Đảm bảo cung ứng hàng hóa trong mọi tình huống

Với nguồn cung ứng dồi dào, các kênh phân phối đa dạng, phong phú, tỉnh Lâm Đồng vẫn bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân trong mọi tình huống. Người dân có thể lựa chọn nhiều phương cách mua hàng, đặc biệt là đặt mua hàng trực tuyến.

Việc cung ứng hàng hóa được các siêu thị đảm bảo thông suốt, giá cả các loại mặt hàng không có nhiều sự biến động

Việc cung ứng hàng hóa được các siêu thị đảm bảo thông suốt, giá cả các loại mặt hàng không có nhiều sự biến động

Theo Sở Công thương Lâm Đồng, đến thời điểm hiện tại đơn vị đã xây dựng các tình huống đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu nhằm cung ứng đủ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm khác đề phòng trường hợp xấu nhất do dịch Covid-19 có thể xảy ra. Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống cửa hàng tiện lợi đẩy mạnh nguồn hàng, tăng lượng dự trữ, đảm bảo số lượng, ổn định giá bán, tổ chức cung ứng kịp thời tại các điểm bán hàng phục vụ nhu cầu Nhân dân.

Tại siêu thị Big C Đà Lạt, trước diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, siêu thị đã lên phương án chuẩn bị nguồn hàng hóa, cũng như triển khai đồng bộ các hoạt động phòng chống dịch.

Hiện tại, hệ thống siêu thị Big C Đà Lạt đã chuẩn bị nhiều hàng hóa, hàng tiêu dùng thiết yếu như: Mì gói, dầu ăn, gạo, đường, nước mắm… tăng gấp đôi so với thời điểm thường; đồng thời, làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp để bảo đảm luôn luôn bổ sung kịp thời hàng hóa trong trường hợp sức mua tăng lên đột biến.

Ông Trần Như Hùng Tấn – Giám đốc Siêu thị Big C Đà Lạt cho biết: Hiện nay, toàn bộ kho hàng của siêu thị đã được chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, cả hàng tươi và hàng đông lạnh. Đặc biệt, mặt hàng nước rửa tay, khẩu trang luôn luôn có đầy đủ, đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng. Đơn vị cũng đẩy mạnh thực hiện các chương trình đi chợ online, tăng cường việc giao hàng tại nhà nhằm tạo thuận lợi cho công tác mua sắm của người dân.

Tương tự, thực hiện chỉ đạo của Sở Công thương, Siêu thị Coop Mart Bảo Lộc đã tái lập áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 như: Tăng lượng dự trữ hàng hóa, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp…

Bà Nguyễn Ngọc Thúy – Giám đốc Siêu thị Coop Mart TP Bảo Lộc cho hay: Coop Mart Bảo Lộc đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa từ 30 – 50% so với trước để bảo đảm cung cấp cho người dân. Cố gắng duy trì, giữ vững bình ổn giá, không tăng giá; làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp đảm bảo đầy đủ nguồn hàng, đặc biệt là hàng tươi sống. Linh động vận chuyển hàng hóa nơi khác vào tăng cường cho siêu thị.

Đối với các mặt hàng thịt tươi sống, siêu thị vẫn đang duy trì đều đặn 1 tuần 2 chuyến hàng vào thứ 3 và thứ 6. Còn các mặt hàng thực phẩm công nghệ như: Mì tôm, mắm, trứng, sữa, dầu ăn… đơn vị thực hiện châm hàng liên tục từ các xe vận chuyển từ TP Hồ Chí Minh lên hàng ngày.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là các xe vận chuyển hàng hóa từ TP Hồ Chí Minh vào tăng cường cho siêu thị bị gián đoạn, ùn ứ tại khu vực đèo Chuối. Nếu sức mua tăng đột biến một thời điểm, siêu thị sẽ không đảm bảo việc châm hàng kịp thời, dẫn đến thiếu hụt hàng hóa tạm thời. “Do đó, đối với các xe chở hàng hóa bình ổn thị trường cho các trung tâm thương mại, siêu thị, chúng tôi đề nghị được tạo điều kiện lưu thông nhanh qua chốt khi đã chấp hành đầy đủ các quy định về phòng dịch” - bà Thúy kiến nghị.

Việc cung ứng hàng hóa được các siêu thị đảm bảo thông suốt, giá cả các loại mặt hàng không có nhiều sự biến động

Việc cung ứng hàng hóa được các siêu thị đảm bảo thông suốt, giá cả các loại mặt hàng không có nhiều sự biến động

Theo Cục Quản lý Thị trường tỉnh Lâm Đồng, từ khi dịch bệnh bùng phát tại nhiều địa phương, đơn vị đã chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh và thị trường để kịp thời ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Rút kinh nghiệm từ những đợt trước, đợt dịch thứ 4 này, Cục Quản lý Thị trường đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền, phối hợp với các địa phương để ổn định thị trường, đảm bảo cung ứng, lưu thông hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản thế mạnh của tỉnh.

Về cơ bản, việc cung ứng hàng hóa vẫn được đảm bảo thông suốt, giá cả các loại mặt hàng trên địa bàn không có nhiều sự biến động. Tuy nhiên, vẫn có một số mặt hàng nông sản có tăng giá nhẹ nhưng có lợi cho người nông dân trong tỉnh. Bên cạnh đó, Cục Quản lý Thị trường cũng tham mưu cho UBND tỉnh tham gia kết nối, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho các địa phương, điển hình như hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang…

Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã yêu cầu Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các nội dung chỉ đạo của Bộ Công thương và phương án của UBND tỉnh về đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu theo các cấp độ dịch bệnh, nhằm bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, ổn định thị trường hàng hóa trong mọi tình huống.

Theo đó, Cục Quản lý Thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả hàng hóa, việc chấp hành quy định về quản lý giá, kê khai, niêm yết giá, chống hiện tượng găm hàng, tăng giá, hàng hóa kém chất lượng.

Sở Giao thông Vận tải thực hiện tạo luồng “ưu tiên đặc biệt” cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ chương trình bình ổn thị trường cung ứng cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, các sở, ngành địa phương liên quan thông tin đầy đủ, kịp thời về năng lực cung ứng hàng hóa, các chương trình, điểm bán hàng hóa thiết yếu để ổn định tâm lý người dân, công khai các điểm bán hàng hóa thiết yếu, các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa cho người dân và các doanh nghiệp, tiểu thương kinh doanh hàng hóa thiết yếu để biết thực hiện việc mua bán.

HOÀNG SA – HỒNG THẮM

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202107/dam-bao-cung-ung-hang-hoa-trong-moi-tinh-huong-3067200/