Đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định
Theo Bộ Công Thương, việc cung cấp điện trong tháng 12/2023 sẽ được đảm bảo. Cơ quan này cũng cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo các đơn vị thực hiện các giải pháp hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định, bảo đảm cung ứng điện trong năm 2024.
Thông tin về tình hình cung ứng điện, Bộ Công Thương cho biết, việc cung ứng điện về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Trong đó, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện tháng 11 năm 2023 ước đạt 23,118 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 11 tháng năm 2023, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện ước đạt 257,1 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), cao hơn 4,4% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 90,5% so với kế hoạch năm 2023 (284,5 tỷ kWh) được Bộ Công Thương phê duyệt.
Theo tính toán cập nhật của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống trong tháng 12 ước đạt 23,02 tỷ kWh. Lũy kế cả năm 2023, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 280,1 tỷ kWh, tăng 4,56% so với năm 2022, đạt 98,5% so với Kế hoạch năm 2023 được duyệt. Bộ Công Thương khẳng định, việc cung cấp điện trong tháng 12/2023 sẽ được đảm bảo.
Để đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định, đồng thời đảm bảo cung cấp điện trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo các đơn vị thực hiện các giải pháp đảm bảo cung ứng điện trong năm 2024.
Theo đó, Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các Tổng công ty Phát điện, các Chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than phối hợp TKV, Tổng công ty Đông Bắc chủ động thỏa thuận, thống nhất khối lượng than cung cấp và làm rõ trách nhiệm các bên trong việc cung cấp than để làm cơ sở ký kết hợp đồng mua bán than theo quy định và tổ chức thực hiện, đảm bảo hiệu quả và tuân thủ quy định của pháp luật. Cùng với đó, tăng cường, nâng cao hiệu quả trao đổi thông tin với các đơn vị cung cấp than để đảm bảo sự chủ động trong việc khai thác, nhập khẩu than của các đơn vị tham gia cung ứng than.
EVN, PVN, TKV, các tổng công ty Phát điện, các chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than tiếp tục tăng cường thực hiện nghiêm túc và chịu trách nhiệm đảm bảo đủ than cho sản xuất điện, cũng như hạ tầng tiếp nhận than; tăng cường công tác duy tu bảo dưỡng các nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo độ khả dụng để đáp ứng theo nhu cầu phát điện của hệ thống điện quốc gia, tăng cường theo dõi giám sát các thiết bị trong quá trình vận hành, chủ động xử lý khiếm khuyết để nâng cao độ tin cậy trong vận hành của các thiết bị. Đồng thời, đảm bảo các điều kiện để có thể huy động phát theo nhu cầu của hệ thống; đẩy nhanh tiến độ khắc phục sự cố và đưa vào vận hành các tổ máy nhiệt điện bị sự cố dài ngày, khẩn trương khắc phục sự cố ngắn ngày.
Chủ đầu tư các nguồn nhiệt điện than chủ động thực hiện các giải pháp để đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, khắc phục tình trạng suy giảm công suất khi nhiệt độ môi trường tăng cao. EVN, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) chủ động, phối hợp với các nhà máy thủy điện xây dựng kế hoạch tích nước các hồ thủy điện, đặc biệt là các hồ thủy điện chiến lược đa mục tiêu và giữ mực nước cao trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024 để đảm bảo mục tiêu giữ mực nước các hồ tại thời điểm cuối mùa khô năm 2024 ở mức hợp lý, đảm bảo có đủ mức dự phòng công suất, điện năng...
Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/dam-bao-he-thong-dien-van-hanh-an-toan-on-dinh.html