Đảm bảo an toàn vệ sinh thức ăn đường phố
Khi cuộc sống trở nên bận rộn, đồ ăn nhanh đường phố trở thành sự lựa chọn của nhiều người bởi sự tiện lợi, tuy nhiên, thức ăn đường phố lại đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chỉ 2 ngày thực hiện kiểm tra tại các quán bán đồ ăn nhanh đường phố, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của phường Sa Pa (thị xã Sa Pa) đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 cơ sở kinh doanh thức ăn nhanh đường phố là quán đồ nướng, xôi - bánh mỳ và quán bán đồ ăn sẵn trên các vỉa hè. Các lỗi xử phạt vi phạm chủ yếu như nơi để thực phẩm chưa hợp lý, chưa có màng che, đậy, bọc thực phẩm… Theo ghi nhận của phóng viên, tại các quán bán đồ nướng, đồ ăn nhanh trên đường Ngũ Chỉ Sơn nằm ven hồ Sa Pa, khi đoàn kiểm tra có mặt thì người bán hàng mới đeo găng tay, che đậy quầy thực phẩm. Tuy nhiên, sau khi cơ quan chức năng rời đi thì người chế biến thức ăn lại tháo găng tay và bày đồ ăn ra ngoài mà không che đậy.
Chị Nguyễn Thị Hải, đường Ngũ Chỉ Sơn, phường Sa Pa - chủ một cửa hàng bán đồ nướng - cho biết: Trước kia cửa hàng của tôi cũng có tủ kính để bảo quản đồ ăn, nhưng điều này làm khó cho khách hàng khi lựa chọn món. Do đó, tôi đã bày thực phẩm ra các đĩa và đặt trên bàn để thực khách dễ lựa chọn. Sau khi cơ quan chức năng xử lý và nhắc nhở, tôi đã nghiêm chỉnh chấp hành.
Phường Sa Pa là địa bàn trung tâm của khu du lịch Sa Pa, với gần 20 tuyến đường, phố chính và chợ trung tâm Sa Pa, do đó có rất nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn nhanh trên đường phố. Theo thống kê của UBND phường, tính đến ngày 15/10, trên địa bàn đang có 45 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố hoạt động, con số này có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, bởi lượng du khách đến Sa Pa ngày càng tăng.
Bà Đỗ Thùy Dung, Phó trạm trưởng Trạm Y tế phường Sa Pa cho biết, các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố ở Sa Pa thường hoạt động vào ban đêm và không cố định. Bên cạnh đó, chưa có quy định các cơ sở này phải có đăng ký kinh doanh và cũng không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (kinh doanh thức ăn đường phố không cần xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm), nên gây không ít khó khăn cho việc quản lý.
Còn tại thành phố Lào Cai, các quán đồ ăn nhanh đường phố cũng mọc lên không ít. Theo thống kê của Trung tâm Y tế thành phố, trên địa bàn có khoảng 40 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Thời gian qua, các cơ quan chức năng của thành phố đã phối hợp với các phường rà soát, kiểm tra, tuy nhiên các cơ sở này không cố định, nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Nguyên, chủ một cơ sở bán bánh mỳ và xôi trên đường Lý Công Uẩn, phường Kim Tân cho biết, hiện tại chị bán hàng ở đây, nhưng thời gian tới có thể sẽ chuyển đi nơi khác do địa điểm này không còn được bán.
Việc các cơ sở bán đồ ăn nhanh đường phố di chuyển địa điểm thường xuyên và không có đăng ký kinh doanh đã khiến cơ quan chức năng khó quản lý trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bà Đoàn Thị Thu Hoài, Trưởng Khoa An toàn thực phẩm, Trung tâm Y tế thành phố cho biết, hầu hết cơ sở bán thức ăn đường phố thường xuyên di chuyển địa điểm, khi cơ quan an toàn thực phẩm lên kế hoạch kiểm tra thì quán đã di chuyển đến khu vực khác. Theo quy định, người bán thức ăn đường phố phải được tập huấn và có xác nhận đã tham gia tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng phần lớn không có. Do đó, để đảm bảo an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố, cơ quan chức năng phải thường xuyên phối hợp với các phường, xã rà soát để quản lý, tránh những nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm có thể xảy ra.
Thực tế cho thấy, việc quản lý các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. Bởi, theo Thông tư số 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ không cần đăng ký kinh doanh, không cần lưu mẫu thực phẩm… và tần suất kiểm tra của cơ quan chức năng không quá 4 lần/năm đối với đối tượng kinh doanh thức ăn đường phố do UBND cấp xã quản lý hoặc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Vì thế, đây là những cơ sở có nguy cơ rất cao về việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mặc dù thời gian qua, trên địa bàn tỉnh chưa có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra ở các cơ sở kinh doanh thức ăn nhanh đường phố, nhưng để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở các cơ sở này, cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong quản lý. Bên cạnh đó, bản thân mỗi người dân hãy là những người tiêu dùng thông thái và chỉ nên lựa chọn mua đồ ăn tại cơ sở chế biến uy tín để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/361831-dam-bao-an-toan-ve-sinh-thuc-an-duong-pho