Đảm bảo an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học
Ngoài việc nâng cao chất lượng dạy và học, các trường bán trú, nội trú trên địa bàn tỉnh Gia Lai có tổ chức bếp ăn tập thể còn chú trọng đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP). Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn cũng tăng cường quản lý, giám sát nhằm đảm bảo ATTP, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học.
Xây dựng mô hình điểm
Công tác đảm bảo ATTP trong trường học là vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của học sinh. Do đó, các đơn vị trường học có tổ chức bếp ăn tập thể đều xây dựng kế hoạch thực hiện nghiêm quy định về đảm bảo ATTP. Bếp ăn được xây dựng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đảm bảo nguyên tắc một chiều. Nhiều mô hình điểm bếp ăn tập thể trường học được các đơn vị học tập nhân rộng.
Bếp ăn tập thể của Trường Tiểu học, THCS và THPT Sao Việt (TP. Pleiku) là một trong những mô hình điểm trên toàn tỉnh. Để phục vụ cho khoảng 700 học sinh, nhà trường bố trí bếp ăn tại khu vực thông thoáng, rộng rãi, đảm bảo nguyên tắc một chiều. Bếp trưởng Võ Văn Hậu cho biết: “Chúng tôi có 11 thành viên phục vụ nấu ăn cho học sinh. Mọi người đều cẩn trọng, thực hành đúng các quy định. Tất cả nhân viên đều được tập huấn kiến thức ATTP, khám sức khỏe định kỳ, không mắc các bệnh lây nhiễm”.
Theo ông Hậu, khâu nhập thực phẩm đầu vào được đặc biệt coi trọng, nhất là thực phẩm tươi sống. Thực phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Nhà trường lập hợp đồng mua bán, hồ sơ pháp lý từ nhà cung cấp thực phẩm, các chứng từ, hóa đơn mua hàng... đảm bảo nguồn gốc thực phẩm sạch và an toàn. Bên cạnh đó, nhà trường sử dụng nguồn nước sạch trong chế biến và lưu mẫu thực phẩm theo quy định. “Tôi có nhiều năm kinh nghiệm đứng bếp tại một số trường học nên quản lý, vận hành bếp ăn tập thể đúng quy định. Các nhân viên phục vụ tại bếp ăn tập thể làm việc trách nhiệm, mang/mặc bảo hộ lao động trong quá trình chế biến. Thực đơn được xây dựng khoa học, thay đổi hàng ngày và cam kết đủ dinh dưỡng và đảm bảo ATTP”-ông Hậu nói.
Đi vào hoạt động từ năm 2015 đến nay, bếp ăn tập thể Trường Tiểu học, THCS và THPT Sao Việt đã thực hiện tốt nhiệm vụ chăm lo bữa ăn an toàn, dinh dưỡng và chất lượng, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học. Em Nguyễn Trần Bảo Trang-học sinh lớp 5A1-nhận xét: “Các cô chú nhà bếp nấu cơm rất cẩn thận, thực đơn được thay đổi hàng ngày. Em thấy cơm ở trường rất ngon”.
Theo Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Chung: Ngay từ đầu năm học, nhà trường tổ chức cân, khám sức khỏe và tìm hiểu tình trạng sức khỏe của từng học sinh, xem có em nào dị ứng thức ăn không để xây dựng thực đơn riêng. Nhà trường tổ chức giám sát bếp ăn tập thể thường xuyên và tạo điều kiện để phụ huynh cùng giám sát, công khai, minh bạch. “Nhà trường cấp thẻ cho Ban đại diện cha mẹ học sinh để kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất bếp ăn tập thể xem bữa ăn có đảm bảo chất lượng, có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không, khu vực bếp ăn có sạch sẽ không. Việc làm này được phụ huynh đồng tình và đánh giá cao. Ngoài ra, hàng năm, các đơn vị quản lý cũng tiến hành kiểm tra và đánh giá nhà trường đều thực hiện tốt các quy định”-cô Chung thông tin.
Những năm qua, Trường Mầm non Hoa Phong Lan (TP. Pleiku) cũng chú trọng xây dựng bếp ăn tập thể đảm bảo an toàn. Cô Trần Thị Thoa-Hiệu trưởng nhà trường-nhấn mạnh: Lứa tuổi mầm non sức đề kháng kém nên đảm bảo ATTP, đảm bảo sức khỏe cho học sinh hết sức quan trọng. Theo đó, nhà trường nhập thực phẩm tươi sống, sạch và có nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ theo quy định. Chúng tôi xây dựng thực đơn dinh dưỡng, đảm bảo đủ chất và lượng, thay đổi hàng ngày, tổ chức giám sát bếp ăn tập thể thường xuyên. Việc quản lý chặt chẽ, sát sao nhằm đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh theo yêu cầu và không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Bà Trần Thị Thúy Nga-phụ trách bếp ăn tập thể của Trường Mầm non Hoa Phong Lan-cho hay: Các nhân viên đứng bếp thực hiện nghiêm các quy định trong chế biến thực phẩm, tập huấn kiến thức ATTP, khám sức khỏe định kỳ… Quá trình chế biến thức ăn cho trẻ tuân thủ nghiêm quy định mang/mặc bảo hộ lao động, giữ gìn vệ sinh, đảm bảo các suất ăn an toàn.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Bà Nguyễn Ngọc Thanh Trang-Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh) cho biết: Khoản 1 và khoản 2 Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP. Theo đó, bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm (bếp ăn nội trú hoặc bán trú do trường học tự tổ chức) thì không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP nhưng phải tuân thủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm ATTP tương ứng.
Đối với trường học có bếp ăn tập thể nhưng thuê đơn vị bên ngoài vào nấu ăn tại trường học thì đơn vị được thuê phải tuân thủ các điều kiện như cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có địa điểm cố định và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Đồng thời, nhà trường phải ký hợp đồng với đơn vị đó về việc cung cấp suất ăn.
Đối với trường học không có bếp ăn nội trú, bán trú thì phải ký hợp đồng với các cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP để cung cấp thức ăn cho học sinh. Công ty kinh doanh trường học có tổ chức bếp ăn tập thể phải có giấy phép kinh doanh, đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ ăn uống và phải được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định khi tổ chức căng tin, bếp ăn bán trú hoặc nội trú.
“Để đảm bảo ATTP, người trực tiếp chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức ATTP và được chủ cơ sở xác nhận và không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp khi đang sản xuất kinh doanh thực phẩm; mang/mặc bảo hộ lao động khi chế biến thực phẩm. Sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng (lập hợp đồng mua bán, các hồ sơ pháp lý từ nhà cung cấp thực phẩm, các chứng từ, hóa đơn mua hàng); lưu mẫu thức ăn và ghi chép sổ kiểm thực 3 bước.
Bếp ăn phải được bố trí bảo đảm không nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến; có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh; có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh; cống rãnh ở khu vực nhà bếp phải thông thoát, không ứ đọng. Nhà ăn phải thoáng, mát, đủ ánh sáng, duy trì chế độ vệ sinh sạch sẽ. Người đứng đầu đơn vị có bếp ăn tập thể có trách nhiệm bảo đảm ATTP”-bà Trang thông tin.
Công tác kiểm tra, giám sát bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn tỉnh được các đơn vị chuyên môn tiến hành chặt chẽ thường xuyên nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm vi phạm nếu có. Ông Đỗ Tấn Thạnh-Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh-đánh giá: Các đơn vị có tổ chức bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn tỉnh đều chú trọng công tác đảm bảo ATTP, thực hiện nghiêm các quy định trong chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn. Các trường học nhận thức rõ đảm bảo ATTP bếp ăn tập thể trường học là đảm bảo sức khỏe cho học sinh, qua đó nâng cao chất lượng dạy và học nên tất cả đều chú trọng thực hiện theo quy định. Thời gian qua, toàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học.
Theo ông Thạnh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức giám sát, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tại các bếp ăn tập thể trong trường học. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, quản lý, giám sát nên các đợt kiểm tra không phát hiện trường hợp vi phạm. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cũng tích cực hướng dẫn các trường xây dựng mô hình điểm bếp ăn tập thể trường học và tiến hành thẩm định đánh giá, nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Trong năm học mới 2023-2024, Chi cục tiếp tục giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo ATTP bếp ăn tập thể, không để ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học.