Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất hàng hóa phục vụ Tết
Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân cũng tăng cao. Để người dân được tiếp cận, sử dụng các sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), bảo đảm sức khỏe, các ngành chức năng, các địa phương quan tâm, kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu sản xuất. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân cũng tăng cao. Để người dân được tiếp cận, sử dụng các sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), bảo đảm sức khỏe, các ngành chức năng, các địa phương quan tâm, kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu sản xuất.
Để đảm bảo ATVSTP năm nay các ngành chức năng, các địa phương trên cơ sở phân tích, đánh giá thực lực các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm của tỉnh chủ yếu là nhỏ và vừa, chưa nắm bắt đầy đủ các quy định pháp luật về đảm bảo ATVSTP để có các giải pháp phù hợp. Theo đó, ngành NN và PTNT đã tập trung phối hợp với các ngành, các địa phương xây dựng và tổ chức vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, liên kết chuỗi giá trị, gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, hỗ trợ đầu tư sản xuất và áp dụng quy trình, tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như (VietGAP, VietGAHP, GlobalGAP) và hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến (GMP, ISO 22000, HACCP...). Đẩy mạnh thực hiện việc kiểm soát tồn dư các chất độc hại trong toàn bộ các chuỗi sản xuất - kinh doanh sản phẩm nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác thủy sản, sản xuất, chế biến muối); tập trung vào thực phẩm rủi ro cao, tiêu thụ nhiều (rau, củ, quả, thịt, thủy sản) nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo, truy xuất, xử lý các trường hợp không đảm bảo an toàn. Theo đồng chí Phạm Thị Thoa, Trưởng Phòng Chế biến Thương mại nông sản (Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản Nam Định), ngành NN và PTNT đã hỗ trợ cho 45 đơn vị xây dựng và áp dụng quy trình thực hành tốt trong sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap, HACCP để đảm bảo cung ứng ra thị trường các sản phẩm ATVSTP, vì sức khỏe người tiêu dùng. Các ngành, các địa phương ưu tiên hỗ trợ phát triển các cơ sở, doanh nghiệp chế biến các mặt hàng mang thương hiệu cấp huyện, cấp tỉnh; các sản phẩm tham gia đánh giá xếp hạng trong chương trình OCOP... bằng công nghệ chế biến tiên tiến, có khả năng cạnh tranh cao. Trong năm 2020, các ngành, các địa phương đã hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp nâng cấp, cải tiến, chuẩn hóa chất lượng, mẫu mã, bao bì cho 110 sản phẩm đủ điều kiện tham gia đánh giá, xếp hạng theo tiêu chí sản phẩm OCOP. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 146 sản phẩm OCOP, trong đó có 135 sản phẩm thuộc ngành thực phẩm, đồ uống. Theo ông Trần Quốc Toản, Giám đốc Công ty TNHH Toản Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Nông sản sạch Nam Định: Việc tích cực hướng dẫn, hỗ trợ của ngành chức năng đã tạo động lực thúc đẩy cơ sở, doanh nghiệp thực hiện các quy chuẩn đảm bảo VSATTP theo chuỗi liên kết (đảm bảo ATVSTP ở tất cả các công đoạn, từ sản xuất nguyên liệu, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm). Đến nay tỉnh ta đã xây dựng và phát triển được 28 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn gồm: 10 chuỗi thủy sản, 9 chuỗi sản phẩm trồng trọt, 3 chuỗi sản xuất, chế biến các loại muối, 6 chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi; đã kiểm soát, xác nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi của 17 chuỗi. Các chuỗi tiêu biểu: Chuỗi liên kết sản xuất gạo sạch chất lượng cao của Công ty TNHH Toản Xuân với quy mô trên 1.000ha; chuỗi liên kết sản xuất lúa giống và gạo Japonica (Nhật Bản) của Công ty TNHH Cường Tân với quy mô trên 500ha; chuỗi liên kết sản xuất, chế biến lợn sữa, lợn choai xuất khẩu của Công ty TNHH Công Doanh công suất 2.000 con/ngày; chuỗi sản xuất chế biến ngao sạch xuất khẩu của Tập đoàn Lenger; chuỗi rau sạch của Công ty cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh… “Vùng nuôi liên kết Lenger Farm” quy mô 500ha, sản lượng 10 nghìn tấn ngao của xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) đã vinh dự là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam cũng như trên thế giới đạt chứng nhận ASC cho ngao Meretrix Lyrata. Chứng nhận ASC (thiết lập bởi Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên và Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững) là tiêu chuẩn quốc tế về nuôi thủy sản ATVSTP bền vững; được ví như “VISA VIP” để sản phẩm ngao của tỉnh ta nói riêng và Việt Nam nói chung thâm nhập thuận lợi vào các thị trường có lượng người tiêu dùng ưa chuộng lớn, nhất là thị trường châu Âu. Trong năm 2020 công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh tiếp tục phát triển với tổng số gần 600 cơ sở, doanh nghiệp; trong đó, nhiều đơn vị đã đầu tư công nghệ hiện đại, tham gia sản xuất đa dạng các sản phẩm lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ tiêu dùng.
Theo Sở Công Thương, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm nay, số lượng doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã cung ứng nông sản thực phẩm đảm bảo ATVSTP của tỉnh tăng thêm. Đến thời điểm hiện tại, sản lượng tất cả các thực phẩm đều cơ bản được các cơ sở, doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, nhập hàng với số lượng đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu dùng của người dân. Từ nay đến giáp Tết, Sở sẽ đẩy mạnh tổ chức các hoạt động kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nắm bắt được diễn biến nhu cầu thị trường, chủ động thúc đẩy sản xuất đảm bảo đủ nguồn hàng ATVSTP đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực tế của nhân dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất, kiểm nghiệm, giám sát hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSTP đối với các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; kiên quyết xử lý hành vi vi phạm. Tập trung, phát hiện và xử lý tận gốc các tổ chức, cá nhân có hành vi đưa tạp chất vào tôm, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tiêm thuốc an thần vào gia súc trước khi giết mổ./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy