Đảm bảo tiến độ dạy học cho học sinh

Sau hơn một tuần học sinh khối 9 và 12 quay lại trường học, đồng thời các khối còn lại của bậc phổ thông cũng vừa tập trung, hoạt động dạy học đã trở lại bình thường. Song song với việc ôn tập và củng cố kiến thức cho học sinh, nhiều phương án dạy học mới đã được thiết lập nhằm đảm bảo chương trình học kỳ 2 năm học 2019-2020.

Học sinh khối 5, Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp) trong ngày đầu tiên trở lại trường sau hơn 3 tháng nghỉ học vì dịch bệnh

Học sinh khối 5, Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp) trong ngày đầu tiên trở lại trường sau hơn 3 tháng nghỉ học vì dịch bệnh

Xây dựng lại nề nếp học tập

Sáng 12-5, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Bùi Duy Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận 1), cho biết, tỷ lệ học sinh ở 3 khối 1, 2, 3 tập trung trong ngày đầu đi học trở lại đạt 95%, trước đó với hai khối 4, 5 (tập trung từ ngày 8-5) cũng đạt tỷ lệ hơn 96%.

Nhìn chung, học sinh đến trường với tâm lý háo hức được gặp lại thầy cô, bạn bè sau 3 tháng tạm nghỉ học vì dịch Covid-19. Bên cạnh các hoạt động hướng dẫn học sinh cách đeo khẩu trang, rửa tay với dung dịch sát khuẩn, nhà trường còn lồng ghép các nội dung tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh vào các hoạt động trò chơi, kể chuyện trên lớp nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học sinh. Trường sẽ dành 2 tuần lễ đầu để rà soát, ôn tập kiến thức, sau đó giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp với trình độ của học sinh từng khối, lớp, phụ đạo riêng những học sinh chưa theo kịp chương trình. Ngoài ra, nhà trường tiếp tục duy trì hình thức dạy học trực tuyến thông qua việc giao bài tập, tự ôn tập kiến thức tại nhà để nâng cao hiệu quả học tập cho học sinh.

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Gò Vấp), Hiệu trưởng Nguyễn Kim Phượng bày tỏ, trong 2 tuần đầu học sinh quay lại trường học, các giáo viên sẽ tiến hành khảo sát kết quả học trực tuyến trong thời gian nghỉ học vì dịch bệnh, từ đó tổ chức cho học sinh ôn tập, củng cố kiến thức. Từ tuần lễ thứ 3 trở đi, hoạt động dạy học trở lại bình thường theo kế hoạch phân bổ chương trình; riêng học sinh hai khối 4, 5 sẽ có bài kiểm tra giữa học kỳ 2.

Thầy Võ Thanh Sơn, giáo viên chủ nhiệm lớp 5/5, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết, học sinh sẽ được rèn lại nề nếp sinh hoạt và thói quen học tập sau hơn 3 tháng nghỉ học. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn cho các em, thay cho các hoạt động vui chơi, tập trung đông người trong giờ ra chơi, giáo viên sẽ tổ chức các hoạt động đọc sách, chơi cờ, thư giãn tại chỗ, giúp học sinh tái tạo năng lượng sau mỗi giờ học.

Đối với bậc THCS, theo ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1), việc Bộ GD-ĐT bỏ quy định về giãn cách học sinh trong lớp học giúp các trường thuận lợi hơn trong công tác tổ chức và phân bổ giáo viên. Kết quả khảo sát trình độ học sinh cho thấy, tỷ lệ học sinh hao hụt kiến thức sau hơn 3 tháng tạm nghỉ học không nhiều. Nhà trường tiến hành song song việc củng cố kiến thức với triển khai chương trình mới, kết hợp phụ đạo những nội dung học sinh còn thiếu. Dự kiến kế hoạch dạy học từ đây đến giữa tháng 7-2020 sẽ tập trung triển khai chương trình chính khóa, giảm thời lượng các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, câu lạc bộ. Tuy nhiên, các giáo viên sẽ đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh thông qua các dự án học tập, nghiên cứu, đảm bảo yêu cầu “học đến đâu, thi đến đó”, không gây áp lực cho học sinh.

Trường học chủ động kế hoạch giảng dạy

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Đức Khanh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Bàng (quận 5), nay là phụ huynh có con đang học lớp 9 trường này, cho biết, nhìn chung hoạt động dạy học đã được tái lập một cách nhẹ nhàng. Ngoài việc ôn tập và củng cố kiến thức, các thầy, cô còn hướng dẫn học sinh phương pháp tự học cho phù hợp với tình hình dạy học mới.

Tại Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh), Hiệu trưởng Nguyễn Bảo Quốc cho biết, tỷ lệ học sinh khối 12 tham gia học trực tuyến trong thời gian tạm nghỉ học vì dịch bệnh đạt hơn 90%, trong đó kiến thức tập trung chủ yếu phần lý thuyết cơ bản. Vì vậy, khi học sinh quay lại trường học, giáo viên sẽ tổ chức cho học sinh ôn luyện và thực hành, bổ sung các yêu cầu nâng cao. Tuy nhiên, đề minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa được Bộ GD-ĐT công bố cho thấy độ khó đề thi được giảm tải, kiến thức tập trung chủ yếu chương trình lớp 12 nên dự báo việc học của học sinh sẽ nhẹ nhàng hơn.

Riêng với hai khối 10 và 11, chương trình học kỳ 2 phân bổ chậm hơn, song với việc Bộ GD-ĐT tinh giản một số nội dung kiến thức trong chương trình giúp giáo viên có thể linh động tổ chức hoạt động dạy học. Năm nay, hầu hết các trường sẽ không tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh theo hình thức đại trà như các năm trước, mà sẽ tập trung một số phương án mũi nhọn phù hợp với nhu cầu lựa chọn ngành nghề và nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường đại học của học sinh.

Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP, hiệu trưởng các trường học được giao quyền chủ động tổ chức hoạt động dạy học phù hợp tình hình thực tế, như tăng cường dạy học 2 buổi/ngày, dạy học vào thứ bảy hoặc kết hợp dạy học trực tiếp (trên lớp) với trực tuyến (tại nhà) để đảm bảo kiến thức cho học sinh.

Ngoài ra, TP cũng có văn bản cho phép các trường khôi phục lại hoạt động căng tin từ giữa tuần này. Song song với các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh như thường xuyên khử khuẩn bề mặt tiếp xúc, bố trí khu vực mua hàng không tập trung đông người, đại diện nhiều trường cho biết, thời gian đầu căng tin chỉ phục vụ học sinh, chưa cho phụ huynh vào trường nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Bên cạnh đó, nhiều trường cũng tăng cường các loại thức uống giải nhiệt như nước sâm, nước cam, chanh tươi… để tăng sức đề kháng cho học sinh.

THU TÂM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dam-bao-tien-do-day-hoc-cho-hoc-sinh-662082.html