Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩmtrong các trường mầm non
Đang thời điểm học sinh nghỉ hè nhưng đa số các cơ sở mầm non trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh. Bữa ăn bán trú của trẻ luôn là điều được phụ huynh quan tâm, nhất là khi thời tiết đang ở giai đoạn nắng nóng. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), chất lượng bữa ăn đủ dinh dưỡng được các cơ sở mầm non chú trọng thực hiện.
Chúng tôi có mặt tại Trường Mầm non Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) đúng bữa ăn trưa của trẻ, các công đoạn từ khâu chế biến đến chia khẩu phần ăn đều được nhân viên cấp dưỡng và giáo viên thực hiện đảm bảo theo quy trình. Dịp hè năm nay, nhà trường đón 500 trẻ, đủ các độ tuổi từ nhà trẻ đến mẫu giáo 5 tuổi. Để đảm bảo nguồn gốc thực phẩm an toàn, nhà trường đã lựa chọn những cơ sở cung cấp thực phẩm uy tín để ký hợp đồng. Thực đơn được lên lịch theo tuần và theo mùa, có sự thay đổi thường xuyên để trẻ luôn hứng thú với bữa ăn. Bếp ăn được thực hiện theo quy trình một chiều; dụng cụ chế biến, đồ dùng đựng thức ăn đều được sử dụng bằng inox, có máy sấy bát. Trong dịp hè, nhà trường đã đặt thêm 4 tủ lạnh trưng bày thực đơn bữa ăn hàng ngày của trẻ ở cả 4 điểm trường. Ngoài ra, nhân viên cấp dưỡng của nhà trường được tập huấn kiến thức về nấu ăn, giữ gìn vệ sinh trong quá trình chế biến và được khám sức khỏe định kỳ tại Trung tâm Y tế huyện. Cùng với chăm sóc, giáo dục học sinh, nhà trường còn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn học sinh thực hiện ăn chín, uống sôi; rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, không ăn uống các loại thức ăn, nước giải khát… được bán rong, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác, không được che đậy, bảo quản cẩn thận. Nhiều năm qua, nhà trường không để xảy ra mất ATVSTP, vì thế phụ huynh hoàn toàn yên tâm và tin tưởng khi cho con theo học tại đây.
Lớp mầm non tư thục Saint Mery có 2 cơ sở trên địa bàn thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường). Với đặc thù học sinh mầm non ăn bán trú tại trường nên ở 2 cơ sở đều có bếp ăn phục vụ các cháu hàng ngày. Cô Đỗ Thị Quyên, chủ cơ sở mầm non tư thục Saint Mery cho biết, để đảm bảo ATVSTP, nhà trường đã tập huấn cho toàn bộ giáo viên, quản lý, đặc biệt là 5 nhân viên nấu ăn tại cơ sở, có chứng chỉ nấu ăn đảm bảo ATVSTP, đảm bảo chế độ dinh dưỡng theo quy định. Cơ sở có đủ đồ dùng sơ chế, chế biến và chia đồ ăn cho các cháu. Đồ dùng được phân loại riêng cho thực phẩm sống, chín và cho từng cháu. Bếp ăn được sắp xếp theo quy định một chiều. Trong bếp có đầy đủ dụng cụ nấu bằng inox, có tủ lạnh, hộp lưu mẫu thức ăn, tủ sấy đồ dùng ăn uống của trẻ. Cơ sở cũng lựa chọn và ký hợp đồng mua bán thực phẩm với đơn vị cung cấp có hồ sơ năng lực rõ ràng, đủ điều kiện cung cấp thực phẩm. Với mục tiêu xây dựng thực đơn cân đối, khoa học nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì, nâng cao tầm vóc, thể lực cho trẻ em, cơ sở đã tạo thói quen ăn uống lành mạnh từ nhỏ để phòng, chống bệnh tật cho trẻ như tích cực bổ sung thêm món rau và món tráng miệng hoa quả; tăng cường thêm sữa và chế phẩm từ sữa để giúp trẻ cải thiện khẩu phần canxi. Bữa ăn phong phú với đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng cần thiết và dễ hấp thụ.
Để đảm bảo ATVSTP nhất là trong thời điểm nắng nóng như hiện nay, các cơ sở mầm non trong tỉnh luôn kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm, tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi. Nhiều trường đã thường xuyên nâng cấp sửa chữa cơ sở vật chất bếp ăn đảm bảo sạch sẽ, khang trang. Các trang thiết bị, đồ dùng nhà bếp hiện đại như: Tủ cơm ga, tủ sấy bát… cũng đã được nhiều trường mua sắm bổ sung. Các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn đều phải đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện cung cấp thực phẩm. Đồng chí Hoàng Vũ Lợi, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: “Qua kiểm tra một số bếp ăn trong trường mầm non thời gian qua cho thấy, phần lớn các cơ sở giáo dục có bếp ăn đều đảm bảo công tác ATVSTP. Các nhà trường có cơ sở vật chất đảm bảo tiêu chuẩn, trang thiết bị phục vụ việc nấu ăn được đầu tư, bữa ăn đảm bảo đủ chất, đủ lượng, phù hợp với lứa tuổi. Với các trường tự nấu ăn đều ký hợp đồng với các công ty hoặc các cơ sở cung cấp thực phẩm tại địa phương có hồ sơ năng lực rõ ràng, đủ điều kiện cung cấp thực phẩm. Các trường ký hợp đồng mua suất ăn sẵn của các công ty cung cấp, chế biến thực phẩm có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP. Hầu hết các trường đều có cơ sở vật chất đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh. Tuy nhiên, thời gian tới, các trường cần có phương án cải tạo, sửa chữa, xây mới, mở rộng khu vực bếp ăn nhằm đảm bảo các điều kiện chăm sóc sức khỏe học sinh. Bên cạnh đó, hiện nhiều trường có ký kết hợp đồng ngắn hoặc trung hạn với người lao động chế biến thức ăn cho học sinh. Điều này đôi khi không đảm bảo tính bền vững cũng như trách nhiệm của người lao động với công việc mình đảm nhận”. Từ thực tế đó, Chi cục ATVSTP tỉnh tham mưu, kiến nghị UBND các cấp quan tâm, đầu tư nâng cấp, cải tạo các bếp ăn bán trú cho các trường học trên địa bàn. Ngành Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường tăng cường kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, không khoán trắng việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho các nhà cung cấp thực phẩm, đồng thời xây dưng kịch bản phối hợp xử lý và tổ chức diễn tập thường xuyên để ứng phó với tình huống xảy ra ngộ độc thực phẩm. Chi cục ATVSTP khuyến cáo các trường học có bếp ăn bán trú thực hiện tốt việc kiểm tra, ghi chép và lưu giữ tài liệu tại cơ sở ghi chép nhằm kiểm soát an toàn thực phẩm trong suốt quá trình từ khi nhập nguyên liệu, thực phẩm, sơ chế, chế biến, phân chia, bảo quản và vận chuyển thức ăn cho đến khi ăn uống.
Từ việc đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ, giúp trẻ được phát triển toàn diện về thể chất, ngôn ngữ, nhận thức, thẩm mỹ, tình cảm xã hội. 100% trường học tổ chức nuôi ăn bán trú nền nếp (trong đó có 96,35% trẻ nhà trẻ; 98,53% trẻ mẫu giáo được nuôi ăn bán trú) không để xảy ra tình trạng mất ATVSTP.