Đảm bảo lợi ích cho tất cả các bên

Kinh nghiệm được các tỉnh, thành phố chỉ ra là việc các doanh nghiệp tham gia ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) nhóm doanh nghiệp đã thể hiện sự thiện chí, tôn trọng và bình đẳng trong thương lượng, tạo ra một sân chơi chung nhằm hạn chế sự chuyển dịch lao động từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, thúc đẩy quan hệ lao động ổn định, hài hòa, tiến bộ trong quan hệ lao động.

Ký kết TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp dệt may tại Văn Lâm, Hưng Yên

Ký kết TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp dệt may tại Văn Lâm, Hưng Yên

7 TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp được ký kết

Ngày 11/11, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo đánh giá kết quả thỏa ước lao động tập thể, ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) nhóm doanh nghiệp tại Việt Nam. Hội thảo do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tổ chức Lao động quốc tế ILO tại Việt Nam thực hiện.

Hội thảo sẽ tập trung thảo luận đánh giá kết quả thí điểm thương lượng tập thể nhóm doanh nghiệp; chia sẻ bài học kinh nghiệm từ các địa phương thí điểm về cách thức huy động sức mạnh tập thể của người lao động trong quá trình thương lượng tập thể, về tăng cường hợp tác hai bên, ba bên và sự phối hợp giữa các cơ quan, đối tác cấp tỉnh trong TƯLĐTT, về vai trò và sự hỗ trợ của Hiệp hội đối với các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự thiện chí của các doanh nghiệp trong quá trình thương lượng tập thể….; vai trò của các bên trong thúc đẩy thương lượng tập thể, TƯLĐTT nhóm; triển khai nhiệm vụ đại diện cho người lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Dự hội thảo có ông Ngọ Duy Hiểu - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Change-Hee Lee - Giám đốc của Tổ chức Lao động quốc tế ILO tại Việt Nam và đại diện một số Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố đã ký kết TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp mang lại lợi ích cho tất cả các bên, là một xu hướng thương lượng của Công đoàn các nước trên thế giới. Sau ít năm triển khai mô hình thí điểm, đến nay chúng ta đã có được 7 TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp đã được ký kết. Đây là kết quả rất đáng khích lệ, khẳng định sự nỗ lực của các bên, cung cấp lý luận quan trọng trong việc sửa đổi Bộ Luật Lao động.

Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các chuyên gia, cán bộ công đoàn cần thảo luận sâu hơn về những kết quả đạt được, thuận lợi, khó khăn và bài học kinh nghiệm rút ra để tiếp tục thúc đẩy TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp trong thời gian tới, coi đây là một xu hướng cần ưu tiên để Công đoàn Việt Nam chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người lao động.

Hiệu quả, thực chất với người lao động

Chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện tại địa phương, bà Phạm Thị Hằng - Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng cho biết: Đến nay, số lượng doanh nghiệp tham gia thỏa ước nhóm doanh nghiệp là 20 doanh nghiệp, tăng so với năm 2016 là 15 doanh nghiệp và vượt so với dự kiến ban đầu của thí điểm tại Hải Phòng là 8 doanh nghiệp. Tổng số người lao động được hưởng lợi theo các chế độ đã thương lượng thành trong thỏa ước đến thời điểm hiện nay là 7.368 người.

Từ kết quả thực hiện thí điểm, Ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: TƯLĐTT nhóm mang lại quyền lợi tốt hơn cho tất cả các bên. Trong đó:
Đối với người lao động: Được trả lương, thưởng, chế độ xứng đáng với đóng góp, cống hiến của người lao động.
Đối với doanh nghiệp: Góp phần giảm thiểu biến động lao động; năng suất lao động được cải thiện; được khách hàng đánh giá cao, cơ quan quản lý nhà nước, người lao động ghi nhận…
Đối với cơ quan quản lý Nhà nước: Góp phần ổn định tình hình quan hệ lao động, an ninh, trật tự; môi trường kinh doanh tốt, thu hút đầu tư.
Với tổ chức Công đoàn: Thể hiện được vai trò thực chất trong mắt người lao động; sự tin tưởng, xây dựng được lòng tin với người sử dụng lao động; đánh giá đúng vai trò trong quan hệ lao động (từ phía Cơ quan quản lý Nhà nước).

Bà Hằng cho biết, trong quá trình tiếp cận người lao động, Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng đã phát triển đoàn viên hơn 1.000 đoàn viên và thành lập 4/7 công đoàn cơ sở, nâng tổng số doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn tham gia TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp là 17/20 đơn vị.

Về nội dung của bản thỏa ước, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng cho biết: Qua đàm phán, mức tiền ăn ca tối thiểu được tăng từ 19.000 đồng tăng lên 22.000đồng/ người/ bữa; đảm bảo thời giờ làm việc trong tháng ít nhất có 1 tuần làm việc 40 giờ; cam kết thực hiện đúng về lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Tỷ lệ tăng lương cho người lao động không đạt các tiêu chí đánh giá hàng năm sẽ được tăng từ 1-3% để động viên người lao động phấn đấu tốt hơn.

Tiền thưởng Tết thấp nhất là 1 tháng lương thứ 13 và đảm bảo tỷ lệ thưởng năm sau cao hơn năm trước (không phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm); tiền lương hỗ trợ người lao động đi làm đủ các ngày thứ 7 trong tháng sẽ được trả 150% lương cơ bản. Nghỉ hè từ 1-3 ngày. Phụ cấp xăng xe là 400.000 đồng/người/tháng. Lao động nữ nếu làm việc trong thời gian kinh nguyệt sẽ được tính tiền lương thêm giờ hoặc quy đổi thêm thành ngày nghỉ phép năm…

Tại Quảng Ninh, đại diện Liên đoàn Lao động thành phố Hạ Long cho biết: TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp Du lịch – dịch vụ là bản thỏa ước nhóm đầu tiên tại tỉnh và cũng là lần đầu tiên trong cả nước. Sau 1 năm thực hiện TƯLĐTT nhóm, đến nay trên địa bàn thành phố đã có 28 doanh nghiệp tham gia đăng ký, nâng số người lao động được hưởng các chế độ do TƯLĐTT mang lại từ 3.600 người lên 4.500 người. Kết quả này, mở ra mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn thành phố, tạo tiền đề để Liên đoàn Lao động thành phố tiếp tục xây dựng, thương lượng TƯLĐTT nhóm ngành nghề khác.

Kinh nghiệm từ các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm cho rằng: Bản Thỏa ước nhóm ký kết chính là cơ sở pháp lý quan trọng để người sử dụng lao động và đại diện tập thể người lao động cam kết thực hiện tốt các nội dung đã thương lượng thành, nhằm kịp thời hạn chế tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể không đáng có xảy ra. Thiết lập quy tắc chung, tạo nên một mức sàn chung tối thiểu để các doanh nghiệp có cơ sở để xây dựng thêm các chính sách có lợi hơn so với luật quy định cho người lao động. Hoạt động cũng được nhìn nhận tiết kiệm thời gian thương lượng, chi phí cho doanh nghiệp và người lao động.

Tại thành phố Đà Nẵng, ông Hoàng Hữu Nghị - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố cho biết, thành phố lựa chọn nhóm doanh nghiệp du lịch để ký kết TƯLĐTT vì đây là nhóm ngành trọng tâm trong phát triển kinh tế của Đà Nẵng. Một TƯLĐTT với các công ty du lịch sẽ có tác động nhiều hơn so với các ngành khác. Nội dung của TƯLĐTT nhóm chỉ quy định mức sàn về chế độ và chính sách đối với người lao động để cho các doanh nghiệp du lịch có điều kiện tham gia, phù hợp với quy mô, tính chất, điều kiện của từng doanh nghiệp.

“Với hình thức và cách làm trên đã làm cho người lao động và người sử dụng lao động tham gia, tạo điều kiện để các bên dễ dàng chấp nhận điều kiện của nhau, mục đích là vì quyền lợi của người lao động và cuối cùng là sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và sự phát triển đi lên của ngành du lịch – dịch vụ thành phố”, ông Hoàng Hữu Nghị khẳng định.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dam-bao-loi-ich-cho-tat-ca-cac-ben-99437.html