Đảm bảo an toàn khi lưu thông trên đường cao tốc

Hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra trên các tuyến cao tốc thời gian gần đây, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, nguyên nhân của phần lớn các vụ tai nạn này do người điều khiển phương tiện còn thiếu hiểu biết, kỹ năng khi tham gia lưu thông trên đường cao tốc.

Do lỗi chủ quan

Theo thông tin từ Ủy ban ATGT quốc gia, từ đầu năm 2024 đến nay, trên cả nước xảy ra hơn 12.000 vụ tai nạn giao thông (TNGT), tăng gần 1.850 vụ so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhiều vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên các tuyến đường cao tốc.

Điển hình là vụ tai nạn xảy ra trên đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua xã Phong Sơn, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế). Tài xế xe khách giường nằm do thiếu quan sát đã đâm vào phần đuôi xe tải đang đỗ ở phần đường xe chạy mà không đặt cảnh báo, khiến 2 người tử vong, 8 người khác bị thương.

 Hiện trường vụ tai nạn xảy ra trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ngày 11-7

Hiện trường vụ tai nạn xảy ra trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ngày 11-7

Mới đây nhất là vụ tai nạn xảy ra vào ngày 11-7 trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Sau vụ va chạm giữa xe khách và xe bán tải, khi 2 tài xế xuống xe đứng tranh cãi, một chiếc xe ô tô khác lao tới húc vào đuôi xe khách khiến 2 người này tử vong, một số người khác bị thương.

Đại diện Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam - Vidifi (đơn vị quản lý đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) cho biết, nhiều vụ TNGT xảy ra trên đường cao tốc cho thấy, một bộ phận tài xế đang thiếu kỹ năng khi điều khiển phương tiện, dẫn đến nguy hiểm cho chính lái xe và người tham gia giao thông.

Theo ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, đường cao tốc có hệ số an toàn cao nhất trong số các loại đường, TNGT trên đường cao tốc chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số các vụ TNGT trên toàn quốc. Tuy nhiên, đây cũng là loại đường đặc thù với tốc độ xe lưu thông cao, do vậy người tham gia giao thông cần tuân thủ nghiêm các quy định khi lưu thông, bảo đảm kiến thức và kỹ năng lái xe, có sức khỏe và sự tỉnh táo tập trung, có tình trạng phương tiện tốt. Thực tế các vụ tai nạn cho thấy, nếu nắm chắc các quy tắc về đảm bảo ATGT trên đường cao tốc và có kỹ năng lái xe tốt, các tài xế có thể tránh được nhiều vụ tai nạn đáng tiếc.

Cần thêm các giải pháp an toàn

Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định chi tiết về việc dừng, đỗ trên đường cao tốc. Cụ thể, Điều 18 quy định, người điều khiển phương tiện khi dừng, đỗ xe phải có đèn tín hiệu; phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải chiều đi; nếu đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở trước và sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết…

Tại Luật Trật tự ATGT đường bộ vừa được Quốc hội thông qua cũng có quy định riêng về giao thông trên đường cao tốc. Theo đó, trường hợp gặp sự cố kỹ thuật hoặc bất khả kháng khác buộc phải dừng đỗ xe, lái xe được dừng đỗ xe ở làn dừng khẩn cấp cùng chiều xe chạy và phải có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp. Trường hợp xe không thể di chuyển được vào làn dừng khẩn cấp, phải có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp và đặt biển hoặc đèn cảnh báo về phía sau xe, khoảng cách tối thiểu 150m, nhanh chóng báo cho cơ quan cảnh sát giao thông hoặc cơ quan quản lý đường cao tốc.

Theo ông Trần Hữu Minh, Việt Nam cơ bản đã có các quy định về đảm bảo an toàn trên đường cao tốc, song hệ thống đường cao tốc đang phát triển nhanh đã phát sinh những vấn đề mới, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải tiếp tục rà soát và làm rõ hơn các quy định cho phù hợp. Như vụ tai nạn trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vừa qua, theo quy định hiện hành thì “Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm: dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường, ở lại nơi xảy ra tai nạn” (Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008). Tuy nhiên, trên đường cao tốc, nếu giữ nguyên hiện trường lâu trên làn xe di chuyển có tốc độ cao thì nguy cơ gây ra TNGT tiếp theo càng cao.

Để giảm rủi ro thì cần thêm nhiều giải pháp. Cụ thể, các cơ quan chức năng cần tăng cường cơ chế, năng lực và thiết bị để thu nhận, phát hiện sự cố sớm nhất, thông báo cho các xe và kiểm soát được tốc độ dòng giao thông đi vào khu vực có tai nạn hoặc sự cố. Vụ tai nạn trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là tình huống mới, và các cơ quan chức năng cần phân tích, mổ xẻ để có những giải pháp kịp thời khi sắp tới đây, hàng loạt tuyến đường cao tốc tiếp tục được đưa vào khai thác.

Quy định về tham gia giao thông trên đường cao tốc (Điều 26 Luật Giao thông đường bộ 2008):

Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc ngoài việc tuân thủ các quy tắc giao thông quy định tại Luật Giao thông đường bộ còn phải thực hiện các quy định sau đây:

- Khi vào đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, khi thấy an toàn mới cho xe nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi vào làn đường của đường cao tốc;

- Khi ra khỏi đường cao tốc phải thực hiện chuyển dần sang làn đường phía bên phải, nếu có làn đường giảm tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi rời khỏi đường cao tốc;

- Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường;

- Không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường.

MINH DUY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dam-bao-an-toan-khi-luu-thong-tren-duong-cao-toc-post749486.html