Đảm bảo cung ứng hàng hóa cho vùng bị thiên tai
Trong trường hợp mưa lũ diễn biến phức tạp, ảnh hưởng diện rộng nằm ngoài khả năng kiểm soát, Sở Công Thương các tỉnh cần báo cáo gấp Bộ Công Thương để có phương án điều hàng ngay từ các tỉnh, doanh nghiệp phân phối lớn ở khu vực lân cận để kịp thời cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, để đáp ứng cung cầu hàng hóa đầy đủ trước diễn biến mưa lũ phức tạp ở một số tỉnh miền Trung khi gần đây nhiều huyện miền núi bị chia cắt, Bộ Công Thương đã thường xuyên liên hệ nắm tình hình, chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh miền Trung triển khai thực hiện theo kế hoạch và phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu, đặc biệt chú trọng công tác dự trữ tại chỗ.
Hiện nay, các Sở Công thương tại các địa phương đã tổ chức hình thành các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu và bán hàng bình ổn giá tại các khu vực trung tâm huyện, thị xã, thành phố để ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, gây tăng giá hàng hóa đột biến.
Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp phân phối đã được phân công dự trữ hàng hóa: tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá; thực hiện xuất kho, cung cấp kịp thời các mặt hàng thiết yếu cho người dân. Đồng thời, chỉ đạo Ban quản lý các chợ khắc phục nhanh, tạo điều kiện để các hộ kinh doanh nhanh chóng hoạt động mua bán các mặt hàng thiết yếu tại chợ; phối hợp gửi lực lượng quản lý thị trường trong công tác kiểm soát thị trường, tránh trường hợp tăng giá bất thường, đặc biệt là các mặt hàng nhu yếu phẩm.
Cụ thể, tại tỉnh Quảng Bình, doanh nghiệp tham gia kế hoạch dự trữ gồm: Coop mart Quảng Bình, Vinmart Quảng Bình, Siêu thị Thái hậu, Siêu thị Diên Hồng… với các mặt hàng như mỳ ăn liền, lương khô, gạo, nước uống đóng chai, xăng dầu, tấm lợp… Tổng hàng hóa quy đổi ra tiền là 6,7 tỷ đồng.
Tại tỉnh Quảng Trị, doanh nghiệp tham gia kế hoạch dự trữ hàng hóa gồm Công ty CP - Tổng công ty Thương mại Quảng Trị, Công ty TNHH Thương mại- Dịch vụ Sài Gòn- Đông Hà với các mặt hàng mỳ ăn liền, gạo, nước uống đóng chai, muối, mắm, đồ hộp, dầu thực vật… Tổng hàng hóa quy đổi ra tiền là 13,895 tỷ đồng.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, doanh nghiệp tham gia kế hoạch dự trữ gồm Công ty TNHH MTV Lương thực Thừa Thiên Huế, Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Thái Đông Anh, Công ty TNHH Thương mại tổng hợp và dịch vụ tổng hợp Hoàng Đạt… cùng các mặt hàng như mỳ ăn liền, gạo, nước uống đóng chai, muối, mắm, đồ hộp, dầu thực vật…
Tại tỉnh Quảng Nam, doanh nghiệp tham gia kế hoạch dự trữ là Chi nhánh Xăng dầu khu vực V tại Quảng Nam, Siêu thị Coopmart Tam Kỳ với tổng tiền hàng quy đổi là 6,496 tỷ đồng.