Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh bán trú ở vùng cao Yên Bái
Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là nỗi lo thường trực của các đơn vị trường học bán trú và nội trú, nhất là ở vùng cao Yên Bái, nơi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Do đó, ngành giáo dục cùng chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ đến tất cả các đơn vị trường học có tổ chức nấu ăn cho học sinh.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Túc Đán, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, năm học này có 30 lớp với gần 1.000 học sinh thuộc 2 cấp học, 100% học sinh bán trú, trong đó có hơn 900 em ăn 3 bữa/ngày tại trường.
Để các em có bữa ăn đảm bảo chất lượng và an toàn, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã cử nhân viên dinh dưỡng đi tập huấn nghiệp vụ chuyên môn; tổ chức lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm đảm bảo năng lực; phân công các bộ phận phụ trách thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong quá trình thực hiện, bộ phận y tế luôn lưu mẫu thức ăn sống, chín.
Cô giáo Hoàng Thị Thúy Vân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trước khi vào năm học mới, nhà trường triển khai rộng rãi mời thầu với tất cả các nhà cung cấp, sau đó mời đảng ủy xã, các bộ phận liên quan và phụ huynh học sinh đứng ra lựa chọn ra một số nhà thầu đủ điều kiện, đảm bảo cam kết về chất lượng, số lượng, giá cả. Nhà trường cũng giao nhiệm vụ rõ ràng cho từng bộ phận, ví dụ như bộ phận bán trú, y tế thì chịu trách nhiệm chính trong khâu kiểm tra, kiểm soát xem nguồn thực phẩm đảm bảo chất lượng bữa ăn cho các con hay không".
Trường Mầm non Bông Sen, huyện Trạm Tấu có 5 điểm trường, đây là một trong những trường học còn nhiều khó khăn ở huyện đặc biệt khó khăn. Năm học 2023 - 2024, trường có 12 nhóm lớp với hơn 400 cháu, chủ yếu là con em dân tộc Mông. Trong năm học này chỉ có hơn 200 cháu ở điểm trường chính và điểm trường Pá Khoang được ăn bữa trưa do nhà trường tổ chức nấu, còn lại do hoàn cảnh của phụ huynh khó khăn nên các con phải mang cặp lồng cơm đến lớp ăn trưa.
Mỗi một cặp lồng cơm là một hoàn cảnh. Thương các cháu, các cô thường xuyên nhắc nhở phụ huynh quan tâm đến chất lượng bữa ăn, vệ sinh sạch sẽ dụng cụ, nấu chín thức ăn cho các con mang đến lớp.
Cô giáo Lê Thị Bích Lan, Hiệu trưởng Mầm non Bông Sen cho biết, đối với các điểm tổ chức nấu ăn, nhà trường yêu cầu thực hiện tốt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm: "Đối với các cháu ở điểm lẻ mang cơm cặp lồng, để đảm bảo cho các cháu có cơm nóng, các cô giáo đã vận động phụ huynh có thể mang thêm mì tôm hoặc rau đến lớp, khi đến bữa các cô nấu thêm canh nóng cho các cháu chan cơm".
Năm học 2023 - 2024, toàn huyện Trạm Tấu có gần 12 nghìn học sinh từ bậc Mầm non đến THCS, trong đó có hơn 6 nghìn học sinh ăn bán trú. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện đã chỉ đạo các đơn vị trường học kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, tuân thủ quy trình giao nhận thực phẩm, kiểm thực 3 bước là: trước khi chế biến, trong quá trình chế biến và trước khi ăn. Tuyệt đối không nhận thực phẩm từ các cơ sở, đơn vị cung cấp mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị trường học lên thực đơn theo mùa, theo tuần, tính khẩu phần… để đảm bảo chất lượng bữa ăn.
Ông Bùi Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Trạm Tấu cho biết: "Ngay từ đầu năm học Phòng Giáo dục - Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị trường chú trọng đảm bảo chất lượng bữa ăn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh trong các đơn vị trường; phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tổ chức tập huấn cho gần 100 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của các đơn vị trường về kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm".
Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh Yên Bái có 442 trường mầm non và giáo dục phổ thông với quy mô hơn 7.100 nhóm lớp, trên 230 nghìn học sinh. Trong đó, có hơn 100.000 học sinh ăn từ 1 đến 3 bữa/ngày tại trường, chủ yếu là học sinh Mầm non, học sinh bán trú, nội trú.
Ngành Giáo dục Yên Bái đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đến các đơn vị trường học, nhất là các trường nội trú, bán trú; phối hợp với ngành Y tế tổ chức hướng dẫn, kiểm tra định kỳ, đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý các nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe học sinh, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học