ĐẢM BẢO TÍNH THỐNG NHẤT CỦA DỰ ÁN LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI) VỚI CÁC LUẬT LIÊN QUAN

Thảo luận về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số ý kiến đề nghị cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của dự án Luật này với các luật liên quan như Luật Công nghệ thông tin, Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Cạnh tranh, Luật Giá… nhằm tránh mâu thuẫn, chồng chéo, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Toàn cảnh phiên họp

Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) gồm 10 chương và 73 điều. Việc xây dựng dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đầy đủ, đúng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước trong hoạt động viễn thông, phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số.

Thảo luận về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số ý kiến nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi toàn diện dự án Luật này nhằm khắc phục những vấn đề vướng mắc về thể chế, lỗ hổng chính sách, bất cập trong các quy định của Luật Viễn thông 2009 và các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động viễn thông gây hạn chế quá trình phát triển; bổ sung quy định đối với các nội dung mới, phù hợp với xu thế phát triển viễn thông, xu thế hội tụ, hình thành hạ tầng số, hạ tầng của nền kinh tế số.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của Luật này với hệ thống pháp luật, tiếp tục rà soát các quy định để tránh mâu thuẫn, chồng chéo, trùng lặp với các luật liên quan, nhất là Luật Cạnh tranh, Luật Thương mại, Luật Giá…

Góp ý vào nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh so sánh với các quy định trong dự thảo Luật này với Luật Thương mại và Luật Canh tranh, cho rằng còn nhiều xung đột cần nghiên cứu để Ban soạn thảo làm rõ hơn. Khoản 1 Điều 18 của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) quy định như sau: Chính phủ quy định việc xác định Danh mục thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý, việc xác định doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Xem xét Điều 24 và Điều 26 của Luật Cạnh tranh đã có quy định trường hợp nào doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, doanh nghiệp có sức mạnh thị trường và Nghị định 35 của Chính phủ cũng đã có quy định các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh.

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị rà soát quy định này với Điều 24, Điều 26 của Luật Cạnh tranh và Nghị định 35 của Chính phủ để xác định lĩnh vực doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.

Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 18 của dự thảo quy định: không được cung cấp mức giá cước viễn thông dưới giá thành. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần xem xét quy định này so với quy định của Luật Thương mại và Luật Cạnh tranh (chỉ cấm doanh nghiệp cung cấp giá hàng hóa, dịch vụ dưới giá thành toàn thể và có thể tác động dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh, còn nếu không loại bỏ đối thủ cạnh tranh thì không vi phạm quy định về giá).

Ngoài ra, Điều 25 Luật Cạnh tranh quy định: doanh nghiệp được coi là có vị trí độc quyền nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận thấy, khoản 25 của Điều 3 dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) lại quy định: Phương tiện thiết yếu là bộ phận quan trọng của cơ sở hạ tầng viễn thông do một hoặc một số doanh nghiệp viễn thông độc quyền chiếm giữ hoặc chiếm giữ phần lớn trên thị trường viễn thông và việc thiết lập mới bộ phận cơ sở hạ tầng này để thay thế là không khả thi về kinh tế, kỹ thuật.

Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo tính thống nhất với các Luật nêu trên và đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Phát biểu tại phiên họp về dự án Luật này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Viễn thông trong bối cảnh khoa học, công nghệ thông tin thay đổi nhanh. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là một dự án Luật rất quan trọng để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và vấn đề chuyển đổi số quốc gia. Đây cũng là dự án luật quan trọng trong chuỗi các luật như: Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật Viễn thông.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ có đến 205 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực liên quan đến Luật Viễn thông 2009, trong đó có liên quan đến 64 luật và bộ luật, 72 Nghị định, 65 Thông tư, 4 Thông tư liên tịch và 12 Điều ước quốc tế. Do đó, cần phải tiếp tục rà soát để bảo đảm không chồng chéo giữa những quy định của Luật này với các luật có liên quan và việc áp dụng pháp luật.

Cùng quan tâm nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị rà soát xem luật này liên quan đến bao nhiêu luật, luật sẽ xử lý chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật như thế nào như Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị rà soát các luật để đảm bảo khi ban hành thì không có sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Nguyên

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Nguyên

Góp ý về tính thống nhất của dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) với Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Nguyên cho biết, tại Điều 5 dự thảo Luật quy định về bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông, an toàn thông tin mạng trong hoạt động viễn thông, trong đó giao trách nhiệm cho Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông, an toàn thông tin mạng trong hoạt động viễn thông, và trách nhiệm của Bộ Công an quy định về bảo đảm an ninh mạng, an ninh thông tin trong hoạt động viễn thông.

Theo quy định của Luật an toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng, công tác quản lý nhà nước về vấn đề an toàn thông tin mang, an ninh mạng (ngoài trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an) thuộc trách nhiệm của nhiều bộ ngành khác như Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ. Do đó, để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và hiệu quả quản lý nhà nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Nguyên đề nghị chỉnh lý quy định tại Điều 5 của dự thảo Luật theo hướng: giao Chính phủ quy định về bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, an ninh thông tin trong hoạt động viễn thông.

Đồng tình với ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh về tính thống nhất với Luật Cạnh tranh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cho rằng, nội dung này đã quy định tại Luật Cạnh tranh thì không nên quy định tại Luật này. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo phối hợp với cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát, bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) với Luật Giá.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận

Cảm ơn ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các ý kiến đã được tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Bộ sẽ bổ sung thêm nội dung đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, tránh mâu thuẫn với các luật khác đã có hoặc đang sửa. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ban soạn thảo sẽ đầu tư nhiều hơn nữa cho nội dung này để đảm bảo luật đạt chất lượng cao.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; không gây mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác như Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Giá, Bộ luật Dân sự, Luật Công nghệ thông tin, Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Giao dịch điện tử… và không chồng chéo đối với các lĩnh vực khác, nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin. Đồng thời rà soát kỹ các quy định về áp dụng luật, điều khoản thi hành để đảm bảo khả thi, tuân thủ văn bản quy phạm pháp luật, tránh vướng mắc khi áp dụng trong thực tiễn./.

Bích Ngọc

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=74877