Đảm bảo tính hợp hiến, luật hóa được các chính sách của Đảng

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh BĐBP và cụ thể hóa Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chính phủ đã giao Bộ Quốc phòng soạn thảo Dự án Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN). Sau hơn 1 năm xây dựng, Chính phủ đã trình Quốc hội (QH) thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, QH khóa XIV. Bên lề QH, phóng viên Báo Biên phòng đã phỏng vấn bà Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH, đại biểu QH tỉnh Thanh Hóa về một số vấn đề liên quan đến Luật BPVN. Bà Cao Thị Xuân cho biết:

Đại biểu QH Cao Thị Xuân. Ảnh: Viết Hà

Đại biểu QH Cao Thị Xuân. Ảnh: Viết Hà

- Đảng, QH, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có sự quan tâm đặc biệt đến biên giới, xây dựng được nền biên phòng toàn dân vững mạnh, tạo sức mạnh tổng hợp xây dựng, bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, rất cần thiết ban hành một đạo luật có phạm vi điều chỉnh tổng thể, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân, các cấp, các ngành vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ biên giới. Vì vậy, tên gọi Luật BPVN là phù hợp với phạm vi điều chỉnh, thể chế đầy đủ, kịp thời Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia của Đảng, Nhà nước; điều chỉnh toàn diện mối quan hệ, phát triển khu vực biên giới, gắn với nhiệm vụ biên phòng và trách nhiệm các chủ thể có liên quan, trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

- Qua nghiên cứu dự thảo Luật BPVN, đề nghị bà cho biết về tính hợp hiến, sự thống nhất của dự thảo Luật BPVN với các văn bản pháp luật hiện hành?

- Qua nghiên cứu các điều khoản quy định trong dự thảo Luật BPVN cho thấy, các nội dung đã cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành. Đặc biệt, tôi đồng tình với quy định về vị trí, chức năng của BĐBP tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền, đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách biên phòng. Quy định này thể hiện dự thảo luật đã luật hóa được các chủ trương của Đảng đối với BĐBP để thực hiện nhiệm vụ chuyên trách, nòng cốt bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Tuy nhiên, dự thảo Luật BPVN lần đầu trình QH cho ý kiến không thể tránh khỏi những vấn đề còn có quan điểm khác nhau. Do đó, Ban soạn thảo cần rà soát, chỉnh lý nhằm đảm bảo tính khả thi khi được ban hành.

- Hiện nay, có một số ý kiến khác nhau về quy định nhiệm vụ của BĐBP. Quan điểm của bà về những quy định trên như thế nào?

- Quy định tại Điều 14 về nhiệm vụ của BĐBP là phù hợp với thực tiễn hiện nay, thể chế hóa Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. BĐBP là quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, xây dựng lực lượng BĐBP chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Thực tế, hơn 61 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, BĐBP đã thực thi các nhiệm vụ này một cách có hiệu quả, được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, nhân dân cả nước đánh giá cao. BĐBP là nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm vi phạm an ninh quốc gia, đặc biệt tội phạm ma túy, mua bán người, buôn lậu, gian lận thương mại; xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh; thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng biên giới, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp trên thế giới và khu vực, cán bộ, chiến sĩ BĐBP có những hy sinh to lớn, ngăn chặn có hiệu quả dịch lây lan qua biên giới; tuyên truyền cho đồng bào phòng, chống dịch Covid-19.

Về quy định BĐBP tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới đồng bộ, gắn với củng cố quốc phòng - an ninh, đây là nội dung không mới mà đã được BĐBP thực hiện có hiệu quả trên biên giới. Qua công tác giám sát của Hội đồng Dân tộc cho thấy, những nhiệm vụ này đã trở thành “thương hiệu” của BĐBP, được chính quyền địa phương, nhân dân biên giới tin yêu. Trong những năm qua, BĐBP đã có nhiều mô hình, chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc như: “Thầy giáo mang quân hàm xanh”, “Thầy thuốc mang quân hàm xanh”, “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”; thực hiện các dự án xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào; tham gia, hỗ trợ chính quyền củng cố cơ sở chính trị, xây dựng nông thôn mới... Những việc làm này đã tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần nâng cao lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên biên giới, bảo vệ vững chắc “phên dậu” của Tổ quốc.

Trong thời gian tới, khi QH thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030, BĐBP sẽ đóng góp vai trò quan trọng trong thực hiện các mục tiêu đề ra, giúp đồng bào các dân tộc tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống, phát triển vùng biên giới ngày một giàu đẹp.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đức Long, BĐBP Cao Bằng tổ chức cho các cháu học sinh trên địa bàn đi ngoại khóa tìm hiểu tình hình thực tế ở biên giới. Ảnh: Viết Hà

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đức Long, BĐBP Cao Bằng tổ chức cho các cháu học sinh trên địa bàn đi ngoại khóa tìm hiểu tình hình thực tế ở biên giới. Ảnh: Viết Hà

- Có ý kiến cho rằng, quy định trách nhiệm các cơ quan, tổ chức trong thực thi nhiệm vụ biên phòng còn rộng, khó có tính khả thi. Bà nhận định về vấn đề này như thế nào?

- Lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng bao gồm hệ thống chính trị, nhân dân là chủ thể, các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang là nòng cốt; BĐBP là lực lượng chuyên trách bảo vệ biên giới, vấn đề này đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, sự quản lý điều hành của Chính phủ, giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên. Xác định nhiệm vụ biên phòng là của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến cơ sở. Trong đó, hệ thống chính trị các cấp nơi có biên giới đóng vai trò quan trọng, quyết định trong quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới. Còn quy định nhân dân là chủ thể xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới xuất phát từ nghĩa vụ được quy định trong Hiến pháp 2013, thể chế phương châm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới của Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới rộng khắp, toàn diện.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

Viết Hà (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dam-bao-tinh-hop-hien-luat-hoa-duoc-cac-chinh-sach-cua-dang-post429762.html