Đảm bảo điều kiện an toàn lao động

Xác định an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động sản xuất nên các doanh nghiệp chú trọng cải thiện môi trường làm việc, thực hiện tốt công tác bảo hộ, góp phần đảm bảo an toàn cho người lao động.

Nâng cao ý thức, trách nhiệm

Là công nhân Tổ bảo trì-sửa chữa (Công ty TNHH một thành viên Xi măng ELECCEM), ông Nguyễn Hoàng Phi hàng ngày trực tiếp tham gia sản xuất, bảo dưỡng máy móc. Công ty hiện có 2 dây chuyền sản xuất và khi đảm bảo điều kiện an toàn thì người lao động mới bắt tay làm việc. Nhiệm vụ của ông Phi là tham mưu về công tác sửa chữa những hỏng hóc, phát hiện sớm sự cố, ngăn ngừa rủi ro nhằm đảm bảo an toàn trong sản xuất. “Trong công việc hàng ngày, tôi thường tìm tòi, cải tiến quy trình sản xuất. Nhờ đó, khắc phục tối đa khiếm khuyết về máy móc thiết bị, tiết kiệm chi phí, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu suất lao động của công nhân”-ông Phi bày tỏ. Bên cạnh đó, ông Phi luôn áp dụng triệt để các quy định an toàn do Công ty đưa ra.

Những năm qua, Công ty TNHH một thành viên Xi măng ELECCEM thường xuyên tuyên truyền các quy định an toàn lao động bằng văn bản, loa truyền thanh; lồng ghép các kiến thức về an toàn lao động trong nội quy, quy chế của đơn vị. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức diễn tập an toàn lao động, phòng-chống cháy nổ, cấp cứu người bị nạn... sẵn sàng xử lý khi tai nạn lao động xảy ra.

Công nhân làm việc ở các nhà máy chế biến gỗ cao su tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động. Ảnh: Đinh Yến

Công nhân làm việc ở các nhà máy chế biến gỗ cao su tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động. Ảnh: Đinh Yến

Còn tại Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông, đơn vị đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả, công nhân được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, tổ chức huấn luyện định kỳ về công tác ATVSLĐ, phòng-chống cháy nổ… Ông Rơ Lan Tiếc-công nhân Nông trường An Phú-cho biết: “2 năm qua, Công ty đã có nhiều hoạt động chăm lo, bảo đảm đời sống cho người lao động. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Công ty thực hiện phương án “3 tại chỗ”, sản phẩm mủ vận chuyển về nhà máy chế biến thực hiện phòng dịch đầy đủ. Hiện tại, Công ty duy trì thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho công nhân, người lao động, cấp phát quần áo, giày, ủng, đèn pin... để mọi người tích cực lao dộng, hoàn thành vượt sản lượng định mức. Vào vụ cạo mới, Công ty tổ chức huấn luyện công tác an toàn cho công nhân, chủ động xử lý những tình huống có thể xảy ra trong khi làm việc”.

Ông Trần Văn Tiến-Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông-cho hay: Công ty hiện có 2.168 cán bộ, công nhân, người lao động, trong đó, lao động người dân tộc thiểu số chiếm 60%. Hàng năm, cán bộ, công nhân, người lao động được đơn vị tạo mọi điều kiện tốt nhất về môi trường làm việc cũng như được quan tâm chăm sóc sức khỏe và tâm lý lao động. “Mục tiêu hướng đến của Công ty là xây dựng thành công văn hóa an toàn lao động trong toàn đơn vị. Tiếp tục chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích cho cán bộ, công nhân, người lao động; xây dựng các phong trào đảm bảo an toàn lao động và tổ chức mạng lưới an toàn vệ sinh viên nghiêm túc, hiệu quả”-ông Tiến thông tin.

“An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, toàn tỉnh có trên 7.700 doanh nghiệp sử dụng hơn 100 ngàn lao động. Vì vậy, vấn đề an toàn cho người lao động là nhiệm vụ cấp thiết, thường xuyên của các cơ sở sản xuất kinh doanh. Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng ATVSLĐ tỉnh-cho hay: “Thực hiện tốt công tác ATVSLĐ là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp thu hút lao động, duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo nên lợi thế cạnh tranh của đơn vị”.

Chung tay đảm bảo an toàn vệ sinh cho người lao động trong quá trình làm việc còn là trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Ông Đoàn Tiến Cường-Giám đốc Công ty Thủy điện Ia Ly-cho rằng: “Công tác ATVSLĐ luôn được Công ty đặt lên hàng đầu với phương châm “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Chính vì quán triệt đầy đủ, sâu sắc phương châm này mà Công ty đều sản xuất hiệu quả, an toàn, ý thức trách nhiệm trong sản xuất của cán bộ, công nhân được nâng lên”.

Thành phố Pleiku là địa phương có nhiều doanh nghiệp đang hoạt động nhất tỉnh. Đề cập đến vấn đề ATVSLĐ của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, bà Nguyễn Lê Phương Minh-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố-bày tỏ: “Trong quá trình sản xuất, người lao động không may để xảy ra tai nạn là điều rất đau lòng. Hậu quả không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp về mặt pháp lý tùy theo tính chất, mức độ sự việc mà còn ảnh hưởng lâu dài với người lao động. Chính vì vậy, hàng năm, chúng tôi tích cực phối hợp với các doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện hiệu quả công tác ATVSLĐ và giảm thiểu các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, không để xảy ra những hậu quả đáng tiếc ”.

ĐINH YẾN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12381/202206/dam-bao-dieu-kien-an-toan-lao-dong-5780242/