý. Thường xuyên quan trắc, kiểm tra đánh giá an toàn đập, hồ chứa, các thiết bị công trình xả lũ, cửa lấy nước, hệ thống còi báo xả lũ, thông tin liên lạc… và khắc phục kịp thời các khiếm khuyết trước mùa mưa lũ.
Nhiều hồ thủy lợi cần nâng cấp
Theo Sở NN&PTNT, đa số các công trình hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh thuộc loại vừa và nhỏ, phần lớn giao cho các địa phương quản lý, vận hành, khai thác. Do đó, bộ máy tổ chức quản lý các công trình thủy lợi này còn yếu và thiếu; đa số nhân viên có năng lực, trình độ chuyên môn còn hạn chế, chưa qua đào tạo bài bản nên chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là ở cấp huyện, xã…
Hiện nhiều công trình thủy lợi nhỏ trên địa bàn tỉnh được đầu tư, xây dựng quá lâu nên đã xuống cấp. TX Sông Cầu đang kiến nghị tỉnh đầu tư nâng cấp, sửa chữa công trình thủy lợi đập Đá Vải nhằm đáp ứng nhu cầu nước sản xuất, sinh hoạt vào mùa nắng và đảm bảo an toàn vào mùa mưa. Huyện Tây Hòa kiến nghị tỉnh bố trí nguồn vốn để nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa nước Suối Hiền và Đồng Tròn…
Các địa phương còn kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí điều tra, đánh giá công tác an toàn hồ đập và cắm mốc hành lang bảo vệ công trình, quan trắc hồ chứa; duy tu, sửa chữa các công trình hư hỏng, xuống cấp; lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm vùng hạ du để địa phương chủ động di dời, phòng tránh thiên tai; đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, khu dân cư phục vụ dời dân ở vùng thiên tai; bố trí kinh phí xây dựng kè sông, kè biển nhằm khắc phục sạt lở, xâm thực; hỗ trợ trang thiết bị như ca nô, áo phao, máy phát điện…
Theo UBND huyện Sơn Hòa, trên địa bàn huyện hiện có 31 công trình thủy lợi gồm 6 trạm bơm điện, 12 hồ chứa nước, 12 đập dâng và 1 cống tự chảy. Tuy nhiên, nhiều công trình thủy lợi, hồ, đập được xây dựng từ lâu nên đến nay đã xuống cấp.
Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết: Địa phương đang thực hiện nạo vét lòng hồ, xây kè dọc bờ hồ Trà Kê; gia cố mái, đắp bờ, làm mới hệ thống kênh mương hồ Cây Da từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.
UBND huyện kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí để địa phương lập hồ sơ quản lý tài sản kết cấu hạ tầng các công trình thủy lợi; duy tu, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp; đo đạc chỉnh lý cắm mốc toàn bộ các công trình thủy lợi.
Chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết phức tạp
Những năm gần đây, biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết càng ngày càng phức tạp, cực đoan, mưa, lũ vượt tần suất thiết kế đã ảnh hưởng lớn đến an toàn đập, hồ chứa nước. Trong khi năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo phục vụ điều hành hồ chứa nước chưa đáp ứng yêu cầu. Việc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi ở địa phương còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức, thiếu kinh phí…
Dự báo, năm 2024 có khoảng 11-13 cơn bão trên biển Đông (5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền), trong đó khoảng 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Phú Yên (khoảng từ tháng 10-12/2024).
Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên Trần Công Danh
Mặc dù các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh đến nay đang vận hành ổn định, an toàn, nhưng vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót. Theo Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thanh Tuấn, đối với công trình thủy điện Krông H’năng, Công ty CP Sông Ba cần phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk rà soát, hoàn chỉnh phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp năm 2024, trình UBND tỉnh Đắk Lắk xem xét, phê duyệt để triển khai thực hiện.
Đối với công trình thủy điện La Hiêng 2, Công ty CP VRG Phú Yên cần khẩn trương khắc phục và hoàn thành việc lắp đặt hệ thống phao cảnh báo tại khu vực đập tràn, cửa lấy nước trước mùa mưa lũ 2024; tổ chức ký quy chế phối hợp vận hành hồ chứa thủy điện La Hiêng 2 với các chủ hồ chứa thủy lợi Phú Xuân, Đồng Tròn trên cùng lưu vực sông Kỳ Lộ; nghiên cứu hỗ trợ kinh phí cho địa phương lắp thêm một trạm cảnh báo lũ từ xa tại vùng hạ du đập thủy điện La Hiêng 2.
Bên cạnh đó, Công ty CP Đầu tư thủy điện Đá Đen khẩn trương sơn lại thước đo mực nước hồ; nghiên cứu lắp đặt thiết bị đo mưa tự động tại khu vực đập tràn; thực hiện thủ tục cấp giấy phép môi trường theo quy định.
Trước tình hình thời tiết diễn biến bất thường, các đơn vị quản lý, khai thác các hồ chứa thủy lợi, thủy điện cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo nhằm đảm bảo an toàn công trình, đồng thời kiểm soát tốt nguồn nước phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết: Đối với những hồ chứa không bảo đảm an toàn, các địa phương, đơn vị tuyệt đối không tích nước hoặc chỉ tích nước ở mức phù hợp, đồng thời rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành gắn với an toàn vùng hạ du và tập trung đào tạo bồi dưỡng nhân lực để nâng cao năng lực quản lý, vận hành. Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết những đề xuất, kiến nghị của các địa phương, đơn vị về hỗ trợ trang thiết bị phòng chống thiên tai; đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, kè sông, kè biển, kè bảo vệ khu dân cư, bảo vệ đất sản xuất nhằm góp phần ổn định đời sống nhân dân, phát triển KT-XH.
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/321332/dam-bao-an-toan-ho-dap-truoc-mua-mua-bao.html