Đảm bảo công tác an toàn vệ sinh lao động

NLĐ được trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động khi làm việc tại các doanh nghiệp. Ảnh: KIM CHI

Thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động (VSLĐ) trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, công tác an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực.

Có thể nói, các hoạt động của công tác ATVSLĐ đã góp phần tạo ra những chuyển biến thực sự trong việc đảm bảo an toàn, cải thiện điều kiện và môi trường làm việc ở nơi sản xuất. Điều quan trọng hơn cả là nhận thức về tầm quan trọng của ATVSLĐ trong toàn xã hội đã từng bước thay đổi. Có thể thấy, lao động có chất lượng, năng suất lao động cao, con người được chăm sóc sức khỏe và được đảm bảo an toàn về tính mạng đã trở thành một tiêu chí quan trọng trong sự phát triển hài hòa, tiến bộ và bền vững của xã hội cũng như của mỗi doanh nghiệp.

Nhiều giải pháp

Phú Yên hiện có 3 khu công nghiệp (KCN) tập trung và 23 cụm điểm công nghiệp. Cơ cấu kinh tế của tỉnh từng bước chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ. Tổng số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp là 543.170 người. Sự phát triển của các KCN, cụm điểm công nghiệp và các doanh nghiệp đã giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ), tăng thời gian sử dụng lao động ở khu vực nông thôn, giảm tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị, thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển bền vững, góp phần ổn định an sinh xã hội.

Triển khai Chỉ thị 29 của Ban Bí thư (khóa XI), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch 58/KH/TU ngày 5/11/2013 về tăng cường quản lý và đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế; lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về công tác ATVSLĐ gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm về công tác ATVSLĐ cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý các cấp.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt việc tuyên truyền sâu rộng về công tác ATVSLĐ bằng nhiều hình thức; thông tin đầy đủ về điều kiện lao động, môi trường làm việc, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ, các chế độ, chính sách, quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm về ATVSLĐ để người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ biết, nâng cao nhận thức về công tác ATVSLĐ, chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe cho NLĐ trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.

Các tổ chức công đoàn, doanh nghiệp, NSDLĐ và NLĐ từng bước được nâng cao ý thức chấp hành tốt pháp luật ATVSLĐ. Nhiều doanh nghiệp chủ động thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ, chủ động bố trí kinh phí và có những biện pháp chăm lo điều kiện lao động, đầu tư máy, thiết bị hiện đại hơn, bồi dưỡng sức khỏe NLĐ, đưa công tác ATVSLĐ vào kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. NSDLĐ và NLĐ đã tích cực hưởng ứng các phong trào quần chúng tham gia công tác ATVSLĐ... NLĐ đã chủ động trang bị kiến thức pháp luật ATVSLĐ, chấp hành nội quy, quy trình làm việc an toàn để tự bảo vệ bản thân, đồng nghiệp và gia đình. Nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ tác động của công tác ATVSLĐ đến năng suất, chất lượng sản phẩm nên đã quan tâm tới việc xây dựng hệ thống quản lý công tác ATVSLĐ, xây dựng văn hóa an toàn nơi làm việc. Bên cạnh đó, công tác ATVSLĐ trong khu vực nông nghiệp, nông thôn đã và đang được quan tâm triển khai, tác động tích cực đến nhận thức của hàng ngàn NLĐ.

Cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe NLĐ

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Bí thư, công tác ATVSLĐ đã được các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp quan tâm triển khai thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc pháp luật về ATVSLĐ như: Xây dựng kế hoạch thực hiện công tác ATVSLĐ gắn với kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị; xây dựng kế hoạch tự kiểm tra, giám sát công tác ATVSLĐ; chủ động đánh giá rủi ro, có biện pháp phòng ngừa TNLĐ-BNN, cháy nổ tại nơi làm việc; đảm bảo môi trường và cảnh quan xanh, sạch, đẹp; chú trọng công tác quan trắc môi trường và có những biện pháp cải thiện môi trường lao động theo luật định; áp dụng tiến bộ KH-CN, sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong lao động sản xuất… nhằm cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu TNLĐ-BNN, nâng cao năng suất lao động, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Có thể nói, Chỉ thị 29 ban hành tạo sự chuyển biến tốt trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương; các cấp, các ngành đã cố gắng, nỗ lực hơn trong công tác triển khai thực hiện chính sách, pháp luật ATVSLĐ. Biện pháp áp dụng cải thiện điều kiện làm việc, hệ thống quản lý ATVSLĐ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và NLĐ ngày càng được quan tâm thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả. Toàn tỉnh đã tổ chức tập huấn, huấn luyện, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về lao động, ATVSLĐ cho 16.020 người. Thông qua các hoạt động huấn luyện, tập huấn đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, NSDLĐ và NLĐ.Việc thực hiện chính sách đối với NLĐ được thực hiện đầy đủ, các chế độ chính sách cho NLĐ như trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người làm nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, bồi dưỡng bằng hiện vật, bồi thường, trợ cấp TNLĐ-BNN. Đồng thời thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ; thực hiện giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi theo quy định. Đa số doanh nghiệp đều thực hiện tuần làm việc 48 giờ và NLĐ được bố trí ngày nghỉ hàng tuần, nghỉ lễ, Tết theo đúng quy định...

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung kế hoạch sản xuất, kinh doanh nên thiếu quan tâm thực hiện một số nội dung trong công tác ATVSLĐ. Công tác báo cáo định kỳ về ATVSLĐ, TNLĐ chỉ thực hiện tốt ở các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các đơn vị còn lại không báo cáo hoặc báo cáo chưa thường xuyên, chưa đầy đủ.

Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 29, Sở LĐ-TB-XH sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục triển khai, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về ATVSLĐ và Luật ATVSLĐ; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp nguồn lực và triển khai các hoạt động cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe NLĐ; tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, NLĐ về ATVSLĐ, trong đó tập trung các ngành, nghề có nguy cơ cao về mất ATVSLĐ; hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng KH-CN về ATVSLĐ để phòng ngừa TNLĐ-BNN trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ-BNN; khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng và công bố hoặc sử dụng tiêu chuẩn tiên tiến, hiện đại về ATVSLĐ trong quá trình lao động. Đẩy mạnh lồng ghép các hoạt động của chương trình ATVSLĐ với các chương trình giải quyết việc làm, dạy nghề, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và các chương trình khác có liên quan.

ĐINH KHẮC ĐÔ

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/240003/dam-bao-cong-tac-an-toan-ve-sinh-lao-dong.html