Chuyên gia cùng trao đổi về mô hình quản trị đại học hướng tới đào tạo đa ngành

Cần xác định mối quan hệ giữa các cấu phần tự chủ đại học và thực trạng triển khai quản trị đại học tại các trường hiện nay để rút kinh nghiệm trong thực tiễn.

Ngày 13/9, Câu lạc bộ Khối đào tạo và Nghiên cứu khoa học Ngân hàng thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Học viện Ngân hàng tổ chức hội thảo “Mô hình quản trị đại học hướng tới đào tạo đa ngành" nhằm mục đích đóng góp ý kiến thiết thực trong việc tăng cường hiệu quả quản trị đại học cho các trường đại học tại Việt Nam nói chung, Học viện Ngân hàng nói riêng ở bối cảnh tự chủ tài chính và tiến tới tự chủ đại học.

Tham dự hội thảo về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có: Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội; Ông Phạm Ngọc Lan, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban công tác hội viên Hiệp hội.

 Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: BTC

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: BTC

Bên cạnh đó là sự góp mặt của Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Xuân Quế - Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối Đào tạo và Nghiên cứu khoa học Ngân hàng, Viện trưởng Viện Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân; Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Vân Hoa - Ủy viên hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện chính sách và phát triển; Phó giáo sư, Tiến sĩ Đào Thị Thu Giang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đại Nam...

Về phía Học viện Ngân hàng có sự hiện diện của Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc phụ trách Ban Giám đốc Học viện, các cán bộ giảng viên nhà trường và sự góp mặt của các đại biểu là thành viên Câu lạc bộ Khối đào tạo và Nghiên cứu khoa học Ngân hàng, đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu và đơn vị báo chí, truyền thông.

 Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Đào Hiền

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Đào Hiền

Nội dung hội thảo bao gồm 2 tham luận chính và phiên thảo luận của các đại biểu tham dự để làm rõ nội hàm quản trị đại học trong mối quan hệ với tự chủ đại học.

Qua các nội dung tham luận sẽ phân tích mối quan hệ giữa các cấu phần tự chủ đại học như tự chủ về tổ chức, nhân sự, tự chủ về học thuật và tự chủ tài chính cũng như phân tích thực trạng triển khai quản trị đại học tại các trường đại học tại Việt Nam, từ đó rút ra đánh giá và kinh nghiệm trong thực tiễn.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc phụ trách Ban Giám đốc Học viện Ngân hàng chia sẻ: “Giáo dục đại học đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia. Quản trị đại học, với tư cách là một hoạt động trụ cột, quyết định đến sự thành bại của hệ thống giáo dục.

Quản trị không chỉ là việc xây dựng các quy tắc và hệ thống quản lý, mà còn là sự phân bổ hiệu quả nguồn lực, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Sự hiệu quả trong quản trị giúp đảm bảo các trường đại học không chỉ đứng vững mà còn phát triển, thích nghi nhanh chóng với những thách thức toàn cầu. Đây cũng chính là yếu tố quyết định mức độ tin cậy và uy tín của các trường đại học trên trường quốc tế.

Tự chủ đại học, bao gồm tự chủ tài chính, đã mở ra cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học nâng cao tính linh hoạt và hiệu quả hoạt động. Điều này không chỉ giúp tăng tính cạnh tranh giữa các trường mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc đa dạng hóa các hoạt động giáo dục.

Xu hướng toàn cầu về tự chủ đại học đang chuyển từ mô hình kiểm soát của nhà nước sang mô hình giám sát, trong đó các trường được trao quyền tự chủ lớn hơn.

Tại Việt Nam, các trường đại học công lập đang từng bước chuyển đổi theo xu thế này, với sự hỗ trợ của Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 đã tạo điều kiện để các trường mở rộng quyền tự chủ trong nhiều lĩnh vực quan trọng như học thuật, tài chính và tổ chức bộ máy.

Sự chuyển đổi này không chỉ mang tính chất cải cách mà còn là xu thế tất yếu, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng giáo dục và năng lực cạnh tranh của hệ thống giáo dục đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế".

Xuất phát từ những nhận định thực tiễn đó, Phó giám đốc Học viện Ngân hàng kỳ vọng với những nội dung trao đổi tại hội thảo sẽ có thể cung cấp những gợi ý chính sách quan trọng trong việc thúc đẩy hiệu quả vận hành mô hình quản trị tại các trường đại học của Việt Nam hiện nay.

Từ đó góp phần thúc đẩy chất lượng giáo dục đại học nói chung, đáp ứng nhu cầu xã hội trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.

 Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc phụ trách Ban Giám đốc Học viện Ngân hàng phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Đào Hiền

Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc phụ trách Ban Giám đốc Học viện Ngân hàng phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Đào Hiền

Trình bày tham luận Kinh nghiệm và các vấn đề đặt ra với mô hình quản trị đại học hướng tới đào tạo đa ngành, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng đã làm rõ định nghĩa về mô hình đào tạo đa ngành, qua đó phân tích những mặt tích cực và hiệu quả mà mô hình đào tạo này mang lại với hệ thống giáo dục quốc dân.

Theo thầy Hùng, việc đào tạo đa ngành sẽ mang lại những tác động tích cực trong việc nâng cao uy tín, chất lượng đào tạo cũng như hoạt động nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học.

Vì vậy, để thích nghi với xu hướng chuyển đổi từ mô hình đào tạo đơn ngành sang đa ngành thì quản trị đại học cần có những thay đổi tương ứng, kỹ càng.

“Trong thời gian qua, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng đã thực hiện một số nghiên cứu liên quan đến xếp hạng quốc tế cũng như mô hình quản trị đại học hướng tới tự chủ đại học.

Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu cũng đã tổng hợp kết quả nghiên cứu để đưa ra những lát cắt phản ánh các nội dung liên quan đến nội dung mô hình quản trị đại học hướng tới đại học đa ngành. Qua đó cập nhật kinh nghiệm các trường đã thực hiện thành công mô hình này tại Việt Nam để các đơn vị đào tạo khác có thể áp dụng và hướng tới trong tương lai.

Trước đây, việc ra quyết định tại các trường đại học phải dựa trên quan điểm của cơ quan quản lý nhưng ngày nay các trường đang ngày càng tự chủ hơn trong việc ra quyết định.

Khi hệ thống giáo dục đại học nói chung chú trọng đến việc tăng tính tự chủ, trách nhiệm thì quản trị đại học sẽ là một trong những yếu tố then chốt quyết định sự phát triển của giáo dục đại học”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng chia sẻ.

Bên cạnh đó, thầy Hùng còn đặc biệt nhấn mạnh việc phân biệt quyền và trách nhiệm của từng cấu phần quản trị đại học.

Theo đó, đối với các cơ sở giáo dục đại học thì chức trách, nhiệm vụ của Hội đồng trường, Ban giám hiệu và Hội đồng khoa học đã được phân chia theo quy định nội bộ.

Vậy nên khi chuyển sang mô hình đại học đa ngành thì vấn đề này vẫn sẽ là một vấn đề lớn mà các trường cần chú ý, để tâm.

Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số, thầy Hùng cho rằng các thách thức toàn cầu sẽ là một trong nhiều yếu tố dẫn đến sự phát triển tất yếu của mô hình đại học đa ngành với sự ưu tiên trang bị kiến thức đa ngành, đa lĩnh vực.

Cụ thể, mô hình đại học đa ngành sẽ bao quát được nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống để thực hiện các nhiệm vụ lớn trong đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học, dễ dàng đáp ứng sự biến động về nhu cầu nghề nghiệp trong nền kinh tế thị trường - điều mà một trường đại học đơn ngành không làm được.

 Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng. Ảnh: Đào Hiền

Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng. Ảnh: Đào Hiền

Chia sẻ tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Vân Hoa - Ủy viên hội đồng lý luận Trung ương, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay, trong bối cảnh hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học cần xác định và phân biệt rõ mục tiêu phấn đấu là trở thành đại học hay phát triển đa ngành.

Theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có nêu điều kiện để chuyển trường đại học thành đại học là phải “có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ”.

Ghi nhận từ thực tế tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới thì 100% đại học đều đào tạo đa ngành, nhưng cũng có những trường đại học đa ngành mà lại không được coi là đại học.

Vậy nên, việc xác định mục tiêu phát triển của từng cơ sở giáo dục đại học là điều vô cùng quan trọng và không thể nhầm lẫn. Đào tạo đa ngành để phát triển quy mô cơ sở đào tạo hay tiến tới đại học vẫn là một bài toán khó giải hiện nay của nhiều trường.

 Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Vân Hoa - Ủy viên hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Vân Hoa - Ủy viên hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Bên cạnh đó, cô Hoa còn chỉ ra những vướng mắc trong khâu quản trị tại các cơ sở giáo dục đại học. Cụ thể là việc phân công công việc giữa Hội đồng trường và Ban giám hiệu.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Vân Hoa, chúng ta đã có văn bản pháp luật quy định chức trách, nhiệm vụ của từng bộ phận trong cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, tính rõ ràng, tường minh của các văn bản này vẫn chưa thật sự hiệu quả.

“Tại điều 16 của Luật 34 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có định nghĩa: Hội đồng trường của trường đại học công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan với 3 nhóm chức trách chủ yếu là ban hành các quy chế và chiến lược phát triển; quyết định các vấn đề quan trọng theo thẩm quyền và giám sát việc thực hiện.

Tuy nhiên, tại Điều 20 chỉ quy định Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật , quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học chứ không định nghĩa là Ban giám hiệu.

Đây chính là sự khác biệt mà lãnh đạo tại các trường đại học nếu muốn làm tốt công việc quản trị thì phải phân biệt và nhận biết được sự khác biệt này

Mặt khác, cần phải xác định được lợi ích từ mô hình đào tạo đa ngành mang lại trong xu hướng và bối cảnh thị trường hiện nay để có thể đáp ứng nhu cầu nguồn lực phù hợp với thực tiễn và nhân lực cho các hoạt động nghiên cứu khoa học.

Qua đó, chủ động nắm bắt những thách thức với mô hình đại học đa ngành để có sự chuẩn bị và lộ trình phấn đấu trong tương lai”, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Vân Hoa chia sẻ.

Kết thúc hội thảo, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Hoàng Anh đã thay mặt Ban lãnh đạo Học viện Ngân hàng và Ban Tổ chức hội thảo gửi lời cảm ơn tới đại biểu khách mời về những đóng góp, chia sẻ tại hội thảo.

Dựa trên những ý kiến tham luận, cô Hoàng Anh bày tỏ mong muốn hội thảo sẽ mang đến một bức tranh đa chiều về thực trạng và triển vọng của mô hình quản trị đại học đa ngành tại Việt Nam. Qua đó, có thể thấy rõ sự cần thiết phải học hỏi kinh nghiệm quốc tế, tận dụng tối đa công nghệ và các nguồn lực khác nhau để phát triển mô hình này.

Đồng thời, để giải quyết những vướng mắc hiện hữu nhằm đạt được một hệ thống quản trị hiệu quả, cô Hoàng Anh đề xuất các trường đại học cần tạo ra một môi trường làm việc cởi mở, khuyến khích chia sẻ và trao đổi ý tưởng, tích cực tăng cường hợp tác quốc tế... để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động cốt lõi của quản trị đại học.

 Ban Tổ chức Hội thảo "“Mô hình quản trị đại học hướng tới đào tạo đa ngành" chụp hình lưu niệm với các đại biểu tham dự. Ảnh: BTC

Ban Tổ chức Hội thảo "“Mô hình quản trị đại học hướng tới đào tạo đa ngành" chụp hình lưu niệm với các đại biểu tham dự. Ảnh: BTC

ĐÀO HIỀN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/chuyen-gia-cung-trao-doi-ve-mo-hinh-quan-tri-dai-hoc-huong-toi-dao-tao-da-nganh-post245533.gd