Đảm bảo quyền lợi thí sinh đăng ký tuyển sinh đại học

(ABO) Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), từ ngày 18 đến hết ngày 30-9, Bộ GD-ĐT mở hệ thống đăng ký xét tuyển để các thí sinh (TS) trúng tuyển đại học đợt 1 xác nhận nhập học trực tuyến. Và thông tin từ Bộ GD-ĐT, từ ngày 18 đến 23-9, có khoảng 80% thí sinh trúng tuyển đợt 1 đã xác nhận nhập học lên hệ thống tuyển sinh chung.

TS trúng tuyển vào Trường Đại học Tiền Giang làm thủ tục nhập học.

Về cơ bản đến nay, hệ thống hoạt động trơn tru và tương đối ổn định, mang lại nhiều kết quả tích cực như: Thí sinh được quyền lựa chọn nguyện vọng mình ưu tiên; các trường tập trung dữ liệu để có được kết quả trúng tuyển từ hệ thống; Bộ GD-ĐT có cơ sở dữ liệu thống nhất, minh bạch trong toàn hệ thống và khắc phục nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý.

Trường Đại học Tiền Giang vừa công bố điểm chuẩn xét tuyển bằng hình thức thi tốt nghiệp THPT cho 21 ngành đào tạo đại học và cao đẳng. Trong đó, điểm chuẩn cao nhất thuộc về ngành Giáo dục Tiểu học 24 điểm. Kế đến là Sư phạm Ngữ Văn, Sư phạm Toán với điểm chuẩn 23,25 điểm, Kế toán 21,5 điểm; các ngành còn lại điểm chuẩn dao động từ 15 đến 20 điểm. Ngành Sư phạm Mầm non trình độ cao đẳng có điểm chuẩn 18 điểm. TS làm thủ tục nhập học từ ngày 19-9 đến hết ngày 7-10.

Đặc biệt, tỷ lệ ảo đã giảm mạnh so với nhiều năm, thể hiện qua số lượng TS đã xác nhận nhập học đến thời điểm này. Có thể vẫn có tỷ lệ ảo nhất định do TS trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học bởi một số yếu tố như: Nguyện vọng trúng tuyển không phải nguyện vọng 1 mà chỉ là trúng tuyển ở các nguyện vọng 3, 4; TS trúng tuyển ngành học có mức học phí quá cao nên không đủ điều kiện để theo học… Vì vậy, các TS không xác nhận nhập học đợt 1 và chờ cơ hội xét tuyển bổ sung. Tất cả nội dung này sẽ được Bộ GD-ĐT tổng hợp, phân tích sau khi có dữ liệu đầy đủ.

Bên cạnh những mặt tích cực, cũng đã xảy ra những trục trặc trong quá trình vận hành Hệ thống tuyển sinh. Cô N.T.A., một cán bộ hướng dẫn tuyển sinh tại một trường THPT trên địa bàn TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho biết, để đăng ký xét tuyển đại học, mỗi TS được cấp tài khoản để đăng nhập vào hệ thống và phải thực hiện đúng quy trình gần chục bước với hàng loạt thao tác, nếu sai thì hệ thống không chấp nhận, như: Khai báo, kiểm tra thông tin, nhập thông tin xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng, lưu thông tin... sau đó còn phải thanh toán lệ phí, xác nhận nhập học… Một vấn đề nữa, nếu TS không chú ý về mặt thời gian, chỉ cần sai hay lệch gì thì sẽ mất đi cơ hội xét tuyển.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, sau ngày 30-9, TS trúng tuyển nếu không xác nhận nhập học trên hệ thống xem như không nhập học. Sau đợt tuyển sinh đầu tiên, nếu các trường đại học chưa đủ chỉ tiêu sẽ xét tuyển bổ sung đợt 2. Khác với xét tuyển đợt 1 phải đăng ký qua hệ thống của Bộ GD-ĐT, đợt 2 TS có thể nộp hồ sơ xét tuyển trực tiếp hoặc trực tuyến tại trường thí sinh muốn xét tuyển.

Tuy các lỗi trục trặc trong quá trình vận hành Hệ thống tuyển sinh được khắc phục ngay sau đó và không ảnh hưởng đến kết quả trúng tuyển của TS, nhưng việc thanh toán lệ phí trực tuyến ban đầu cũng gặp một số vấn đề nhưng sau khi kéo dài thời gian và phân luồng thanh toán đã khắc phục tình trạng nghẽn, quá tải…

Ngoài ra, do có quá nhiều phương thức xét tuyển khác nhau đưa vào hệ thống nên trong quá trình đăng ký xét tuyển, TS có sự nhầm lẫn trong việc sắp xếp nguyện vọng. Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn để tổ kỹ thuật, các trường đại học sửa các lỗi nhầm lẫn, sai sót, đảm bảo quyền lợi của TS.

V.P

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202209/dam-bao-quyen-loi-thi-sinh-dang-ky-tuyen-sinh-dai-hoc-960668/