Đảm bảo nguồn cung hàng hóa, ổn định thị trường cuối năm
Càng gần cuối năm, hoạt động dịch vụ thương mại trên địa bàn tỉnh càng trở nên sôi động. Đây cũng là thời điểm thị trường có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng gia tăng hoạt động buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Nhằm ngăn ngừa tình trạng trên và bảo đảm bình ổn thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường đã tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Lực lượng QLTT tích cực tuyên truyền, tổ chức cho cơ sở kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Càng về cuối năm, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, quy luật hoạt động để ngụy trang, che giấu hành vi buôn bán, vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng. Sự phát triển của thương mại điện tử cũng thúc đẩy hoạt động mua bán trực truyến, việc giao nhận hàng thông qua các doanh nghiệp chuyển phát nhanh trở nên phổ biến. Lợi dụng điều này, các đối tượng đã mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng hóa trái phép, trà trộn hàng giả với hàng thật, thay đổi nhãn mác để lừa dối người tiêu dùng. Gần đây nhất, ngày 27/10 vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 8, Cục QLTT tỉnh đã tổ chức giám sát việc tiêu hủy hơn một nghìn sản phẩm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu quần áo YODY, trị giá hàng hóa vi phạm trên 61 triệu đồng, số hàng hóa thu giữ từ bà Nguyễn T.T.N (huyện Đoan Hùng) vào tháng 9/2022. Trường hợp này đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (đối với hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu) với số tiền 45 triệu đồng, đồng thời buộc phải tiêu hủy toàn bộ số hàng trên.
Bên cạnh đó, tình trạng buôn bán, vận chuyển động vật, thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm có dấu hiệu gia tăng vào những tháng cuối năm. Liên tiếp những ngày cuối tháng 10, lực lượng QLTT đã kiểm tra, phát hiện, thu giữ hơn 300kg nội tạng bò (lòng, gan, dạ dày…) đã bốc mùi hôi thối, đang trên đường đưa đi tiêu thụ trên địa bàn xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông. Những vụ việc này đã bị xử phạt vi phạm hành chính và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm theo quy định pháp luật.
Chỉ riêng tháng 10/2022, trong số 240 vụ được lực lượng chức năng kiểm tra đã phát hiện 170 vụ vi phạm, chủ yếu tập trung vào một số hành vi như kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không niêm yết hoặc niêm yết giá hàng hóa không rõ ràng… Tổng số tiền xử phạt hơn 370 triệu đồng.
Ông Dương Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Bên cạnh các kế hoạch kiểm tra định kỳ, thời gian qua đơn vị cũng chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, kiên quyết không để xảy ra tình trạng găm hàng, đẩy giá, đảm bảo giữ ổn định giá cả các mặt hàng, đặc biệt là nhu yếu phẩm.
Thu giữ, tiêu hủy nội tạng động vật không đảm bảo vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Bám sát diễn biến thị trường cuối năm
Nắm rõ quy luật thị trường và bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả của tỉnh (Ban Chỉ đạo 389); Cục QLTT đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ nơi phát luồng hàng hóa lớn là các cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương bám nắm thông tin, xử lý những vấn đề phát sinh. Để thuận lợi trong việc tiếp nhận các phản ánh về hàng hóa thị trường, Cục QLTT cũng duy trì các tổ thường trực, công bố rộng rãi số điện thoại đường dây nóng, đảm bảo thông suốt 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý thông tin cuộc gọi của người dân phản ánh về các hành vi liên quan đến việc niêm yết giá bán, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán hàng hóa bất hợp lý.
Trong những năm gần đây, ngành QLTT cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là nhóm hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng như dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, rượu, thuốc lá… Bên cạnh đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng QLTT cũng phối hợp với các lực lượng chức năng, nhân dân đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp không tham gia và tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất, mua bán, hàng cấm, hàng giả và cùng tham gia công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tổ chức cho cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết “Không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng”. Đồng thời, định kỳ hàng tuần khảo sát tình hình thị trường về cung cầu và giá các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá và các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, từ đó phát hiện những vấn đề bức xúc, nổi cộm để có biện pháp xử lý kịp thời.
Trong 10 tháng của năm 2022, Cục QLTT đã kiểm tra, kiểm soát 1.295 vụ, phát hiện, xử lý sai phạm hành chính 833 vụ, tổng số tiền nộp ngân sách Nhà nước gần 2,6 tỷ đồng.
Ông Hà Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Từ nay tới cuối năm, Cục QLTT - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành và thành viên Ban Chỉ đạo tham mưu thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành trong trường hợp cần thiết để kiểm tra, xử lý các vụ việc phức tạp, đa ngành, đa lĩnh vực hoặc các mặt hàng, địa bàn tiềm ẩn các yếu tố phức tạp. Đồng thời phối hợp với các ngành liên quan để thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực chủ chốt, các ngành hàng, mặt hàng thiết yếu, bảo vệ thị trường, quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, người tiêu dùng... góp phần ổn định thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Huy Lê