Đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân các tỉnh miền Trung
Bộ Công thương cho biết, tại 4 tỉnh miền Trung đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của mưa lũ, nhiều doanh nghiệp đã dự trữ hàng hóa để phục vụ nhân dân.
Cụ thể, tại Quảng Bình, 10 doanh nghiệp đã tham gia dự trữ hơn 6,7 tỷ đồng tiền hàng, gồm: Coop mart Quảng Bình; Vinmart Quảng Bình; Siêu thị Thái Hậu; Siêu thị Diên Hồng…Các mặt hàng dự trữ chủ yếu gồm: Mỳ ăn liền 63.700 thùng; Lương khô 12.600 thùng; Gạo 1.175 tấn; Nước uống đóng chai 17.500 thùng; Các mặt hàng lương thực, thực phẩm khác 1.700 tấn.
Ngoài ra, xăng dầu, tôn lợp, tấm lợp, đinh vít, dây thép… cũng được doanh nghiệp chuẩn bị sẵn trong kho để phục vụ người dân sửa chữa lại nhà cửa khi có nhu cầu.
Tương tự, tại tỉnh Quảng Trị, các doanh nghiệp thương mại lớn trên địa bàn cũng dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trị gái khoảng 13,895 tỷ đồng. Tại Thừa Thiên Huế, công tác dự trữ hàng hóa được nhiều doanh nghiệp thực hiện nhằm góp phần đảm bảo cuộc sống của bà con nhân dân trong và sau mưa lũ. Tại tỉnh Quảng Nam, tổng số hàng hóa dự trữ quy đổi ra tiền đạt khoảng 6,496 tỷ đồng.
Bộ Công Thương cho biết, việc dự trữ hàng hóa của các địa phương được thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, để hàng hóa đến tay người dân nhanh nhất. Bên cạnh việc chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương có phương án và thực hiện dự trữ hàng hóa tiêu dùng, Bộ Công Thương cũng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm soát thị trường, tránh trường hợp tăng giá bất thường, đặc biệt là các mặt hàng nhu yếu phẩm.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu Sở Công Thương các địa phương trong trường hợp mưa lũ diễn biến phức tạp, ảnh hưởng diện rộng nằm ngoài khả năng kiểm soát, Sở Công Thương các tỉnh cần báo cáo gấp Bộ Công Thương để có phương án điều hàng ngay từ các tỉnh, doanh nghiệp phân phối lớn ở khu vực lân cận để kịp thời cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân.
Hiện các sở Công thương các tỉnh trong vùng trong vùng chịu ảnh hưởng đang phối hợp với đơn vị liên quan đôn đốc, rà soát các đầu mối doanh nghiệp về lượng hàng hóa cung ứng trên thị trường và tiến hành cung ứng đến địa bàn bị chia cắt, cô lập, chỉ đạo khắc phục nhanh các chợ để sớm hoạt động mua bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân.