Đảm bảo an toàn thực phẩm ngày tết

Tết đến, Xuân về là dịp thị trường thực phẩm diễn ra rất sôi động do nhu cầu tiêu dùng và kinh doanh không ngừng gia tăng cả về chủng loại và số lượng thực phẩm.

Chỉ vì mục đích cá nhân là thu được lợi ích kinh tế, mà nhiều người kinh doanh đã bất chấp pháp luật, bất chấp đạo đức, sẵn sàng đưa những mặt hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, hàng giả hàng nhái trà trộn vào tiêu thụ từ những mặt hàng thiết yếu tươi sống như thịt, các sản phẩm từ thịt, cá, trứng, rau củ, quả… đến những mặt hàng bao gói sẵn như bánh, kẹo, mứt, rượu, bia, nước giải khát... Nhiều vấn đề về mất an toàn thực phẩm (ATTP) có thể xảy ra như kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm quá hạn sử dụng, … không công bố/tự công bố sản phẩm, nguyên liệu dùng để chế biến thực phẩm không an toàn, hàng nhập lậu; chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh; sản phẩm thực phẩm bị ô nhiễm, rượu pha chế từ cồn công nghiệp, dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố không đảm bảo ATTP… Nguy cơ xảy ra các sự cố ATTP ở tất cả các khâu, chuỗi thực phẩm ở tất cả các địa phương, vùng miền là có thể xảy ra. Sử dụng thực phẩm không an toàn có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm, nếu nặng có thể tử vong.

Thực hiện Kế hoạch của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024. Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh Bình Thuận chỉ đạo, triển khai công tác tuyên truyền ATTP và tăng cường công tác kiểm tra liên ngành ATTP dịp Tết Nguyên đán như sau: Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành ATTP từ tỉnh đến huyện, xã; tùy theo tình hình ở mỗi địa phương, các đoàn kiểm tra tập trung kiểm tra trước, trong và sau Tết nguyên đán; kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, kiểm tra các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm… Trong đó tránh hiện tượng kiểm tra chồng chéo giữa đoàn của Tỉnh với đoàn của huyện, giữa chuyên ngành với liên ngành, giữa ngành này với ngành khác… tránh gây phiền hà cho Doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các Doanh nghiệp phát triển sản xuất; đồng thời kiên quyết xử lý các cơ sở sản xuất thực phẩm giả, kém chất lượng, không tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm.

Song song đó kết hợp công tác tuyên truyền, giáo dục người sản xuất, chế biến thực phẩm thực hiện đúng các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ; sử dụng nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; hướng dẫn điều kiện bảo quản, kinh doanh thực phẩm… đồng thời tuyên truyền, giáo dục ý thức người tiêu dùng biết cách chọn mua thực phẩm an toàn, biết cách chế biến, bảo quản thực phẩm; không mua sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi, thiu, mốc hỏng… không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày Tết.

Khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng bia, rượu, nhất là rượu không rõ nguồn gốc, phòng ngừa ngộ độc để tất cả mọi người, mọi nhà đều được đón Tết an toàn, tiết kiệm, vui tươi, hạnh phúc.

Cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm ngày Tết:

1-Đối với người sản xuất chế biến thực phẩm:

- Cần thực hiện đúng các quy định về điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Thực hiện tốt “10 nguyên tắc vàng” chế biến thực phẩm an toàn:

1. Chọn thực phẩm an toàn: thưc phẩm tươi, sạch, có nguồn gốc rõ ràng

2. Nấu kỹ thức ăn: để tiêu diệt mầm bệnh

3. Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín: thực phẩm để nguội càng lâu nguy cơ nhiễm khuẩn càng cao, nên phải ăn ngay để đảm bảo an toàn.

4. Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín.

5. Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn: Để tiêu diệt vi khuẩn

6. Không để lẫn lộn thực phẩm sống và chín: vì sẽ bị ô nhiễm chéo qua tiếp xúc.

7. Luôn giữ tay sạch sẽ khi chế biến thực phẩm: Bàn tay là ổ chứa mầm bệnh truyền qua thực phẩm nếu không được rửa kỹ trước khi chế biến thực phẩm.

8. Giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ: vi khuẩn ưa môi trường ẩm, dinh dưỡng cao, do vậy cần giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ để hạn chế vi khuẩn phát triển.

9. Bảo vệ thực phẩm khỏi sự xâm nhập của các loài côn trùng, gặm nhấm và các loài động vật khác: Côn trùng và các loài gặm nhấm thường chứa các vi sinh vật gây bệnh truyền qua đường thực phẩm. Nên phải bảo quản cẩn thận

10. Sử dụng nguồn nước sạch để chế biến.

2-Đối với người tiêu dùng: Tuyên truyền mỗi người dân là người tiêu dùng thông thái:

- Biết cách lực chọn thực phẩm an toàn.

- Chỉ mua thực phẩm ở nơi có địa chỉ, nguồn gốc rõ ràng;

- Chỉ ăn uống ở các cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP

- Phát giác những hành vi vi phạm VSATTP với cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/dam-bao-an-toan-thuc-pham-ngay-tet-116256.html