Đảm bảo hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động an toàn, hiệu quả

Ngày 5/7, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về tiếp tục tăng cường công tác quản lý đối với hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân.

Đảm bảo công tác quản lý hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân là nhiệm vụ quan trọng

Phó Thống đốc Đào Minh Tú chủ trì và phát biểu tại Hội nghị đã ghi nhận, công tác giám sát Quỹ Tín dụng nhân dân được tăng cường và kịp thời xử lý các yếu kém. Công tác phối hợp trao đổi thông tin giữa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố với các sở, ban, ngành, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam được tăng cường.

Đánh giá về tình hình khó khăn chung của hoạt động ngân hàng hiện nay do tác động từ thế giới lẫn trong nước, Phó Thống đốc cho rằng, nhiều vấn đề đang cần được giải quyết lúc này như thúc đẩy tăng trưởng tín dụng khi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang yếu, đồng thời phải kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống.

Trong bối cảnh đó, ngành Ngân hàng xác định việc đảm bảo an toàn, hoạt động lành mạnh của Quỹ Tín dụng nhân dân yếu kém là việc làm quan trọng, thường xuyên, liên tục, không ngừng nghỉ.

Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú chủ trì Hội nghị. Ảnh: SBV.

Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú chủ trì Hội nghị. Ảnh: SBV.

Theo thông tin báo cáo tại Hội nghị, tính đến ngày 30/4/2023, toàn hệ thống có 1.180 Quỹ Tín dụng nhân dân, hoạt động trên địa bàn 57 tỉnh, thành phố với tổng tài sản gần 171 nghìn tỷ đồng, tăng 4,0% so với 31/12/2022; tiền gửi khách hàng là hơn 150 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với 31/12/2022.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động, an toàn hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân. Đồng thời sửa đổi Luật Các Tổ chức tín dụng đảm bảo khắc phục một số bất cập từ thực tiễn hoạt động; tăng tính liên kết hệ thống tổ chức tín dụng là hợp tác xã, khẳng định vai trò của Ngân hàng Hợp tác xã trong việc hỗ trợ các Quỹ Tín dụng nhân dân hoạt động an toàn, hiệu quả…

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế khi vẫn còn một số Quỹ Tín dụng nhân dân yếu kém, một số Quỹ phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt... Đồng thời, do tình hình thị trường tiền tệ, ngân hàng có nhiều biến động phức tạp, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các Chi nhánh theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động của các Quỹ Tín dụng nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và thanh khoản của các Quỹ Tín dụng nhân dân.

Hội nghị tiếp tục tăng cường công tác quản lý đối với hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân được tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Ảnh: SBV.

Hội nghị tiếp tục tăng cường công tác quản lý đối với hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân được tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Ảnh: SBV.

Tiếp tục tăng cường công tác quản lý đối với hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân an toàn, hiệu quả

Thảo luận tại Hội nghị, các ý kiến đều cho rằng, có thể thấy, sau gần 30 năm hình thành và phát triển, hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân đã khẳng định được vị thế và vai trò của mô hình kinh tế hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực tiền tệ - tín dụng, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nói chung và hệ thống tài chính, ngân hàng nói riêng, góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, hạn chế cho vay nặng lãi, thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn nông thôn.

Trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước sẽ có nhiều biện pháp tháo gỡ và kỳ vọng nhiều vào ngành Ngân hàng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp người dân. Tuy nhiên, hoạt động rất cần sự chung tay, chung sức, chung lòng của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống ngân hàng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và đối với hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân.

Thời gian tới, các Quỹ Tín dụng nhân dân cần tự nhìn nhận lại, làm tốt rồi thì làm tốt hơn nữa, nếu có những hạn chế thì tự mình khắc phục, điều chỉnh, để có một môi trường hoạt động lành mạnh, lấy được niềm tin của thị trường, nhân dân vào hệ thống ngân hàng.

Để đảm bảo hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân hoạt động an toàn, hiệu quả, theo đúng tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc hoạt động và quy định của pháp luật, Phó Thống đốc nhấn mạnh, các đơn vị cần coi công tác tiếp tục chấn chỉnh, củng cố an toàn hoạt động hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân là một nhiệm vụ thường xuyên, khẩn trương, tập trung trong chỉ đạo điều hành.

Theo đó, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến Quỹ Tín dụng nhân dân; tập trung nguồn lực triển khai kế hoạch thanh tra Quỹ Tín dụng nhân dân năm 2023, chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các Quỹ Tín dụng nhân dân năm 2023, nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ liên quan phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của Quỹ Tín dụng nhân dân giai đoạn 2021-2025.

Cục Công nghệ thông tin sớm hoàn thành Dự án Hệ thống thông tin phục vụ công tác giám sát hoạt động Quỹ Tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô. Hướng dẫn các Chi nhánh trong việc thanh tra, kiểm tra Quỹ Tín dụng nhân dân về đáp ứng an toàn thông tin theo quy định.

Phó Thống đốc cũng yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố cần tập trung thực hiện kế hoạch thanh tra Quỹ Tín dụng nhân dân năm 2023, đảm bảo kế hoạch thanh tra chéo; thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ liên quan.

Tính đến ngày 30/4/2023, toàn hệ thống có 1.180 QTDND, hoạt động trên địa bàn 57 tỉnh, thành phố (giảm 1 QTDND Vạn Điểm - Đồng Nai đã thu hồi giấy phép hoạt động), trong đó bao gồm: 31 QTDND được kiểm soát đặc biệt; 6 QTDND được áp dụng biện pháp can thiệp sớm; 2 QTDND được NHNN chi nhánh tỉnh chấp nhận giải thể tự nguyện và phê duyệt phương án thanh lý tài sản.

Tổng tài sản toàn hệ thống QTDND đạt 170.957,7 tỷ đồng, tăng 4,0% so với thời điểm ngày 31/12/2022. Tiền gửi khách hàng 150.944,8 tỷ đồng, tăng 6,2%. Tổng dư nợ cho vay 131.107,8 tỷ đồng, giảm 1,4%. Vốn chủ sở hữu 11.855,5 tỷ đồng, tăng 1,2%. Chênh lệch thu nhập - chi phí: 770,4 tỷ đồng.

Nợ xấu ghi nhận 877,9 tỷ đồng, tăng 3,2 (năm 2021, 2022 nợ xấu tăng lần lượt là 5,2%, 15%). Tỷ lệ nợ xấu ghi nhận 0,67% (năm 2021, 2022 tỷ lệ nợ xấu đều ở mức 0,64%). Tỷ trọng nợ nhóm 2/Tổng dư nợ cho vay là 0,28% (năm 2021, 2022 tỷ trọng này lần lượt là 0,21%, 0,24%). Lãi phải thu từ hoạt động tín dụng 957,3 tỷ đồng, tăng 9,6% so thời điểm ngày 31/12/2022.

Nguồn: SBV

Quang Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/dam-bao-he-thong-quy-tin-dung-nhan-dan-hoat-dong-an-toan-hieu-qua-179230706065059773.htm