Có nên đưa nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt?
Tại Hội thảo 'Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi' diễn ra sáng nay (20/9) có nhiều ý kiến xung quanh việc đưa nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Video Hội thảo 'Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi' sáng 20/9:
Thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm đánh vào một số hàng hóa dịch vụ đặc biệt, thường được áp cho những loại hàng hóa, dịch vụ cao cấp; không có lợi cho sức khỏe, môi trường; gây lãng phí cho xã hội và tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa - xã hội.
Khi Nhà nước đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào 1 hàng hóa, dịch vụ nào đó thường dẫn đến giá của hàng hóa, dịch vụ đó tăng lên, qua đó ảnh hưởng đến cung - cầu các hàng hóa dịch vụ.
Qua 4 lần sửa đổi trước đây, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội nhưng cũng còn một số hạn chế.
Trước thực trạng nói trên, Bộ Tài chính đã xây dựng và lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Hội thảo "Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tổ chức sáng 20/9 nhằm thảo luận, đóng góp ý kiến hữu ích vào nội dung dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đặc biệt về những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau trong đó có việc đưa mặt hàng nước giải khát có đường vào diện chịu thuế thiêu thụ đặc biệt.
Theo Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), nước giải khát có đường là mặt hàng mới được bổ sung vào diện chịu thuế với thuế suất dự kiến 10%. Lý do được đưa ra là nhằm chống lại tình trạng thừa cân, béo phì đang gia tăng tại Việt Nam hiện nay.
Theo Ban Pháp chế của VCCI, việc đưa mặt hàng nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có 1 số tác động tích cực như tăng nguồn thu ngân sách, các doanh nghiệp cũng thay đổi thành phần, công thức sản xuất nước giải khát để sản xuất các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên Ban Pháp chế của VCCI đề nghị có đánh giá kỹ hơn về tác động, biện pháp thực hiện, cũng như lộ trình phù hợp của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.
Phát biểu tại hội thảo, GS TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) đặt câu hỏi về việc bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, như: Mục đích của việc bổ sung mặt hàng này vào diện chịu Thuế tiêu thụ đặc biệt là gì? Nếu là vì lý do bảo vệ sức khỏe, thì đồ uống có đường có phải là nguyên nhân gây bệnh thừa cân béo phì hay không? Nếu là để tăng thu ngân sách thì liệu mục đích này có đạt được và có tính khả thi hay không?", GS TSKH Nguyễn Mại nói.