Trải nghiệm Tết với môn học Giáo dục địa phương
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có thêm một số môn học mới, trong đó môn Giáo dục địa phương là môn học bắt buộc đối với cả ba cấp học phổ thông. Học sinh không chỉ học kiến thức mà còn trực tiếp trải nghiệm bằng những giờ học sống động.
Hà Nội thời gian qua đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa môn học này trở nên gần gũi và bổ ích đối với cả người dạy lẫn người học. Học sinh được hướng dẫn và tự tay gói bánh chưng, làm đồ ăn, làm bưu thiếp Tết, tham gia các trò chơi truyền thống như ô ăn quan, nhảy dây, bịt mắt bắt dê…
Tết đã ngập tràn sân trường. Học sinh Trần Bảo Anh, Trường liên cấp Alpha, chia sẻ: “Con cảm thấy rất vui vì có những gian hàng và có cả quán của con. Con cũng được tìm hiểu thêm về gói bánh chưng, các trò chơi dân gian".
Tại một tiết học của các em học sinh lớp 8, Trường THCS Thành Công. Học sinh được khám phá nét đẹp của trang phục truyền thống người Hà Nội qua tiết học về áo dài và áo tứ thân. Học sinh Đặng Linh cho hay: “Con sẽ lên mạng và tìm hiểu xem những bộ trang phục đấy được ra đời như thế nào, hoặc những kiểu dáng trang phục thì có liên quan gì đến trang phục của người Hà Nội hiện tại".
Những buổi học không chỉ là cơ hội để các em tìm hiểu về lịch sử mà còn giúp các em cảm nhận sâu sắc hơn về vẻ đẹp văn hóa của Hà Nội xưa. Học sinh tự tìm hiểu các tranh, ảnh về trang phục xưa của người Hà Nội, tự tay thiết kế, thêm phần sáng tạo và gắn kết với bài học.
Cô giáo Nguyễn Thu Hòa, Trường THCS Thành Công, cho biết: “Đối với tôi, bộ môn giáo dục địa phương không chỉ là bộ môn cung cấp những kiến thức mà còn bồi dưỡng cho các con tình yêu nước, ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng. Thế nên trong các tiết học, tôi luôn luôn cung cấp cho các con những chủ đề. Và trong tất cả bài học của tôi, tôi luôn có những hình ảnh minh họa, video clip để có thể đổi mới phương pháp cho tiết học của mình thêm hấp dẫn. Những tiết học đó thật sự trở nên gần gũi, ý nghĩa với học sinh hơn".
Tuy nhiên, vì là môn học mới nên nhiều trường gặp không ít khó khăn khi triển khai thực hiện. Bà Trần Thị Quỳnh Hương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thành Công, đề xuất: “Bộ Giáo dục và Đào tạo nên phối hợp các sở để có những sự thống nhất khi ban hành bộ tài liệu cho phù hợp với địa phương của từng nơi, từng vùng. Các sở nên tổ chức các buổi tập huấn chuyên sâu cho giáo viên dạy môn Giáo dục địa phương".
Những tiết học như gói bánh chưng hay tìm hiểu trang phục truyền thống không chỉ khơi dậy niềm yêu thích học tập mà còn là cách giáo dục thiết thực, giúp các em học sinh thêm hiểu, thêm yêu mảnh đất nơi mình sinh sống. Đây chính là bước tiến quan trọng trong việc triển khai giáo dục địa phương theo hướng linh hoạt và sáng tạo của các trường học Hà Nội.