Đảm bảo chất lượng, cơ sở pháp lý vững chắc trong báo cáo kiểm toán

Báo cáo kiểm toán (BCKT) là văn bản có giá trị pháp lý, có tác động trực tiếp đến các cơ quan Nhà nước, đơn vị được kiểm toán. Với ý nghĩa đó, việc lập BCKT được lãnh đạo KTNN đặc biệt quan tâm và thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành phải chú trọng nâng cao chất lượng lập báo cáo, đặc biệt là phải đảm bảo tính pháp lý, bằng chứng đối với các nội dung ghi nhận trong BCKT.

Đảm bảo chất lượng, cơ sở pháp lý trong báo cáo kiểm toán. Ảnh tư liệu

Đảm bảo chất lượng, cơ sở pháp lý trong báo cáo kiểm toán. Ảnh tư liệu

Quy trình lập BCKT chặt chẽ, khoa học

Dẫn kinh nghiệm từ cuộc kiểm toán việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2019 của Tổng công ty Dầu Việt Nam - Đoàn kiểm toán được xếp loại chất lượng vàng năm 2020, KTNN chuyên ngành VI cho biết, trong suốt quá trình kiểm toán, đơn vị đặc biệt chú trọng đến khâu lập BCKT. Trưởng đoàn kiểm toán đã phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng thành viên Tổ tổng hợp và Đoàn kiểm toán để phục vụ việc lập, hoàn thiện BCKT đảm bảo chất lượng cao nhất. Việc lập BCKT được chú ý thực hiện đồng thời ngay trong quá trình kiểm toán. Trước khi phát hành, dự thảo BCKT được gửi đến đơn vị được kiểm toán lấy ý kiến trước khi hoàn thiện, phát hành theo quy định. “Nhờ đó, BCKT được phát hành sớm so với quy định và đảm bảo chất lượng, đạt được sự đồng thuận cao của đơn vị” - lãnh đạo KTNN chuyên ngành VI cho biết.

Để nâng cao chất lượng BCKT, đặc biệt là đảm bảo cơ sở pháp lý cho các kết quả, phát hiện kiểm toán được củng cố vững chắc, KTNN cần tập trung nâng cao kiến thức và trình độ pháp luật cho đội ngũ kiểm toán viên để áp dụng đúng, đảm bảo tính khả thi. Mỗi kiểm toán viên cũng cần có ý thức, trách nhiệm trong việc cập nhật các văn bản, quy định mới để vận dụng vào hoạt động kiểm toán.

Vụ Pháp chế, KTNN

Chú trọng lập BCKT, cũng như đảm bảo yêu cầu về chất lượng BCKT là tinh thần chung được KTNN tập trung thực hiện trong thời gian qua. Xác định rõ vai trò quan trọng của BCKT, lãnh đạo KTNN thường xuyên chỉ đạo các đơn vị kiểm toán chú trọng đến công tác này để bố trí nguồn lực có chất lượng tham gia lập BCKT; các đơn vị tham mưu, các đơn vị được kiểm toán tham gia góp ý, hoàn thiện BCKT trước khi trình lãnh đạo KTNN quyết định theo thẩm quyền. Từ góc nhìn chuyên gia trong lĩnh vực kiểm toán, nhiều ý kiến đánh giá cao quy trình lập, phát hành BCKT của KTNN. “Quy trình xây dựng, phát hành BCKT của KTNN rất chặt chẽ, vấn đề còn lại nằm ở khâu thực thi của từng bộ phận, cá nhân, cũng như trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán trong thực hiện kiến nghị kiểm toán” - PGS,TS. Đặng Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho biết.

Thông tin cụ thể về vấn đề này, đại diện Vụ Tổng hợp cho biết, sau khi trải qua các bước xây dựng, lấy ý kiến, hoàn thiện BCKT theo quy định, dự thảo BCKT phải được gửi về Vụ Tổng hợp rà soát, kiểm tra để đảm bảo về nội dung, thủ tục, trình tự lập BCKT trước khi trình Tổng Kiểm toán nhà nước duyệt. “Thực tiễn cho thấy, cơ bản dự thảo BCKT gửi về đã đầy đủ, bám sát hệ thống mẫu biểu, cũng như đầy đủ căn cứ pháp lý” - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn cho biết, đồng thời đánh giá việc xây dựng BCKT ngày càng chặt chẽ hơn so với trước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức lập BCKT cũng gặp một số thách thức nhất định. Đơn cử, còn tình trạng đoàn kiểm toán viện dẫn, áp dụng các văn bản để đưa ra các kiến nghị kiểm toán còn khác nhau dẫn đến cùng nội dung nhưng lại đưa ra kiến nghị khác nhau. Theo đại diện Vụ Pháp chế, nguyên nhân là do hệ thống cơ sở dữ liệu pháp luật chưa thực sự đồng bộ và thay đổi nhanh trong khi các đơn vị kiểm toán chưa cập nhật, theo dõi kịp thời. Hay đối với vấn đề tổ chức kiểm soát chất lượng kiểm toán, vẫn còn tình trạng chưa đảm bảo chất lượng, nhất là kiểm soát bằng chứng kiểm toán của các đơn vị kết thúc cuối đợt kiểm toán, kiểm soát giai đoạn hoàn thiện BCKT để gửi đơn vị được kiểm toán lấy ý kiến và trình lãnh đạo KTNN duyệt, do các thành viên của tổ kiểm soát phải tham gia các cuộc kiểm toán khác...

Nâng cao hiệu quả công tác lập báo cáo kiểm toán

Qua thực tiễn kiểm toán cho thấy, ngoài việc chú trọng vào công tác kiểm toán, tăng cường các phát hiện kiểm toán và đảm bảo bằng chứng, cơ sở pháp lý khi đưa ra đánh giá kiểm toán, các đơn vị kiểm toán cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng BCKT. Xác định yếu tố con người đóng vai trò quyết định, KTNN chuyên ngành VI cho biết, để đảm bảo chất lượng lập BCKT, các thành viên được chọn tham gia Tổ tổng hợp là những kiểm toán viên có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn tốt nhằm đảm bảo BCKT được tổng hợp, biên tập một cách khoa học, ngắn gọn, dẫn chứng đầy đủ cơ sở pháp lý theo đúng tinh thần của Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán.

Các ý kiến cũng cho rằng, để đảm bảo vận dụng đúng, thống nhất cơ sở pháp lý khi đưa ra đánh giá kiểm toán, các kiểm toán viên cần lưu trữ hệ thống cơ sở dữ liệu pháp luật một cách khoa học và được cá nhân hóa nhằm phục vụ việc tra cứu dễ dàng. Theo đó, ngoài chương trình tập huấn chung của Ngành, trước và trong quá trình tham gia kiểm toán, các kiểm toán viên cần thường xuyên cập nhật các văn bản mới, tự nghiên cứu, trau dồi, tích lũy kiến thức về pháp luật cho bản thân. “Khi thực hiện kiểm toán, các kiểm toán viên phải lựa chọn và xem xét sự phù hợp của các quy phạm pháp luật được áp dụng làm căn cứ pháp lý, đưa ra các kết luận, kiến nghị kiểm toán rõ ràng, chặt chẽ trên cơ sở trích dẫn quy định liên quan và thuyết minh đầy đủ bằng chứng kiểm toán” - lãnh đạo KTNN khu vực VI cho biết.

Bên cạnh đó, KTNN khu vực V cho rằng, trong quy trình kiểm toán nói chung, xây dựng BCKT nói riêng rất cần có sự phối hợp của các đơn vị được kiểm toán. Theo đó, nếu làm tốt công tác này, ý kiến phản hồi của đơn vị về kết quả kiểm toán được nắm bắt từ giai đoạn thực hiện kiểm toán và đơn vị kiểm toán kịp thời nghiên cứu, xin ý kiến chỉ đạo sớm sẽ rút ngắn thời gian lấy ý kiến và có sự đồng thuận cao của đơn vị được kiểm toán, từ đó không chỉ giúp cho BCKT đảm bảo chất lượng, mà còn tạo thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện kiến nghị kiểm toán sau này.

Để góp phần đảm bảo BCKT chất lượng, có giá trị, ngoài yêu cầu về công tác kiểm toán, công tác giám sát, kiểm tra việc lập BCKT cũng được các đơn vị lưu ý. Từ góc độ cơ quan kiểm soát chất lượng kiểm toán, đại diện Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán cho rằng, khi kiểm soát đối với việc lập BCKT cần đặc biệt chú trọng kiểm soát bằng chứng kiểm toán, nhất là đối với các kiến nghị xử lý tài chính lớn, phức tạp và những kiến nghị chưa được đơn vị thống nhất. Cùng với đó, cần tăng cường rà soát các căn cứ pháp lý được viện dẫn làm cơ sở đưa ra các đánh giá, kiến nghị kiểm toán, đảm bảo hạn chế tối đa rủi ro cho hoạt động kiểm toán./.

N.LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/dam-bao-chat-luong-co-so-phap-ly-vung-chac-trong-bao-cao-kiem-toan-34172.html