Đảm bảo tính liên thông, thu phí không dừng mới thông suốt
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, những trạm BOT đã lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng phải vận hành ngay. Các trạm chưa lắp đặt thì chậm nhất đến ngày 31-12-2020 phải thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC). Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, những trạm BOT đã lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng phải vận hành ngay. Các trạm chưa lắp đặt thì chậm nhất đến ngày 31-12-2020 phải thực hiện. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
- PHÓNG VIÊN: Thưa ông, việc thu phí không dừng đã được đề cập từ nhiều năm nay, nhưng tiến độ vẫn rất chậm. Có vẻ như cả chủ đầu tư trạm BOT lẫn người sử dụng đều không mặn mà lắm với thu phí không dừng, mặc dù rõ ràng là hình thức này vừa tiết kiệm được thời gian, vừa tăng tính minh bạch cho hoạt động thu phí?
Ông ĐỖ VĂN SINH: Theo báo cáo mới nhất của Bộ GT-VT gửi đến Quốc hội, đến nay vẫn còn hơn một nửa trong số gần 100 trạm thu phí BOT trên cả nước chưa lắp đặt, vận hành thiết bị thu phí không dừng. Về phía người sử dụng, hiện chỉ mới có khoảng 800.000 - 900.000 xe trong số 3,5 triệu xe thuộc đối tượng dán thẻ thu phí không dừng (Etag) thực hiện.
Tôi cho rằng, việc triển khai thu phí tự động chậm trễ do nhiều nguyên nhân, trong đó về phía nhà đầu tư thì có một nguyên nhân quan trọng là họ không muốn công khai, minh bạch việc thu phí cũng như tổng số tiền thu…
Thực tế là qua thanh tra, kiểm toán một số dự án đã phát hiện nhiều dạng sai phạm, qua đó rút ngắn được thời gian thu phí. Mặt khác, vừa qua chúng ta thiếu sự chỉ đạo thống nhất để đảm bảo được tính đồng bộ về công nghệ trên toàn quốc, tạo thuận lợi cho cả hai bên: thu phí và trả phí.
Mấy chục trạm BOT từ Bắc đến Nam mà mỗi trạm áp dụng một công nghệ, một cách quản trị khác nhau thì rõ ràng là rất phức tạp, mệt mỏi cho lái xe. Hơn nữa, thu phí bằng tiền mặt thì đơn giản là đi lần nào đưa tiền lần đấy.
Còn thu phí không dừng thì tài xế phải mở tài khoản giao thông, để trước vào đó một số tiền. Mà như hiện nay không phải qua trạm nào họ cũng dùng được tài khoản đó, vừa bất tiện, vừa bị tăng chi phí.
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã từng ban hành nghị quyết, trong đó có nêu rõ thời hạn hoàn tất việc triển khai thu phí không dừng vào cuối năm 2019, nhưng thực tế vẫn chậm và Bộ trưởng Bộ GT-VT đã phải nhận trách nhiệm khi trả lời chất vấn tại kỳ họp trước. Ông có nghĩ các giải pháp được nêu tại Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg đã đủ nghiêm khắc, mạnh mẽ để đảm bảo lần này đúng tiến độ?
- Thực sự là vai trò của Nhà nước ở đây rất quan trọng, vì Nhà nước vừa quản lý, vừa là một bên trong quan hệ đầu tư đối tác công - tư. Tôi cho rằng, trước hết cần sớm thay đổi những thiết bị đã lạc hậu đang sử dụng hiện nay để đảm bảo tính liên thông, kết nối.
Ở đây, vai trò của các ngân hàng (bên thứ ba), không thể thiếu trong quan hệ trả phí không dừng, cũng rất quan trọng trong việc tạo ra sự đồng bộ giữa tài khoản giao thông với tài khoản ngân hàng, tránh cho người sử dụng phải mở nhiều tài khoản ở nhiều ngân hàng, sử dụng nhiều loại thẻ khác nhau. Chúng ta đang ở thời đại công nghệ 4.0 và đây không phải nhiệm vụ bất khả thi.
Về Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg, điểm đáng lưu ý là quyết định này được áp dụng với cả những dự án BOT cũ cũng như các dự án mới có thu phí. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các trạm BOT đường bộ đã lắp đặt hệ thống ETC phải vận hành ngay việc thu phí điện tử không dừng.
Các trạm đang hoạt động, chưa lắp đặt ETC thì chậm nhất đến ngày 31-12-2020 phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng. Những trạm BOT thuộc các dự án đầu tư xây dựng mới chỉ triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ khi thực hiện thu phí điện tử không dừng theo quy định.
Tôi rất đồng tình với việc cho dừng các dự án BOT đường bộ nếu chưa lắp đặt hệ thống thu phí tự động vào cuối năm 2020 và muốn nhấn mạnh thêm là thời gian bị buộc dừng đó không được trừ vào thời gian thu phí của dự án để kéo dài thời hạn thu. Tuy nhiên, như đã nói, rất cần gấp rút giải quyết những bất cập hiện nay để tạo sự đồng thuận.
- Ông có gợi ý gì về các giải pháp cụ thể? Phải chăng nên khuyến khích người sử dụng bằng cách giảm phí cho người sử dụng hình thức trả phí không dừng (so với người trả bằng tiền mặt)?
- Đó cũng là một cách trong buổi giao thời, khi chúng ta vẫn còn chấp nhận hình thức trả tiền mặt. Một điểm nữa là hiện nay, để sử dụng dịch vụ ETC chỉ có duy nhất hình thức là nạp tiền trước vào tài khoản giao thông.
Với những doanh nghiệp nhiều đầu xe và mua phí tháng, số tiền phải nộp trước là rất lớn. Do đó, cần có thêm hình thức trả sau, có thể áp dụng mức cao hơn một chút so với trả trước. Cũng nên lưu ý rằng, phí BOT chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng chi phí vận chuyển.
Vì vậy, hệ thống ETC cần có hóa đơn, chứng từ đầy đủ để doanh nghiệp, chủ xe được trừ thuế. Và tất nhiên, như tôi đã nói, cần thống nhất một loại thẻ dùng chung cho tất cả các trạm BOT, liên kết với tài khoản của chủ xe ở bất kỳ ngân hàng thương mại nào.