Đảm bảo lợi ích kinh tế và môi trường vùng nuôi tôm

Mặc dù khẳng định được hiệu quả kinh tế, nhưng hình thức nuôi tôm công nghệ cao tác động đến môi trường, vì nguồn nước và thức ăn thải ra bên ngoài ao nuôi tôm là rất lớn. Ý thức được vấn đề trên, nhiều cơ sở, hộ nuôi tôm công nghệ cao đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải hoàn chỉnh, ngay từ khi bắt đầu triển khai và phát triển hình thức nuôi tôm công nghệ cao, nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế và môi trường tại khu nuôi, vùng nuôi.

Đến tham quan khu vực nuôi tôm của ông Lý Văn Rắt, ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đúng lúc ông đang kiểm tra hệ thống xả thải từ ao nuôi tôm ra bên ngoài ao lắng lọc. Ông Rắt nhiệt tình đưa chúng tôi đi tham quan toàn bộ khu nuôi tôm của gia đình có diện tích hơn 49.000m2, nhưng có đến 90% diện tích được đầu tư xây dựng ao lắng, ao sẵn sàng, ao xử lý hóa học. Còn ao nuôi chỉ có 3 ao, tổng diện tích 3.600m2 (1.200m2/ao) và 1 ao ươm, diện tích 300m2. Thực tế cho thấy, toàn bộ khu nuôi tôm được hộ nuôi thiết kế bài bản, kèm theo cả sơ đồ nuôi đặt phía trước chòi canh tôm.

Ông Lý Văn Rắt, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) kiểm tra hệ thống xả thải trong khu vực nuôi tôm của gia đình. Ảnh: THÚY LIỄU

Ông Lý Văn Rắt, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) kiểm tra hệ thống xả thải trong khu vực nuôi tôm của gia đình. Ảnh: THÚY LIỄU

Đồng thời, ông Rắt nuôi theo quy trình thâm canh 3 giai đoạn, ao nuôi tôm được lót bạt đáy. Theo đó, khi thực hiện xi phông thay nước cho ao nuôi tôm thì vỏ tôm, phân tôm và nguồn thức ăn thừa trong ao nuôi sẽ được tách riêng bằng túi lọc, còn nguồn nước được thải ra kênh chứa thải và nguồn nước tại ao chứa thải. Kể cả nguồn nước từ bên ngoài môi trường, trước khi lấy vào phục vụ trong các ao nuôi, ao ươm tôm, đều phải trải qua 6 ao lắng và qua ao xử lý hóa học. Sau khi nguồn nước đầu ra, đầu vào đã được ao xử lý hóa học “hoàn hảo” loại bỏ hết các tạp chất, sẽ được đưa vào ao sẵn sàng để cung cấp nguồn nước chất lượng cho ao ươm hoặc ao nuôi. Chính nhờ hệ thống xử lý nước tuần hoàn theo chuỗi khép kín, chất thải trong nuôi tôm không bị thải ra bên ngoài môi trường, tôm nuôi sinh trưởng tốt và giảm rủi ro dịch bệnh. Đây là mô hình nuôi tôm công nghệ cao chuẩn, dành cho hộ nuôi tôm tại địa phương.

Ông Lý Văn Rắt chân tình chia sẻ: “Trước đây, tôi nuôi tôm theo hình thức truyền thống nên tôm thường ảnh hưởng dịch bệnh do yếu tố thời tiết và nguồn nước, dẫn đến một số dịch bệnh phổ biến trên tôm như: nhiễm khuẩn đường ruột, bệnh phân trắng. Tuy nhiên, hơn 2 năm trở lại đây, tôi chuyển sang hình thức nuôi tôm công nghệ cao, kết hợp đầu tư hoàn thiện hệ thống khu vực nuôi tôm, từ các ao lắng, lọc, ao xả thải… và nuôi tôm theo chuỗi khép kín nên tôm phát triển tốt, hạn chế nhiều dịch bệnh. Nhờ đó, qua nhiều vụ nuôi tôm, tôm luôn đạt năng suất cao, chất lượng tốt. Dự kiến, trong năm 2022, sản lượng tôm nuôi ước đạt khoảng 20 tấn/3.600m2”.

Đồng chí Quách Thị Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng thông tin: “Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có hơn 4.000ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, tập trung chủ yếu ở các trang trại và hộ nuôi trên địa bàn các huyện: Trần Đề, Long Phú, Cù Lao Dung và thị xã Vĩnh Châu. Qua số liệu khảo sát của ngành chuyên môn, khối lượng chất thải trong hoạt động nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh tương đối lớn, khoảng 4,81 - 6,93 triệu m3/năm. Đối với bùn thải, nước thải từ 433,2 - 563,1 triệu m3/năm. Lượng chất thải nuôi tôm phát sinh, nếu không được thu gom, xử lý đúng quy định sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường. Từ hiện trạng này, cùng với sự hỗ trợ về quy trình kỹ thuật và nguồn vốn tín dụng, để phát triển các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành công văn chỉ đạo về việc tăng cường quản lý các cơ sở nuôi, hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh để vừa bảo vệ môi trường, vừa nuôi tôm hiệu quả và chấp hành tốt các quy định về đảm bảo môi trường trong nuôi tôm”.

“Bên cạnh đó, để duy trì môi trường chung cho vùng nuôi tôm phát triển, cũng như phát huy tính cộng đồng trong bảo vệ môi trường vùng nuôi tôm, ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang củng cố, thành lập mới các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, để kinh tế tập thể phát triển lớn mạnh, tạo mối liên kết vùng nuôi tôm bền vững. Cùng với đó, liên kết các doanh nghiệp, người dân để bố trí mô hình nuôi tôm phù hợp trong từng giai đoạn và từng thời điểm nuôi tôm. Triển khai sổ tay hướng dẫn đến hộ nuôi tôm, về các quy định cơ bản để người dân biết được từ thiết kế ao nuôi, đăng ký mã số chủ lực cũng như các quy trình kỹ thuật. Từ đó, người dân đảm bảo chấp hành đúng luật quy định, cũng như đảm bảo các quy định của địa phương, nhằm nuôi tôm hiệu quả...” - đồng chí Quách Thị Thanh Bình cho biết thêm.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/dam-bao-loi-ich-kinh-te-va-moi-truong-vung-nuoi-tom-61012.html