Đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin trong hoạt động giáo dục

Hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) là một trong các yếu tố nền tảng để thực hiện đổi mới và chuyển đổi số trong giáo dục. Nhận thức rõ điều đó, ngành GDĐT tỉnh đã và đang nỗ lực tham mưu các cấp, ngành; đồng thời, chủ động phối hợp với các tổ chức, đơn vị đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, đường truyền, các phần mềm công nghệ số để ứng dụng trong quản lý và dạy học, nâng cao chất lượng GDĐT của tỉnh đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Trường tiểu học Minh Quang, huyện Tam Đảo được đầu tư máy chiếu phục vụ công tác dạy và học (ảnh chụp tháng 2/2022)

Trường tiểu học Minh Quang, huyện Tam Đảo được đầu tư máy chiếu phục vụ công tác dạy và học (ảnh chụp tháng 2/2022)

Toàn tỉnh hiện có 508 cơ sở giáo dục, gồm 177 trường mầm non, 145 trường tiểu học, 16 trường liên cấp TH&THCS, 132 trường THCS, 30 trường THPT, 8 đơn giáo dục thường xuyên. Theo lộ trình, các nhà trường, đơn vị giáo dục lần lượt được đầu tư hạ tầng CNTT phục vụ cho công tác quản lý giáo dục và dạy học.

Đến nay, 100% cơ sở giáo dục, trường học đều có máy tính, các phần mềm công nghệ số và đường truyền internet phục vụ công tác quản lý. Về cơ bản, các trường học từ bậc tiểu học đến THPT đều được đầu tư phòng tin học và hệ thống máy tính, đường truyền đảm bảo phục vụ công tác dạy và học.

Điển hình như tại thành phố Phúc Yên, 100% trường tiểu học, THCS có phòng phục vụ dạy học môn Tin học, một số trường có 2 phòng tin học như Trường tiểu học Lưu Quý An, Trường tiểu học Hùng Vương… Các trường cũng được đầu tư hệ thống máy chiếu phục vụ công tác dạy học có ứng dụng CNTT giúp bài giảng thêm sinh động, lôi cuốn học sinh…

Tuy nhiên, ngành Giáo dục Vĩnh Phúc còn gặp một số khó khăn về hạ tầng CNTT. Phần lớn các trường mầm non chưa có phòng tin học theo quy định trường đạt chuẩn quốc gia của Bộ GDĐT. Nguồn kinh phí hạn hẹp và việc đầu tư cơ sở vật chất được thực hiện theo lộ trình nên hệ thống phòng máy tính của các trường được đầu tư từ nhiều năm trước đến nay đã cũ, xuống cấp, thường xuyên phải sửa chữa, hệ điều hành không đáp ứng được việc cập nhật các ứng dụng, phần mềm CNTT hiện đại, nhất là phục vụ dạy và học Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Các tổ chuyên môn của nhiều trường chưa có máy tính riêng phục vụ hoạt động của tổ, do đó, chủ yếu giáo viên phải sử dụng máy tính cá nhân. Thiết bị máy chiếu tại nhiều trường trong tình trạng sử dụng nhiều năm, đã cũ, hỏng, chỉ còn số ít có thể sử dụng phục vụ công tác dạy học, như Trường THCS Phương Khoan, huyện Sông Lô chỉ còn 2 máy chiếu có thể sử dụng, phục vụ việc dạy học tại 8 phòng học lý thuyết và 4 phòng học bộ môn…

Trước tình hình đó, để tạo nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số trong GDĐT, Sở GDĐT xây dựng kế hoạch thực hiện đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GDĐT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, đặt mục tiêu giai đoạn từ năm 2021-2025 sẽ trang bị hạ tầng CNTT đáp ứng việc chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục cho 100% cơ sở giáo dục; 100% cơ sở giáo dục áp dụng hệ thống quản trị, quản lý nhà trường dựa trên dữ liệu và công nghệ số; 50% học sinh, học viên, sinh viên và mỗi nhà giáo có đủ điều kiện tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy và học trực tuyến.

Giai đoạn từ năm 2025-2030, hoàn thiện nền tảng dạy và học trực tuyến của tỉnh tích hợp kho học liệu số hỗ trợ 100% học sinh và cán bộ, giáo viên tham gia có hiệu quả các hoạt động giáo dục trực tuyến; cung cấp hệ thống tài liệu học tập số đối với chương trình giáo dục phổ thông; quản lý nguồn lực giáo dục, chương trình giáo dục và đối tượng giáo dục trên môi trường số, kết nối thông suốt toàn ngành và liên thông với các cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia.

Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc được đầu tư phòng tin học hiện đại từ nguồn xã hội hóa

Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc được đầu tư phòng tin học hiện đại từ nguồn xã hội hóa

Để thực hiện mục tiêu trên, ngành GDĐT tỉnh đẩy mạnh công tác tham mưu với tỉnh, quan tâm đầu tư kinh phí để thực hiện các dự án ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GDĐT, nhất là đảm bảo các điều kiện về hạ tầng CNTT để triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới theo lộ trình.

Trong đó, tập trung đảm bảo kết nối internet cáp quang tới tất cả các cơ sở giáo dục; có chính sách hỗ trợ dịch vụ internet cho người học và đội ngũ giáo viên; có chính sách máy tính phù hợp cho học sinh và sinh viên; phát triển hệ thống phòng học tương tác thông minh, phòng thí nghiệm, thực hành (Lab) hiện đại, phòng Lab mô phỏng, ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR).

Tăng cường hợp tác với các đơn vị, tổ chức và hiệp hội về CNTT để đầu tư, hỗ trợ ngành GDĐT về trang thiết bị (máy tính xách tay, máy tính bảng…); xây dựng các nền tảng số, ứng dụng CNTT, các giải phảp công nghệ tiên tiến trong GDĐT và phát triển các ứng dụng giáo dục trên các thiết bị cầm tay, thiết bị di động đảm bảo an toàn, bí mật…

Hiện tại, ngành GDĐT tỉnh đang phối hợp với các sở, ngành chức năng rà soát hạ tầng CNTT tại các trường học để thống kê, lập báo cáo làm căn cứ đề xuất đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; đồng thời, tiếp tục thí điểm triển khai chuyển đổi số toàn diện đối với Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc và Trường THCS Vĩnh Yên…

Phó Giám đốc Sở GDĐT Phạm Khương Duy cho biết: “Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố, ngành GDĐT đang nỗ lực đảm bảo các điều kiện về hạ tầng số, trang thiết bị nhằm triển khai hiệu quả các ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập, từ đó, nâng cao hiệu quả đổi mới GDĐT".

Bài, ảnh: Minh Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/giao-duc/75712/dam-bao-ha-tang-cong-nghe-thong-tin-trong-hoat-dong-giao-duc.html