Đảm bảo nước hợp vệ sinh cho đồng bào dân tộc thiểu số

Dù còn nhiều vướng mắc, nhưng sau gần 4 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) ở Điện Biên, nhiều công trình, dự án đã phát huy hiệu quả, nhất là Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Công nhân công ty cổ phần cấp nước Điện Biên thi công công trình nước sạch cho người dân. Ảnh: Mai Hương

Công nhân công ty cổ phần cấp nước Điện Biên thi công công trình nước sạch cho người dân. Ảnh: Mai Hương

Tỉnh Điện Biên có dân số khoảng 625.089 người với 19 dân tộc anh em cùng chung sống là nơi hội tụ đa bản sắc văn hóa, trong đó dân tộc Mông chiếm 38,12%, dân tộc Thái 35,69%, dân tộc Kinh là 20%, còn lại là các dân tộc khác. Năm 2024, Dự án 1 Chương trình MTQG 1719 tiếp tục nỗ lực giải quyết hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân.

Để thực hiện tốt nội dung trên, những năm qua, các cấp, ngành tỉnh Điện Biên luôn quan tâm đảm bảo nguồn nước sạch, an toàn cho người dân, nhất là ở khu vực nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 85% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn, từ các nguồn vốn khác nhau, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng tại các địa phương trong tỉnh như: huyện Mường Ảng, Nậm Pồ, huyện Điện Biên…

Hiện toàn tỉnh có gần 1.100 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, bảo đảm cấp nước sạch cho gần 100% dân số khu vực thành thị và cấp nước hợp vệ sinh cho 85% dân số khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực và nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng dân cư như: trồng rừng, tuyên truyền các nội dung về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước.

Theo ông Thào A Lử, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Tủa Chùa, triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, huyện Tủa Chùa đã triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên. Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả các dự án hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Để thực hiện tốt nội dung trên, huyện Tủa Chùa đã cấp phát 1.694 téc nhựa chứa nước, dung tích 1.000 lít/téc cho hộ nghèo, khó khăn về nước sinh hoạt trong toàn huyện. Hiện nay, tổng số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 10.358/12.243 hộ, chiếm 84,6%. Tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước tập trung chiếm 63,6%. Tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước quy mô nhỏ lẻ 21%.

Các em học sinh tham gia trò chơi nhảy sạp trong Chương trình “Vui Tết các dân tộc” do Nhà trường tổ chức thường niên trong dịp đầu năm mới trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Ảnh: Linh Nhi.

Các em học sinh tham gia trò chơi nhảy sạp trong Chương trình “Vui Tết các dân tộc” do Nhà trường tổ chức thường niên trong dịp đầu năm mới trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Ảnh: Linh Nhi.

Còn tại thành phố Điện Biên Phủ, thực hiện Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021 – 2024 thành phố được phân bổ tổng nguồn vốn là hơn 57 tỷ đồng. Từ nguồn lực của Chương trình, nhiều dự án đã được đầu tư xây dựng, đã hoàn thành đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả tích cực. Cụ thể, đối với nội dung “Hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung” thuộc Dự án 1, thành phố Điện Biên Phủ đã hoàn thành 5 công trình, giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao trong năm 2023. Các công trình nước sinh hoạt tập trung được xây dựng ở bản Vang, bản Kéo xã Pá Khoang; công trình ở bản Phiêng Lơi, Nà Nghè và bản Tân Quang, xã Thanh Minh hoàn thành đã giúp hàng trăm hộ dân được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Ông Giàng A Dình, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Điện Biên cho biết, Chương trình MTQG 1719 đạt hiệu quả tích cực. Sau gần 4 năm triển khai thực hiện với 10 dự án thành phần, Chương trình đã làm thay đổi đáng kể diện mạo địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát triển kinh tế văn hóa - xã hội nơi đây. Đối với các dự án phát triển kinh tế, Chương trình đã thực hiện hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề 217 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán 12.296 hộ, đầu tư 46 công trình nước sinh hoạt tập trung (dự án 1). Đầu tư 7 dự án sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư cho 466 hộ (dự án 2). Hỗ trợ bảo vệ rừng đối với rừng quy hoạch là rừng phòng hộ 5.374 ha. Hỗ trợ trồng rừng phòng hộ 66 ha; hỗ trợ trồng rừng sản xuất 983 ha; thực hiện 98 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, 514 dự án phát triển sản xuất cộng đồng (dự án 3).

Thanh Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dam-bao-nuoc-hop-ve-sinh-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-10291886.html