Đảm bảo hàng hóa, bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024

Chuyên mục 'Dân hỏi - Chính quyền trả lời' kỳ này, đồng chí Trương Văn Minh - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang sẽ trả lời về những giải pháp đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

- Phóng viên: Kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 được triển khai thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

- Đồng chí Trương Văn Minh: Thực hiện chỉ thị của Bộ Công thương và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và nhất là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Sở Công thương đã ban hành kế hoạch bảo đảm lượng hàng hóa, bình ổn thị trường. Dự kiến tổng lượng hàng hóa tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 khoảng 54.585 tấn hàng hóa các loại, tăng 9,53% so với Tết Nguyên đán năm 2023. Tỉnh Kiên Giang đã yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối có kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm tết của người dân.

- Phóng viên: Đối với các hoạt động khuyến mại, bán hàng lưu động, tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và các đảo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang trong dịp tết được triển khai như thế nào và giải pháp ra sao?

- Đồng chí Trương Văn Minh: Sở Công thương tỉnh Kiên Giang đã triển khai thực hiện các giải pháp sau: Về hoạt động khuyến mại, đây là hoạt động thường xuyên và được tổ chức hàng tháng nhưng vào dịp cuối năm và đầu năm mới có chương trình khuyến mại tập trung quốc gia 2023. Trên cơ sở đó, Sở Công thương đã ban hành kế hoạch hưởng ứng chương trình khuyến mại tập trung quốc gia 2023 trên địa bàn Kiên Giang diễn ra từ ngày 4-12-2023 đến ngày 10-1-2024 với hạn mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại và mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là 100% nhằm kích cầu tiêu dùng cho người dân.

Về hoạt động bán hàng lưu động, tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và đưa ra các đảo trên địa bàn tỉnh trong dịp tết, Sở Công thương tỉnh Kiên Giang tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch cung ứng hàng hóa ổn định thị trường dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 gắn với tuyên truyền mọi người dân ủng hộ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Sở Công thương tỉnh Kiên Giang phối hợp Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang, Co.opmart Rạch Giá và Co.opmart Kiên Giang tổ chức đưa 2 chuyến hàng ổn định thị trường ra 7 xã đảo 2 huyện Kiên Hải, Kiên Lương và TP. Hà Tiên từ ngày 15 đến 28-1-2024 với trên 270 mặt hàng/chuyến. Chủ yếu là hàng Việt Nam với khoảng 110 tấn hàng hóa thiết yếu, trị giá 4,67 tỷ đồng, tăng 18,23% so năm 2023.

Khách hàng mua sắm hàng hóa tết tại Co.opmart Kiên Giang. Ảnh: ĐẶNG LINH

Ngày 31-1, Co.opmart Hà Tiên tổ chức 2 chuyến đưa hàng ổn định thị trường lưu động về vùng nông thôn, vùng sâu, biên giới… trên địa bàn TP. Hà Tiên, với lượng hàng hóa khoảng 2 tấn nhằm phục vụ nhu cầu tết cho người dân với mức giá thấp hơn hoặc bằng với giá thị trường.

- Phóng viên: Đồng chí đánh giá như thế nào về tình hình biến động của giá cả các mặt hàng thiết yếu thời gian qua và xu hướng biến động trong thời gian tới? Sở Công thương tỉnh Kiên Giang sẽ triển khai những giải pháp nào để đảm bảo cung ứng hàng hóa đầy đủ, chất lượng, bình ổn giá trong thời gian tới?

- Đồng chí Trương Văn Minh: Tình hình biến động của giá cả các mặt hàng thiết yếu thời gian qua có tăng nhẹ, tập trung vào mặt hàng như lúa, gạo, thịt, rau, củ, quả... Dự kiến thời gian tới giá lúa, gạo có khả năng giảm nhẹ, các mặt hàng nhu yếu phẩm tiếp tục tăng nhẹ vào dịp Tết Nguyên đán. Ngành công thương chủ động thực hiện các giải pháp như sau:

Một là, Sở Công thương tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh và các siêu thị, cửa hàng tiện lợi… chuẩn bị đủ hàng phục vụ cho người dân, kể cả bán hàng lưu động.

Hai là, sở yêu cầu các siêu thị, cửa hàng tiện lợi niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, không tăng giá và khuyến khích các siêu thị thực hiện đưa các chuyến hàng bình ổn thị trường lưu động về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Ba là, Sở Công thương tỉnh Kiên Giang thực hiện tốt vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389/KG của tỉnh, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết. Đặc biệt là tập trung cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Bốn là, sở sẽ tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát việc các doanh nghiệp tham gia cung ứng đưa hàng hóa ổn định thị trường bán tại các xã đảo theo kế hoạch cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Năm là, Sở Công thương tỉnh Kiên Giang phối hợp các sở, ngành cấp tỉnh, địa phương và các đơn vị có liên quan theo dõi sát diễn biến tình hình cung, cầu thị trường, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân mua sắm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024; đồng thời duy trì phát hành bản tin thị trường tỉnh hàng tháng để hỗ trợ các doanh nghiệp định hướng sản xuất, kinh doanh.

Sở Công thương đề nghị các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố trong tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện tháng khuyến mại tập trung và hưởng ứng thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

- Phóng viên: Cảm ơn đồng chí!

TÂY HỒ thực hiện

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/dan-hoi-chinh-quyen-tra-loi/dam-bao-hang-hoa-binh-on-gia-dip-tet-nguyen-dan-giap-thin-nam-2024-18879.html