Đảm bảo chi đúng mục đích tiền hỗ trợ bão lũ

'Trung ương có bao nhiêu tiền đều chi hết xuống địa phương cho nên địa phương phải đảm bảo chi đúng, tăng cường sự giám sát, không được để xảy ra sai sót' - Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định khi về thăm và chia sẻ với người dân thôn Tân Đức, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Sáng 7/12, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã dẫn đầu đoàn công tác về thăm và chia sẻ với người dân thôn Tân Đức, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị - một trong những nơi từng được coi là “rốn lụt” khi bão chồng bão, lũ chồng lũ.

Cùng đi với đoàn có ông Lê Quang Tùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị.

Thôn Tân Đức nằm bên bờ sông Thạch Hãn, con sông vốn hiền hòa nhưng lại dữ dằn khi lũ về. Vì vậy, trong lũ, nếu Triệu Thành là nơi ngập nặng nhất huyện Triệu Phong thì thôn Tân Đức là nơi ngập sâu nhất xã.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thăm hỏi và chia sẻ những khó khăn, mất mát với người dân xã Triệu Thành.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thăm hỏi và chia sẻ những khó khăn, mất mát với người dân xã Triệu Thành.

Người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại những đêm dầm mình chạy lũ. Triệu Thành không những chìm sâu trong nước xiết mà đường đi vào xã này cũng bị chia cắt khi các địa phương xung quanh chìm ngập trong nước lũ. Đường vào thôn Tân Đức lại càng bị cô lập hơn vì một nhánh sông Thạch Hãn.

Do là vùng trũng nên nhiều hộ dân ở đây đã sống trong cảnh ngập lụt trong nhiều tuần. Nhà bà Trần Thị Thanh nằm ngay sát bờ sông Thạch Hãn, lúc chạy lũ, cũng chỉ nghĩ một hai ngày sẽ về, nhưng bà Thanh cũng như nhiều người có nhà cửa không kiên cố đều không ngờ tới những đợt lũ sau chồng lên lũ trước.

Đón đoàn công tác vào thăm, bà Thanh chỉ tay vào ngôi nhà trống hoác, bị hư hỏng nặng, rồi nói “trôi hết rồi còn mô”. Hiện gia đình bà Thanh vẫn phải sống nhờ bên ngoại, chưa thể về nhà.

Cho đến giờ, tàn dư của lũ để lại cho người dân thôn Tân Đức không chỉ la liệt những đụn bùn cao gần 2m từ trong sân nhà cho đến ngoài ngõ mà còn nhiều thiệt hại khó có thể đong đếm.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đi kiểm tra, nắm tình hình thiệt hại do bão lũ gây ra tại xã Triệu Thành.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đi kiểm tra, nắm tình hình thiệt hại do bão lũ gây ra tại xã Triệu Thành.

Tuy nhiên, nhờ có kinh nghiệm trong công tác ứng phó với bão lũ, UBND xã Triệu Thành đã tuyên truyền vận động nhân dân Tân Đức nói riêng và xã Triệu Thành nói chung, nâng cao ý thức chủ động phòng chống với phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện trang thiết bị tại chỗ, hậu cần tại chỗ - PV), trong đó chú trọng công tác phòng là chính.

“Khi bão đổ bộ, người dân đã ý thức chỉ ở những nơi an toàn, không đi vào vùng nguy hiểm cho nên Triệu Thành không có thiệt hại nào về người. Đó là điều đáng mừng nhất”, ông Nguyễn Thế Phương, Chủ tịch UBND xã Triệu Thành chia sẻ.

Nhưng đó chỉ là câu chuyện của riêng Triệu Thành. Vì chỉ trong 2 tháng, liên tiếp 7 cơn bão mạnh và 6 trận lũ lụt bủa vây, thiệt hại từ những trận bão, lũ gây ra cho Quảng Trị là rất lớn, khối lượng công việc cần khắc phục quá nhiều.

Các đợt mưa lũ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã làm 53 người chết, 1 người mất tích, 37 người bị thương. Ước tính tổng giá trị thiệt hại khoảng 4.250 tỷ đồng

Những người dân quê xứ Quảng vốn lam lũ lại phải gồng mình, nỗ lực gấp đôi để tái thiết lại cuộc sống và các hoạt động sản xuất.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thăm và trao tiền hỗ trợ các hộ dân có nhà cửa bị hư hỏng trong đợt mưa lũ vừa qua tại thôn Tân Đức, xã Triệu Thành.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thăm và trao tiền hỗ trợ các hộ dân có nhà cửa bị hư hỏng trong đợt mưa lũ vừa qua tại thôn Tân Đức, xã Triệu Thành.

Chia sẻ với những khó khăn của người dân xã Triệu Thành nói riêng và nhân dân Quảng Trị nói chung, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, gần 2 tháng qua, người dân các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên phải trải qua giai đoạn khó khăn chồng chất khi phải hứng chịu những cơn bão liên tiếp.

Bão chồng bão, mưa lũ chồng mưa lũ đã gây ra những thiệt hại lớn về người, tài sản của Nhà nước, nhân dân.

"Nhưng trong gian khó ấy, chúng ta lại càng cảm nhận sâu sắc tình dân tộc, nghĩa đồng bào hướng về miền Trung, khúc ruột của Tổ quốc.

Tình dân tộc, nghĩa đồng bào được chắt chiu trong những cân gạo, thùng mì, và quần áo ấm vẫn đang được nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân tìm cách chuyển đến miền Trung thông qua hệ thống Mặt trận từ Trung ương tới địa phương".

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, tính đến ngày 30/11/2020, tổng số tiền tiếp nhận thông qua hệ thống Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, nguồn ủng hộ từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ và đăng ký ủng hộ bằng tiền và hiện vật quy ra tiền được hơn 350 tỷ đồng.

Trong đó cấp Trung ương là hơn 76,5 tỷ đồng và đã kịp thời phân bổ hai lần với tổng số tiền 67 tỷ đồng; các tỉnh, thành phố vận động, tiếp nhận được hơn 273 tỷ đồng.

Như vậy, đến nay, hệ thống Mặt trận từ Trung ương tới địa phương đã phân bổ trên 325 tỷ đồng đến bà con các tỉnh vùng lũ.

Cùng với công tác vận động, tiếp nhận, MTTQ ở các địa phương chủ trì phối hợp cơ quan liên quan giám sát các khâu tiếp nhận, phân bổ đến tận tay người dân, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch với cả người hỗ trợ lẫn người được nhận hỗ trợ.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao số tiền 5 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân tỉnh Quảng Trị khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao số tiền 5 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân tỉnh Quảng Trị khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra.

“Tất cả những hoạt động này đã góp phần tập trung có hiệu quả các nguồn lực ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lũ đồng thời, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái của dân tộc trong việc chung sức giúp nhân dân vùng bị thiên tai, bão lũ tái thiết lại cuộc sống”, người đứng đầu MTTQ Việt Nam khẳng định.

Nhìn về phía trước, khi công cuộc tái thiết sau bão lũ còn nhiều ngổn ngang, khó khăn, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, vào những lúc này, khi bão, lũ đi qua, càng cần nhiều hơn nữa nguồn lực ủng hộ để giúp bà con vượt qua khó khăn về nhà ở, khôi phục sản xuất.

Cho đến thời điểm này, hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương vẫn tiếp tục tiếp nhận nhiều tấm lòng nhân ái từ các cơ quan, tổ chức cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ở trong và ngoài nước cùng bạn bè quốc tế...

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, từ số tiền và hiện vật tiếp nhận ủng hộ được, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với chính quyền, Ủy ban MTTQ các tỉnh để hỗ trợ nhân dân theo đúng quy định của Nghị định 64/2008/NĐ-CP.

Trong đó tập trung ổn định đời sống của người dân, khôi phục sản xuất và sửa chữa nhà cửa cho dân, chứ không dùng tiền đó để chi sang những việc khác.

“Trung ương có bao nhiêu tiền đều chi hết xuống địa phương cho nên địa phương phải đảm bảo chi đúng, tăng cường sự giám sát, không được để xảy ra sai sót” - Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định.

Để công tác hỗ trợ đảm bảo đúng, trúng thời điểm, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tại địa phương cần tiếp tục đi đến từng hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề sau bão để lắng nghe dân, tìm hiểu đời sống của bà con để khảo sát, thống kê, nhất là những hộ gia đình chưa có kinh phí sửa chữa nhà cửa, đảm bảo giúp dân xây, sửa nhà trước Tết Nguyên đán.

Đồng thời cần quan tâm tới vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; đảm bảo mọi điều kiện Tết đến mọi người, đến với mọi nhà.

Nhân dịp này, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đã trao hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết cho 5 hộ gia đình có nhà bị hư hỏng nặng; trao 100 suất quà cho bà con bị thiệt hại do bão lũ trên địa bàn xã Triệu Thành từ nguồn cứu trợ Trung ương.

Dịp này, UBTƯ MTTQ Việt Nam trao 100 suất quà cho bà con bị thiệt hại do bão lũ trên địa bàn xã Triệu Thành từ Nguồn cứu trợ Trung ương.

Dịp này, UBTƯ MTTQ Việt Nam trao 100 suất quà cho bà con bị thiệt hại do bão lũ trên địa bàn xã Triệu Thành từ Nguồn cứu trợ Trung ương.

Cùng ngày, Đoàn công tác đã đến thăm và dâng hương tại Khu di tích lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn; đến thăm và chia sẻ với 2 gia đình có liệt sĩ là người Quảng Trị đã hy sinh trong khi tham gia cứu nạn tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 và Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thăm hỏi gia đình liệt sĩ.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thăm hỏi gia đình liệt sĩ.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn dâng hương tại Nhà tưởng niệm Cố TBT Lê Duẩn.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn dâng hương tại Nhà tưởng niệm Cố TBT Lê Duẩn.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đến thăm và dâng hương 2 liệt sĩ Bùi Phi Công và Phạm Ngọc Quyết hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trong đợt bão lũ tháng 10 vừa qua.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đến thăm và dâng hương 2 liệt sĩ Bùi Phi Công và Phạm Ngọc Quyết hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trong đợt bão lũ tháng 10 vừa qua.

Ông Lê Quang Tùng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện nay công tác cứu trợ cơ bản đã xong và đến giai đoạn phục hồi sản xuất. Nhưng với con số thiệt hại ước tính hơn 4.250 tỷ đồng thì sau 10 năm cố gắng nỗ lực, bão lũ đã khiến cho Quảng Trị phải quay trở lại vạch xuất phát.

Theo ông Lê Quang Tùng, trong thời gian qua, Quảng Trị đã nhận được rất nhiều nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương cho đến các tổ chức, cá nhân, trong đó có UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Thay mặt nhân dân Quảng Trị, Bí thư Lê Quang Tùng đã gửi lời cảm ơn UBTƯ MTTQ Việt Nam và cá nhân Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đã dành nhiều tình cảm, sự quan tâm, chăm lo cho người dân bị thiệt hại do bão lũ.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng cũng cho rằng, để tái thiết lại, Quảng Trị đang rất cần sự hỗ trợ từ các nguồn lực. “Trước mắt, chúng tôi sẽ cố gắng đưa đời sống của bà con quay trở về nhịp sống đời thường, nhất là đảm bảo một Tết Nguyên đán ấm no, yên lành”, ông Lê Quang Tùng khẳng định.

Dạ Yến - Nguyễn Quốc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dam-bao-chi-dung-muc-dich-tien-ho-tro-bao-lu-546073.html