Đảm bảo an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu

PTĐT - Bắt đầu từ ngày 22/4, Phú Thọ chính thức triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh. Căn cứ lượng vắc xin nhận từ trung ương, tỉnh tổ chức tiêm...

PTĐT - Bắt đầu từ ngày 22/4, Phú Thọ chính thức triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh. Căn cứ lượng vắc xin nhận từ trung ương, tỉnh tổ chức tiêm vắc xin cho một số đối tượng thuộc nhóm 1 của Nghị quyết 21 gồm: Cán bộ y tế các tuyến, thành viên BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 các cấp, lực lượng tham gia hoạt động truy vết, tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng. Phóng viên Báo Phú Thọ đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Quang Thọ - Phó Giám đốc Sở Y tế để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

PV: Xin đồng chí cho biết về kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 của tỉnh?

Tiến sĩ Lê Quang Thọ: Trong đợt 1 năm 2021, tỉnh được Bộ Y tế phân bổ 9.900 liều vắc xin AstraZeneca. Toàn tỉnh triển khai 21 điểm tiêm vắc xin COVID-19, trong đó có 6 điểm tiêm tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh; 1 điểm tiêm tại Bệnh viện đa khoa tuyến huyện; 12 điểm tiêm tại Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành; 1 điểm tiêm tại Bệnh viện ngành (Bệnh viện Xây dựng Việt Trì), 1 điểm tiêm tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương.

Công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Mọi quy trình kỹ thuật trong tiêm chủng đều được chuẩn bị kỹ lưỡng theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế. Tất cả cán bộ y tế tham gia công tác tiêm chủng đã được tập huấn và tập huấn lại các quy trình, kỹ thuật liên quan đến bảo quản, vận chuyển vắc xin, khám sàng lọc để chỉ định tiêm, theo dõi và xử lý phản vệ sau tiêm… Cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị và thuốc thiết yếu dùng trong cấp cứu phản vệ được bố trí đầy đủ tại các điểm tiêm. Qua đánh giá, trong ngày đầu tiên triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19, đã có trên 1.000 người được tiêm và sức khỏe của những người này ổn định.

PV: Khi nào người dân được tiêm vắc xin phòng COVID-19 rộng rãi?

Tiến sĩ Lê Quang Thọ: Theo kế hoạch của UBND tỉnh, giai đoạn 2021 2022 với mục tiêu phấn đấu trên 80% dân số của tỉnh được tiêm chủng vắc xin COVID- 19 để đảm bảo miễn dịch cộng đồng, trong đó trên 95% đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin COVID- 19.

Công tác khám sàng lọc trước khi tiêm được thực hiện nghiêm túc

Công tác khám sàng lọc trước khi tiêm được thực hiện nghiêm túc

Đối tượng ưu tiên bao gồm: Lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch: Người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng, chống dịch (thành viên ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên… ); quân đội, công an; nhân viên, cán bộ đối ngoại được cử đi nước ngoài, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; người cung cấp dịch vụ thiết yếu: Hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện nước; giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; người mắc các bệnh mãn tính, người trên 65 tuổi, người sinh sống tại vùng có dịch, người nghèo các đối tượng chính sách xã hội… Bên cạnh đó, đối tượng tiêm theo hình thức xã hội hóa: gồm các đối tượng còn lại, được tiêm chủng đủ mũi vắc xin phòng COVID- 19 khi có đủ nguồn vắc xin để đạt mục tiêu 80% dân số của tỉnh được tiêm chủng đủ mũi vắc xin phòng COVID- 19.

PV: Nhiều bạn đọc bày tỏ băn khoăn về độ an toàn của vắc xin phòng COVID-19. Xin đồng chí cho biết về vấn đề này?

Tiến sĩ Lê Quang Thọ: Gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin liên quan đến tính an toàn của vắc xin AstraZeneca, trong đó có đề cập tới một số quốc gia quyết định tạm dừng tiêm loại vắc xin này để làm sáng tỏ thêm hiệu quả và tính an toàn của nó. Tuy nhiên, chúng ta cần biết rằng phản ứng không mong muốn sau tiêm chủng là thuộc tính cố hữu của tất cả các loại vắc xin sử dụng bằng đường tiêm và vắc xin AstraZeneca cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Với những hiệu quả rõ rệt do vắc xin AstraZeneca mang lại, WHO khuyến cáo các quốc gia tiếp tục sử dụng và tới nay hầu hết các nước đã tiêm trở lại loại vắc xin này.

Để đảm bảo thành công chung của chiến dịch, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương đặt công tác an toàn tiêm chủng là một trong những ưu tiên hàng đầu. Mọi quy trình kỹ thuật trong tiêm chủng đều được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế. Tất cả cán bộ y tế tham gia công tác tiêm chủng đều được tập huấn và tập huấn lại các quy trình, kỹ thuật liên quan đến bảo quản, vận chuyển vắc xin, khám sàng lọc để chỉ định tiêm, theo dõi và xử lý phản vệ sau tiêm…. Trong đợt tiêm thứ nhất đều được thực hiện trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị và thuốc thiết yếu dùng trong cấp cứu phản vệ đều được bố trí đầy đủ tại các điểm tiêm.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh được tiêm vắc xin phòng COVID-19

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh được tiêm vắc xin phòng COVID-19

Theo thông tin từ Bộ Y tế tính đến nay, toàn quốc có trên 75.000 người đã được tiêm mũi một. Kết quả theo dõi, thống kê cho thấy có khoảng 35% tổng số người được tiêm có biểu hiện tác dụng không mong muốn sau tiêm. Hầu hết là các phản ứng thông thường như đau nóng tại vị trí tiêm, mệt mỏi, bồn chồn, đau đầu, buồn nôn, ngứa, một số có sốt hoặc ớn lạnh, chỉ có 5 trường hợp phản vệ nhưng được phát hiện kịp thời, xử lý hiệu quả và đã hoàn toàn bình phục sau 2-3 ngày điều trị.

Kết quả tổng hợp trong ngày tiêm vắc xin đầu tiên 22/4/2021 trên địa bàn tỉnh cho thấy, chỉ có 56 trường hợp xuất hiện phản ứng sau tiêm trên tổng số 1.015 người được tiêm chủng vắc xin AstraZeneca và hầu hết chỉ là những phản ứng thông thường như thông tin chung của Bộ Y tế. Bởi vậy, người dân không nên lo lắng về tính an toàn của vắc xin AstraZeneca.

PV: Trong thời gian chưa được triển khai tiêm vắc xin, đồng chí có khuyến cáo gì với người dân?

Tiến sĩ Lê Quang Thọ: Vắc xin chỉ là một trong nhiều biện pháp hữu hiệu để phòng COVID-19 chủ động. Ngoài vắc xin, còn có những biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng và hiệu quả khác, đó là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách trên 2m, sát trùng tay thường xuyên… Tổ chức Y tế Thế giới đã khẳng định và khuyến cáo các quốc gia trong thời gian chưa đủ vắc xin tiêm để đạt miễn dịch cộng đồng, cần áp dụng rộng rãi các biện pháp này. Thực tế ở Việt Nam qua ba làn sóng dịch COVID-19 trong năm 2020 và đầu năm 2021 đã minh chứng rõ nét tác dụng của 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và khử trùng tay trong phòng và kiểm soát dịch COVID-19. Bởi vậy, cho tới khi vắc xin có đủ để triển khai tiêm rộng rãi tới cộng đồng, 5k vẫn là “vũ khí tối ưu” giúp phòng chống dịch COVID-19.

Thậm chí, các chuyên gia còn khuyến cáo ngay cả khi đã được tiêm vắc xin đủ liều, người dân vẫn nên giữ khoảng cách, đeo khẩu trang nơi công cộng và sát trùng tay thường xuyên cho tới dịch COVID-19 được kiểm soát hoàn toàn trên phạm vi toàn thế giới.

PV: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

Hoàng Quý (thực hiện)

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/suc-khoe-doi-song/202104/dam-bao-an-toan-tiem-chung-duoc-dat-len-hang-dau-176587