Đảm bảo môi trường giáo dục dân chủ, công khai, minh bạch
Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đảm bảo môi trường giáo dục dân chủ, công khai, minh bạch, tạo động lực quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
Cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở; ngành đã lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban chức năng của Sở và các đơn vị trực thuộc triển khai kịp thời, hiệu quả, xây dựng quy chế làm việc phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị; quy chế phối hợp hoạt động giữa chính quyền cơ quan và Ban chấp hành Công đoàn cơ quan.
Ông Cầm Văn An, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Việc lấy ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức được ngành thực hiện đúng quy trình trước khi trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Các nội dung đều được đăng tải, niêm yết công khai trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, của tỉnh để lấy ý kiến của nhân dân. Kịp thời tiếp thu ý kiến phản hồi của người dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân trong thực thi nhiệm vụ. Thường xuyên, định kỳ công khai đối thoại và tiếp xúc và tạo điều kiện cho người dân được tham gia, giám sát các hoạt động của ngành.
Cùng với đó, Sở đã thông báo công khai số điện thoại đường dây nóng, hòm thư góp ý, ban hành quy chế tiếp nhận và xử lý thông tin qua điện thoại đường dây nóng. Thực hiện niêm yết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết, nội quy tiếp công dân tại trụ sở. Chánh Thanh tra Sở trực tiếp tham mưu cho Ban Giám đốc giải quyết các đơn thư thuộc thẩm quyền theo đúng quy định, không để xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, không có đơn thư, khiếu nại kéo dài, việc giải quyết đảm bảo về trình tự, thủ tục, đúng quy định của pháp luật. Nhờ đó, nền nếp, kỷ cương của các đơn vị, trường học được đảm bảo, tạo sự đoàn kết trong nội bộ nhà trường, sự đồng thuận của cha mẹ học sinh và xã hội.
Tìm hiểu thực tế tại Trường tiểu học Chiềng Lề (Thành phố), cô giáo Nguyễn Thị Quế, Hiệu trưởng, chia sẻ: Ban Giám hiệu đã phối hợp với Công đoàn tổ chức hội nghị cán bộ viên chức; cuối năm học đều tổ chức đánh giá tổng kết hoạt động theo đúng quy định. Qua các cuộc họp, hội nghị, các nội dung, vấn đề quan trọng của nhà trường đều được đưa ra bàn bạc, thống nhất trong cán bộ giáo viên để triển khai thực hiện. Các thông tin, thông báo tuyển sinh, văn bản liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp và trách nhiệm của cán bộ, viên chức đều được công khai rõ ràng, đầy đủ.
Hiện nay, thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực GD&ĐT gồm: 69 thủ tục cấp tỉnh, 42 thủ tục cấp huyện và 5 thủ tục cấp xã. Từ đầu năm đến nay, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở GD&ĐT đã tiếp nhận và xử lý 487 hồ sơ. Trong đó, giải quyết 480 hồ sơ (sớm hơn thời hạn 416 hồ sơ, đúng thời hạn 64 hồ sơ); đang giải quyết 1 hồ sơ; từ chối 6 hồ sơ (do không đúng thẩm quyền giải quyết). Không có phát sinh ý kiến kiến nghị, phản ánh của cá nhân, tổ chức đối với giải quyết thủ tục hành chính.
Ngành đã tham mưu với UBND tỉnh cho chủ trương đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ, thành tựu mới của khoa học, công nghệ, khoa học giáo dục vào đổi mới công tác quản lý giáo dục và tổ chức dạy học; xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế IMS tích hợp ISO 9001:2015 với ISO 21001:2018 tại sở GD&ĐT. Ban hành kế hoạch triển khai thí điểm và toàn diện giáo dục STEM/STEAM tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT giai đoạn 2020-2025. Tập trung thực hiện phương châm đánh giá đúng, thực chất, công bằng, khách quan chất lượng giáo dục; trong đó, đánh giá tại các lớp đầu cấp. Xây dựng chủ trương đổi mới tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 từ năm học 2021-2022, từng bước hạn chế “bệnh thành tích” ở cấp THCS.
Qua triển khai thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đã tạo môi trường bình đẳng cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhân viên và người lao động trong ngành GD&ĐT công tác, cống hiến, trưởng thành, tạo môi trường giáo dục lành mạnh, công bằng, nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng thực chất.