Đảm bảo vaccine tiêm chủng mở rộng
Theo Văn phòng Tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia, từ giữa năm 2022, tình trạng cung ứng vaccine thiếu kịp thời dẫn đến vaccine sởi và DPT (phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván) thiếu từ tháng 7/2022, vaccine sởi-rubella (MR) thiếu từ tháng 11/2022, vaccine bại liệt (BOPV) thiếu từ tháng 11/2022... Tình trạng thiếu vaccine kéo dài sang năm 2023 nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp hiệu quả.
Do thiếu vaccine nên tỷ lệ tiêm chủng vaccine trong Chương trình TCMR năm 2022 không đạt chỉ tiêu. Riêng khu vực phía Nam có 14 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm chủng đạt dưới 80% như Đồng Nai, Tiền Giang, Lâm Đồng, Tây Ninh, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) cảnh báo, hầu hết các địa phương đã hết vaccine “5 trong 1” DPT-VGB-Hib (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do HiB) từ tháng 2/2023. Một số vaccine chỉ đủ sử dụng đến tháng 7/2023 như: DPT, BOPV, MR, lao (BGT), uốn ván (VAT)...
Tình trạng thiếu vaccine chương trình TCMR tại nhiều địa phương khiến nhiều người dân buộc phải chi trả số tiền không nhỏ để tiêm dịch vụ thay vì được miễn phí. Thực trạng này tiềm ẩn nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng, khiến cho Việt Nam có nguy cơ xảy ra các dịch bệnh truyền nhiễm trên phạm vi lớn. Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp nguy cơ bại liệt quay trở lại Việt Nam từ mức thấp nhất lên mức trung bình cao.
Chuyên gia dịch tễ cho rằng, tình trạng thiếu vaccine hiện nay là do thay đổi kế hoạch cung ứng. Cụ thể, từ năm 2022 trở về trước, Bộ Y tế là cơ quan được Nhà nước phân bổ ngân sách, giao đàm phán, đấu thầu, mua sắm vaccine cho các địa phương trong chương trình TCMR. Tuy vậy, việc gián đoạn cung ứng vaccine thời gian dài được nhiều lần giải thích do vướng một số thủ tục về quy định mua sắm hàng hóa diện Nhà nước đặt hàng.
Vaccine càng thiều trầm trọng hơn từ đầu năm 2023, khi Bộ Tài chính không bố trí ngân sách trung ương cho Bộ Y tế mua vaccine TCMR, đề nghị thực hiện theo quy định về phân cấp ngân sách, các địa phương phải bố trí ngân sách đảm bảo để mua vaccine. Cơ chế này “đẩy” các địa phương vào thế khó thực hiện do chưa triển khai lần nào, chưa tìm được nguồn và vướng mắc về giá, đấu thầu chênh lệch giữa các địa phương, dẫn đến gián đoạn nguồn cung.
Để sớm có vaccine cung ứng trở lại trong Chương trình TCMR, ngày 11/5, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế quay lại triển khai đấu thầu, mua sắm tập trung vaccine TCMR. Theo đó, Bộ Y tế sẽ xây dựng một khung giá chung với vaccine “5 trong 1” nhập khẩu, các địa phương căn cứ vào nhu cầu thực tế, sau khi có kết quả mua sắm qua đấu thầu hoặc đàm phán giá theo quy định thì nhanh chóng ký hợp đồng để nhận vaccine. Cách thức này giống như việc các Sở Y tế đã thực hiện để mua một số loại thuốc tập trung.
Đối với vaccine trong nước, Bộ Y tế đặt hàng và thống nhất giá cụ thể với các doanh nghiệp cung ứng, địa phương sẽ dựa vào đó để ký hợp đồng với nhà sản xuất trong nước và nhận vaccine. Các địa phương phải nắm được con số chính xác số lượng vaccine cần thiết để tránh tình trạng thừa-thiếu so với nhu cầu.
Nhiều chuyên gia y tế khẳng định, vaccine TCMR chính là hàng rào bảo vệ cho sức khỏe người dân, việc duy trì liền mạch vaccine TCMR là nhu cầu tối thiểu mà trẻ em cần được đáp ứng. Để chấm dứt tình trạng thiếu vaccine TCMR, Bộ Y tế phải có một kế hoạch sử dụng vaccine dài hạn từ 3-5 năm. Việc xây dựng kế hoạch dự phòng dịch tễ sát với nhu cầu thực tế sẽ giúp các nhà sản xuất vaccine và cả Chương trình TCMR luôn chủ động về nguồn vaccine.
Tin tưởng rằng, trên cơ sở nghị quyết cho phép của Chính phủ, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các địa phương thực hiện mua sắm vaccine, đảm bảo cung ứng vaccine đầy đủ cho Chương trình TCMR trong tháng 6 này.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dam-bao-vaccine-tiem-chung-mo-rong-post462272.html