Đảm bảo đủ nguồn cung và bám sát giá thế giới để bình ổn giá vàng
Sau khi thông báo dừng đấu thầu vàng, chiều 29/5, Ngân hàng Nhà nước đã công bố phương án bình ổn giá vàng. Đó là Ngân hàng Nhà nước sẽ bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng: Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV và giá bán căn cứ theo giá thế giới, bắt đầu từ ngày 3/6 tới.
Nhiều người dân ở TP.HCM mong giải pháp này sẽ rút ngắn được khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, không còn ở mức quá cao như hiện nay.
Nguồn cung phải đủ đáp ứng nhu cầu người dân
Chị Nguyễn Thị Tuyết ở quận Bình Thạnh, thường mua vàng tích lũy để sau này mua nhà. Chị cho rằng, qua 9 phiên đấu thầu giá vàng vừa qua đã không kéo giảm được mức chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới mà mức này ngày càng gia tăng. Trước khi đầu thầu, mức chênh lệch này là từ 9-10 triệu đồng/lượng, đến nay thì mức chênh lệnh từ 17-18 triệu đồng/lượng. Đáng nói là nguồn cung vàng ra thị trường trong giai đoạn đấu thầu vàng có lúc chưa đáp ứng nhu cầu của người mua như chị Tuyết.
Có lúc cao điểm, chị muốn mua chỉ vài chỉ vàng (nhẫn, vàng miếng) nhưng nhiều cửa hàng ở quận Bình Thạnh và Quận 1 đều không có. Chị Tuyết hy vọng với phương án bình ổn thị trường sắp tới của Ngân hàng Nhà nước sẽ giải quyết được tình trạng này: "Mấy lần trước, dù đã đấu thầu tôi đi mấy cửa hàng không mua được vàng. Tôi hy vọng sắp tới giá vàng trong nước sẽ về sát với giá vàng thế giới nếu không thì mức chênh lệch vài triệu thôi, chứ chênh lệnh khoảng 18 triệu thì rất rủi ro, thiệt thòi cho người dân".
Nên cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng
Theo ông Trần Duy Phương, chuyên gia vàng và cũng là chủ doanh nghiệp vàng ở Quận 5, để rút ngắn được khoảng cách chênh lệnh quá xa giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới thì về lâu dài ngân hàng Nhà nước nên cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu. Việc này, giải quyết được nhiều vấn đề, đó là tăng nguồn cung cho vàng miếng, đồng thời có nguồn nguyên liệu để các doanh nghiệp sản xuất vàng nhẫn, vàng nữ trang cung cấp cho thị trường và hạn chế tình trạng nhập lậu vàng. Để kiểm soát và quản lý việc nhập khẩu vàng, Ngân hàng nhà nước có thể cấp hạn mức nhập khẩu cho doanh nghiệp ở từng thời điểm với số lượng hợp lý.
Cũng theo ông Phương, một phương án khác nữa là Ngân hàng Nhà nước có thể trực tiếp nhập khẩu vàng về và bán lại cho doanh nghiệp.
Trước mắt, ông Phương mong muốn, giải pháp bình ổn giá vàng của Ngân hàng Nhà nước được triển khai vào ngày 3/6 tới sẽ tăng nguồn cung cho thị trường và có thể từ từ kéo giảm chênh lệch với giá vàng thế giới: "4 ngân hàng này (Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV- PV) cung ứng ra thị trường với giá đồng nhất (theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước) người dân tiếp cận giá sẽ ổn định, khi đó giá vàng trong nước sẽ sát với giá thế giới hơn. Tất nhiên, chúng ta không thể mong muốn mức chênh lệch với giá vàng thế giới sẽ giảm mạnh ngay mà phải có lộ trình từ từ, giá nó sẽ thấp hơn bây giờ, chênh lệch sẽ giảm dần".
Về lâu dài, theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần phải tính toán kĩ, làm thế nào để việc cho nhập khẩu vàng vừa tăng nguồn cung, bám sát giá thế giới, nhập theo từng bước để giảm khoảng cách chênh lệnh giá vàng vừa cân đối được ngoại tệ.
"Khi nguồn cung tăng dần theo từng tháng, từng năm, trong khi cầu sẽ hạ nhiệt. Nhu cầu hạ nhiệt là do kênh đầu tư khác như thị trường bất động sản phục hồi, người dân thấy mua vàng cũng không còn lời như trước nữa thì từ từ giảm nhu cầu dần dần giá vàng sẽ trở về mức chênh lệch hợp lý. Quan trọng là khi Nhà nước cung vàng ra thị trường từng bước với số lượng cung bao nhiêu là hợp lý? Và đảm bảo lợi ích cho nền kinh tế là chính chứ không Nhà nước cũng không nên nôn nóng vì để giảm chênh lệch giá vàng", Tiến sĩ Đinh Thế Hiển nói.
Giải pháp bình ổn giá vàng sắp tới của Ngân hàng Nhà nước đang được kỳ vọng sẽ giải quyết được tình trạng chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới như hiện nay. Tuy nhiên, để vừa đạt được mục tiêu kéo giảm mức chênh lệch giá vàng này vừa đảm bảo các lợi ích khác của nền kinh tế là vấn đề mà cơ quan chức năng cần xem xét kĩ để có các giải pháp hợp lý nhất trong ngắn hạn và dài hạn.