Đảm bảo cơ sở pháp lý đồng bộ khi áp dụng các quy định về thi đua, khen thưởng

Bộ Nội vụ đang dự thảo Thông tư quy định biện pháp thi hành Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.

Bộ Nội vụ cho biết, Luật Thi đua, khen thưởng được Quốc hội khóa XV (kỳ họp thứ 3) thông qua ngày 15/6/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024. Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, qua đó tạo thuận lợi cho các Bộ, ban, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về thi đua, khen thưởng ngay khi Luật và Nghị định có hiệu lực thi hành.

Mặc dù đã cụ thể trong Luật và Nghị định quy định chi tiết thi hành nhưng vẫn có một số nội dung chưa cụ thể nhưng không quy định được trong Nghị định như: khen thưởng cho đối tượng không thuộc diện quản lý toàn diện; tuyến trình khen đối với cá nhân, tổ chức, các chức sắc, tôn giáo, tổ chức đảng, đoàn thể, cơ quan dân cử, các tổ chức hội…, cần được quy định cụ thể để tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.

Vì vậy, việc ban hành Thông tư là cần thiết để đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất, đồng bộ khi áp dụng các quy định về thi đua, khen thưởng; tăng cường biện pháp quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ.

Đề xuất quy định chung về khen thưởng

Dự thảo nêu rõ, khi khen thưởng cho tập thể, cá nhân không thuộc đối tượng quản lý về tổ chức, cán bộ, quỹ lương thì Bộ, ban, ngành, tỉnh chỉ khen thưởng các hình thức thuộc thẩm quyền, không đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước.

Đối với cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích xuất sắc đột xuất, người đứng đầu Bộ, ban, ngành, tỉnh khen thưởng theo thẩm quyền, trường hợp thành tích tiêu biểu xuất sắc, có phạm vi ảnh hưởng trong Bộ, ban, ngành, tỉnh, lĩnh vực thuộc Bộ, ban, ngành, tỉnh hoặc phạm vi toàn quốc thì đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước theo tiêu chuẩn quy định.

Người đứng đầu Bộ, ban, ngành, tỉnh khi sơ kết, tổng kết phong trào thi đua trong phạm vi Bộ, ban, ngành, tỉnh thực hiện việc khen thưởng theo thẩm quyền. Bộ, ban, ngành không đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước cho đối tượng không do Bộ, ban, ngành quản lý chuyên môn theo ngành dọc.

Đối với phong trào thi đua do Bộ, ban, ngành, tỉnh tổ chức có thời gian từ 03 năm, 05 năm trở lên, khi sơ kết, tổng kết, ngoài việc khen thưởng theo thẩm quyền, Bộ, ban, ngành, tỉnh lựa chọn tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu đề nghị tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (đối với phong trào thi đua có thời gian từ 03 năm trở lên); lựa chọn tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét, trình Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (đối với phong trào thi đua có thời gian từ 05 năm trở lên). Trước khi đề nghị khen thưởng, Bộ, ban, ngành, tỉnh thống nhất với Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) để hướng dẫn theo quy định.

Không đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước khi Bộ, ban, ngành, tỉnh tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện luật, pháp lệnh, nghị định hoặc phục vụ hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế, khu vực...

Hình thức tổ chức thi đua

Theo dự thảo, thi đua thường xuyên là hình thức thi đua căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao của cá nhân, tập thể để tổ chức phát động, nhằm thực hiện tốt công việc hàng ngày, hàng tháng, hàng quý, hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đối tượng thi đua thường xuyên là các cá nhân trong một tập thể, các tập thể trong cùng một cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ, tính chất công việc tương đồng nhau.

Việc tổ chức phong trào thi đua thường xuyên phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, mục tiêu, các chỉ tiêu cụ thể và được triển khai thực hiện tại cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc theo cụm, khối thi đua để phát động phong trào thi đua, ký kết giao ước thi đua. Kết thúc năm công tác, thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, trưởng các cụm, khối thi đua tiến hành tổng kết và bình xét các danh hiệu thi đua.

Thi đua theo chuyên đề là hình thức thi đua nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm hoặc một lĩnh vực cần tập trung được xác định trong khoảng thời gian nhất định để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Chỉ phát động thi đua theo chuyên đề khi đã xác định rõ thời gian mục đích, yêu cầu, chỉ tiêu, nội dung và giải pháp cụ thể.

Khi tổ chức phong trào thi đua theo chuyên đề trong phạm vi Bộ, ban, ngành, tỉnh có thời gian từ 03 năm trở lên, cơ quan chuyên trách công tác thi đua, khen thưởng của Bộ, ban, ngành, tỉnh gửi Kế hoạch tổ chức phát động phong trào thi đua về Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) để theo dõi, tổng hợp, đối chiếu khi thẩm định hồ sơ khen thưởng cấp Nhà nước.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

M.Hiển

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/dam-bao-co-so-phap-ly-dong-bo-khi-ap-dung-cac-quy-dinh-ve-thi-dua-khen-thuong-102230922161439302.htm