Đảm bảo chế độ cho người chấp hành án hình sự
Ngày 14/1, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự.
Tại phiên họp, đại diện Bộ Công an cho biết, qua 5 năm triển khai thực hiện Luật Thi hành án hình sự năm 2019, công tác thi hành án hình sự từng bước đi vào nền nếp, nghiêm minh, chặt chẽ. Các quyền và chế độ của người chấp hành án được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, góp phần phục vụ hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và thể hiện được chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước trong giáo dục, cải tạo người phạm tội.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc, bất cập về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị trong công tác thi hành án hình sự; quyền, nghĩa vụ và chế độ của người chấp hành án còn chưa thực sự đồng bộ với các quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan...
Theo đại diện Bộ Công an, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án hình sự năm 2019 là cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự; đổi mới phương thức quản lý, giám sát, giáo dục đối với người thi hành án hình sự tại cộng đồng. Đồng thời, nâng cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của tổ chức, cá nhân.
Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị bổ sung thêm hai đối tượng là mẹ kế và bố dượng vào Điều 3 về thân nhân của người chấp hành án hình sự để phù hợp với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
Đại diện Tòa án nhân dân tối cao đề nghị rà soát các quy định của dự thảo Luật với Luật Tư pháp người chưa thành niên để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Trong đó, các quy định về thi hành án phạt tù, thi hành biện pháp xử lý chuyển hướng giáo dục tại trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên được quy định trong Luật Tư pháp người chưa thành niên và bãi bỏ các quy định về thi hành án phạt tù, thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng đối với người dưới 18 tuổi trong Luật Thi hình án hình sự. Tuy nhiên trong dự thảo Luật vẫn còn một số quy định về nội dung này (khoản 61 Điều 1 dự thảo Luật). Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát không quy định những nội dung đã được quy định tại Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Bên cạnh đó, có một số thuật ngữ giữa Bộ luật Hình sự và dự thảo Luật chưa thống nhất như: Chấp hành hình phạt và thi hành án phạt tù, giảm mức hình phạt đã tuyên và giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Vì vậy, đại diện Tòa án nhân dân tối cao đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, sửa đổi để có sự thống nhất giữa 2 Luật.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Quốc phòng trong quản lý công tác thi hành án hình sự, đại diện Bộ Quốc phòng đề nghị nghiên cứu quy định giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định số lượng người chấp hành án phạt tù tại trại tạm giam phù hợp với đặc thù Quân đội. Hiện nay, số lượng phạm nhân chấp hành án tại cơ sở giam giữ của Bộ Công an là khá nhiều, trong khi đó số lượng phạm nhân chấp hành án tại cơ sở giam giữ của quân đội lại khá thấp. Do đó, nên nghiên cứu xây dựng cơ chế, quy định về việc điều chuyển phạm nhân chấp hành thi hành án giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.
Ngoài ra, các thành viên Hội đồng thẩm định cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ thông tin sinh trắc học của người chấp hành án được thu thập là những thông tin gì, có tương đồng với các thông tin được quy định tại Luật Căn cước hay không; cơ quan nào xác nhận việc chưa có thông tin về sinh trắc học…
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định và khẩn trương hoàn thiện Báo cáo thẩm định theo quy định.