Đảm bảo nguồn điện phục vụ sản xuất

An Minh (Kiên Giang) là huyện ven biển có điều kiện tự nhiên thích hợp để nuôi tôm. Nhằm phục vụ nhu cầu nuôi tôm của người dân, nhất là phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp, những năm qua, UBND huyện An Minh phối hợp ngành điện đầu tư hệ thống lưới điện về nông thôn. Đến nay, hệ thống điện đã đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Hồ Văn Chọn, ngụ ấp Hưng Lâm, xã Đông Hưng A, huyện An Minh đúng lúc anh đang thu hoạch tôm đầu vụ năm 2023. Mấy năm gần đây, mô hình nuôi tôm trong ao tròn lót bạt giúp gia đình anh Chọn phát triển kinh tế, trở thành một trong những hộ dân có thu nhập cao ở địa phương.

Hiện tôm thẻ loại 50 con/kg được thương lái thu mua tại vuông giá 129.000 đồng/kg, tăng từ 7.000-10.000 đồng/kg so cùng kỳ năm 2022. Với 3 vuông tôm, mỗi vuông có diện tích 1.000m2, vụ tôm đầu năm nay, anh Chọn dự kiến thu trên 7 tấn tôm, doanh thu trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi trên 500 triệu đồng.

Anh Chọn nói: “So trước đây, hiện nuôi trồng thủy sản ở địa phương không còn vất vả; chi phí sản xuất giảm, năng suất và sản lượng tăng. Một trong những yếu tố chính đóng góp vào thuận lợi này chính là nhờ sự phát triển hệ thống lưới điện phục vụ sản xuất nông nghiệp”.

Ông Nguyễn Duy Lợi (bìa trái) - Phó Giám đốc Điện lực An Minh thăm mô hình nuôi tôm công nghiệp của anh Hồ Văn Chọn, ngụ ấp Hưng Lâm, xã Đông Hưng A, huyện An Minh.

Ông Nguyễn Duy Lợi (bìa trái) - Phó Giám đốc Điện lực An Minh thăm mô hình nuôi tôm công nghiệp của anh Hồ Văn Chọn, ngụ ấp Hưng Lâm, xã Đông Hưng A, huyện An Minh.

Theo anh Chọn, trước đây, nông dân trong huyện nuôi tôm theo hình thức truyền thống, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết tự nhiên, chưa ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhất là chưa đủ điện phục vụ sản xuất dẫn đến chi phí sản xuất cao.

Từ khi chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhất là lưới điện quốc gia kéo về nông thôn hoàn chỉnh, việc bơm tát thuận lợi hơn, người dân mạnh dạn thay đổi tập quán, tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào thực hiện mô hình nuôi tôm công nghiệp 2 giai đoạn đạt hiệu quả cao. “Ngoài lợi ích cho năng suất cao, thời gian chăm sóc rút ngắn, từ khi có điện phục vụ sản xuất, người nuôi tôm kiểm soát kích cỡ, trọng lượng tôm, chi phí bơm tát giảm nên hiệu quả kinh tế nâng lên”, anh Chọn nói.

Điện lực An Minh cho biết, để đảm bảo cung cấp điện cho nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp trên địa bàn huyện, thời gian qua, ngành điện thực hiện cải tạo 4,2km đường dây trung thế 1 pha; xây dựng mới 0,76km đường dây trung thế 1 pha; sửa chữa 6,7km đường dây hạ thế và 3 trạm biến áp với công suất 125kVA.

Bên cạnh đó, ngành điện xây dựng mới 4 trạm biến áp 1 pha và 2 trạm biến áp 3 pha với tổng công suất 80kVA, với tổng mức đầu tư 2,8 tỷ đồng.

Hiện toàn huyện An Minh có 17 điểm nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp, với diện tích 11,5ha, sản lượng 56,52 tấn, năng suất bình quân 4,91 tấn/ha. Ngoài ra, huyện còn có 24 điểm nuôi ương giống 2 giai đoạn, 9 hộ nuôi cua đinh và các mô hình nuôi quảng canh tận dụng điện để bơm tát.

Để phục vụ cho nhu cầu sản xuất của người dân, thời gian qua Điện lực An Minh thực hiện riêng một công trình phát triển lưới điện phục vụ bơm tát cung cấp điện cho các hộ nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp trên địa bàn huyện.

Có điện phục vụ tốt sản xuất, các hộ nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp trên địa bàn huyện An Minh nuôi tôm ngày càng đạt hiệu quả.

Ông Nguyễn Duy Lợi - Phó Giám đốc Điện lực An Minh cho biết: “Với nỗ lực đưa điện về nông thôn, nhất là điện phục vụ phát triển sản xuất ở địa phương, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Công ty Điện lực Kiên Giang, Điện lực An Minh đầu tư xây dựng hàng loạt công trình điện, kịp thời phục vụ sản xuất, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện. Đến nay, Điện lực An Minh đã hoàn thành công trình phát triển lưới điện xóa lõm, xóa điện kế câu phụ tại các vùng xa, vùng thưa dân trên địa bàn huyện”.

Ngoài cung cấp điện đảm bảo cho sản xuất, Điện lực An Minh còn nỗ lực đảm bảo cung cấp điện sinh hoạt cho người dân. Hiện toàn huyện có 1.225 hộ dân sử dụng điện sinh hoạt, đạt 99%, rút dần khoảng cách giữa thành thị với nông thôn. Có điện, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, tình hình an ninh, trật tự ở nông thôn được giữ vững.

Từ những kết quả thực tiễn trên, Điện lực An Minh nói riêng, ngành điện Kiên Giang nói chung đã góp phần cùng địa phương hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới theo đúng kế hoạch đề ra.

Bài và ảnh: HUỲNH LÀI

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//kinh-te/dam-bao-nguon-dien-phuc-vu-san-xuat-12729.html