Đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng từ mô hình chợ văn minh
Mô hình chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm đã góp phần duy trì môi trường kinh doanh an toàn, văn minh, đảm bảo tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động ở huyện Thanh Trì.
Chợ Cầu Bươu nằm trên đường 70, thuộc địa bàn xã Tả Thanh Oai, có giao thông thuận lợi. Chợ Cầu Bươu là một trong những chợ đạt tiêu chí Chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm của huyện Thanh Trì. Chợ được đưa vào hoạt động từ tháng 1/2016.
Đây là chợ loại 1, được xây dựng với quy mô hơn 500 điểm kinh doanh. Chợ được quy hoạch, thiết kế, xây dựng quy củ, phù hợp với văn hóa kinh doanh, mua bán của người dân địa phương với đường đi, lối lại thông thoáng, thuận tiện. Chợ được chia thành các khu, ngành hàng như: Khu bán hàng thực phẩm, hoa quả, đồ gia dụng, quần áo, giày dép,...
Năm 2021, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì ban hành bộ tiêu chí đánh giá chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện, với mục đích thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nếp sống văn minh đô thị; quản lý, phát triển hệ thống chợ trên địa bàn theo hướng văn minh thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hệ thống chợ trên địa bàn.
Nắm bắt được chủ trương của huyện, Ban quản lý chợ Cầu Bươu đã tập trung triển khai, bám sát, chủ động thực hiện các tiêu chí của huyện đề ra. Triển khai thực hiện đồng bộ các tiêu chí như vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy,…
Năm 2024, chợ Cầu Bươu được Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì công nhận là Chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm. Các hộ kinh doanh trong chợ đều có giấy phép kinh doanh, biển kinh doanh được treo ngay trước điểm bán hàng; được tập huấn về an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy.
Ban quản lý cũng xây dựng một khu tâm linh chung cho các hộ kinh doanh, nghiêm cấm các hoạt động thắp hương, cúng lễ tại quầy. Năm 2021, chợ Cầu Bươu được Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Đối với công tác an toàn thực phẩm, Ban quản lý chợ đã yêu cầu các chủ hộ kinh doanh ký cam kết kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Các hộ kinh doanh thịt, phải để trên bàn inox cao; kinh doanh rau, hoa quả phải để trên giá, kệ cao.
Anh Nguyễn Văn Thành, chủ một cửa hàng tạp hóa cho biết, trong gần 7 năm kinh doanh tại chợ, anh cùng các tiểu thương luôn được Ban quản lý chợ quan tâm, hướng dẫn buôn bán kinh doanh, đảm bảo văn minh thương mại, kinh doanh hàng hóa có xuất xứ rõ ràng với giá cả hợp lý. Đặc biệt là được tập huấn phòng cháy chữa cháy định kỳ mỗi năm 2 lần.
Có thể thấy xây dựng mô hình chợ văn minh thương mại, thực phẩm an toàn không chỉ đưa hoạt động kinh doanh buôn bán của chợ Cầu Bươu vào quy củ hơn, mà còn nâng cao ý thức, trách nhiệm về an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy của các tiểu thương. Chợ đã trở thành môi trường kinh doanh thương mại an toàn, thân thiện, văn minh. Nhờ đó, quyền lợi người mua hàng được đảm bảo.
Chợ Thanh Liệt có hơn 130 hộ kinh doanh đang hoạt động. Là chợ truyền thống, nhưng chợ Thanh Liệt được thiết kế, bố trí khoa học, hợp lý, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, mua bán của bà con nhân dân. Lối đi trong chợ rộng rãi, sạch sẽ, thoải mái cho xe máy, xe đạp và người đi bộ di chuyển mà không phải chen lấn.
Hàng hóa được sắp xếp theo từng khu, tất cả đều được bày bán trên các giá, kệ đặt trên bục bệ cao hơn ít nhất 30cm so với mặt đất. Mỗi quầy hàng đều được gắn biển tên, ngành hàng và số điện thoại của người bán hàng. Đặc biệt, quầy hàng nào cũng có mã QR để phục vụ khách hàng muốn thanh toán trực tuyến…
Để có một ngôi chợ văn minh thương mại như hiện nay, Ban quản lý chợ đã kiên trì vận động, tuyên truyền để các hộ kinh doanh đúng ngành hàng, không nhập hàng về ồ ạt, không bán phá giá và cạnh tranh không lành mạnh. Từ đó tạo thói quen cho người tiêu dùng khi mua hàng.
Chị Nguyễn Thị Liên, một người dân ở Thanh Liệt cho biết, nhờ có khu chợ mới, đảm bảo, nên gia đình chị và bà con ở xã yên tâm hơn. Đặc biệt là việc các gian hàng đều có mã QR và niêm yết giá nên không sợ bị mua đắt. Hàng hóa cũng được đảm bảo chất lượng, khiến người dân yên tâm khi mua.
Đến nay, chợ hoạt động trật tự, các hộ kinh doanh đều vui vẻ, đoàn kết, khách của ai người đó bán, nhờ thế mà lượng khách tới chợ ngày càng đông hơn. Năm 2023, chợ Thanh Liệt là chợ truyền thống duy nhất của huyện Thanh Trì có 2 năm liền đạt tiêu chí Chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Anh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì, trên địa bàn huyện có 22 chợ đang hoạt động. Năm 2021, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì ban hành bộ tiêu chí đánh giá Chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện với mục đích thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nếp sống văn minh đô thị; quản lý, phát triển hệ thống chợ trên địa bàn theo hướng văn minh thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hệ thống chợ trên địa bàn.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, năm 2022, toàn huyện có 1 chợ Thanh Liệt đạt tiêu chí Chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm. Đến năm 2023, toàn huyện đã có 5 chợ đạt tiêu chí Chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm.
Việc thực hiện Chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm đã bước đầu hình thành và duy trì môi trường kinh doanh an toàn, văn minh, đảm bảo tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động.
Một số chợ kinh doanh tốt, số lượng người buôn bán trong chợ tăng lên so với các năm trước đây như chợ Quỳnh Đô, chợ Thanh Liệt, chợ Cầu Bươu,... Qua đó, làm tăng mức lưu chuyển hàng hóa, tăng thu cho ngân sách địa bàn, góp phần tích cực trong phát triển thương mại dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn
Hiện tại, 100% các chợ đã thành lập đội phòng cháy chữa cháy cơ sở, và được đào tạo, huấn luyện về nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ theo quy định. Công tác an toàn thực phẩm tại chợ từng bước được thực hiện tốt hơn, 100% các hộ tiểu thương ký cam kết an toàn thực phẩm và được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; nhận thức của người dân về thực phẩm an toàn được nâng cao.
Chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn năm 2024, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện ghi nhận những kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn huyện trong thời gian qua. Đồng thời đề nghị trong thời gian tới, các phòng, đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động chợ; tiếp tục thực hiện các nội dung quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để thực hiện đúng thẩm quyền, trách nhiệm được giao;
Tiếp tục triển khai Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025”; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, cấp giấy chứng nhận/ký cam kết đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở, đơn vị kinh doanh thực phẩm trong chợ.
Các xã, thị trấn tổ chức giải tỏa và duy trì giải tỏa, xử lý dứt điểm các điểm bán hàng rong không đảm bảo quy định, không để tồn tại, tạo công bằng cho các tiểu thương kinh doanh trong chợ hoạt động hiệu quả. Tuyên truyền vận động người dân kinh doanh đúng nơi quy định. Tiếp tục tổ chức đánh giá tiêu chí Chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm tại các chợ.