Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đúng cách tại nhà
Sử dụng các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh có thể gây ngộ độc cấp tính với các triệu chứng ồ ạt, dễ nhận thấy hoặc nguy hiểm hơn là tình trạng tích lũy dần các chất độc hại ở một số cơ quan trong cơ thể sau một thời gian mới phát bệnh.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Minh Nguyệt - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: thực phẩm là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cơ thể, đảm bảo sức khỏe con người, nhưng đồng thời cũng là nguồn có thể gây bệnh nếu không đảm bảo vệ sinh.
Những ảnh hưởng của thực phẩm không đảm bảo vệ sinh đối với con người phụ thuộc vào tác nhân gây ô nhiễm thực phẩm, mức độ nhiễm độc và cơ địa của người dùng. Những trẻ suy dinh dưỡng, người già, người ốm... là đối tượng dễ nhạy cảm với các bệnh do thực phẩm không an toàn gây ra và dễ có nguy cơ suy dinh dưỡng và bệnh tật nhiều hơn.
Tính chất của thực phẩm là đa dạng, phong phú về chủng loại, giàu dưỡng chất nhưng dễ biến đổi, hư hỏng do tác động bên trong hoặc bên ngoài. Nhiều tác nhân có thể làm biến đổi thực phẩm thành những chất có thể gây ngộ độc như tác nhân sinh học (các vi sinh vật và độc tố của vi sinh vật), tác nhân hóa học (độc tố của thức ăn bị hư hỏng biến chất, thức ăn bị ô nhiễm các chất độc hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật, kim loại nặng, các hóa chất phụ gia thực phẩm...), tác nhân vật lý (các tạp chất lẫn vào thực phẩm)...
Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm giữ vị trí rất quan trọng đối với sức khỏe con người. Làm thế nào để chọn lựa và chế biến những thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng và an toàn cho sức khỏe của mỗi thành viên trong các gia đình đang là mối quan tâm của mọi người, mọi nhà.
Chọn lựa thực phẩm an toàn
Cần chọn những thực phẩm tươi mới, có nguồn gốc bảo đảm, mua tại nhà cung cấp có uy tín, điều kiện bảo quản vệ sinh tốt, không bị biến chất, không nhiễm vi sinh vật có hại, không bị nhiễm hóa chất độc hại, kim loại nặng...
Sơ chế, làm sạch thực phẩm và chế biến đúng cách
Thực phẩm mua về được làm sạch ngay, các thực phẩm thịt, cá, tôm… dễ bị hư hỏng nên làm sạch và cho vào tủ lạnh trước rồi mới nhặt rau sau.
Các loại củ quả rửa sạch rồi mới gọt vỏ, ngâm kỹ, rửa rau quả ít nhất 3 lần hoặc rửa dưới vòi nước chảy, các rau lá nhỏ nên pha vào nước rửa 1 - 2 muỗng cà phê muối để loại bỏ sâu bọ, côn trùng và loại bỏ phần lớn các hóa chất bảo vệ thực vật còn tồn dư.
Chế biến đúng cách, ăn chín, uống sôi, thực phẩm cần được nấu kỹ để đạt nhiệt độ sôi đồng đều, chú ý phần thịt gần xương nếu thấy còn có màu hồng hoặc màu đỏ thì bắt buộc phải đun lại cho chín hoàn toàn.
Không nên ăn các thức ăn sống như gỏi cá, thịt bò tái… Hạn chế thức ăn chiên, nướng bị cháy hoặc dầu mỡ được chiên đi chiên lại nhiều lần vì ở nhiệt độ cao thực phẩm dễ bị phân hủy tạo các chất gây ung thư. Hoặc để loại bỏ phần lớn các thuốc bảo vệ thực vật còn sót lại bằng con đường bay hơi bằng cách mở vung ra khi nấu chín.
Ăn ngay khi sau khi nấu chín hoặc chuẩn bị xong
Khi nấu xong nên ăn ngay như vậy vừa ngon miệng lại không bị hao hụt chất dinh dưỡng cũng như phòng tránh nhiễm khuẩn vì thức ăn chín để nguội ở nhiệt độ bình thường dễ bị vi khuẩn xâm nhập và phát triển.
Đối với các thực phẩm không cần nấu chín như chuối, cam, dưa và các loại quả khác thì cần ăn ngay sau khi vừa bóc hay vừa cắt ra.
Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín và đun kỹ lại trước khi ăn
Thức ăn đã nấu chín để quá 3 giờ thì cần bảo quản nóng > 60°C hoặc bảo quản lạnh < 5°C, hâm sôi lại khi ăn để phòng ngừa các vi khuẩn phát triển trong quá trình bảo quản. Thức ăn phải được đậy kỹ tránh ruồi, côn trùng xâm nhập. Với trẻ nhỏ, phải cho ăn ngay sau khi nấu và không áp dụng cách bảo quản này.
Không đưa quá nhiều thức ăn còn ấm hoặc thức ăn còn đang nóng vào tủ lạnh, vệ sinh tủ lạnh hàng tháng. Bảo quản tốt các thực phẩm đóng gói theo đúng yêu cầu ghi của nhãn, thực phẩm khô, gia vị phải để nơi khô ráo, thoáng mát.
Dùng nguồn nước sạch
Việc sử dụng nguồn nước sạch trong rửa, sơ chế, nấu nướng thực phẩm cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho mỗi gia đình.
Vệ sinh cá nhân, nơi ăn uống và chế biến thực phẩm
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn, trước khi chế biến thực phẩm, trước khi tiếp xúc thực phẩm chín và sau khi đi vệ sinh, sau khi chế biến thực phẩm sống, sau khi tiếp xúc chất bẩn, sau khi sử dụng hóa chất như chất tẩy rửa, chất diệt côn trùng...
Không để lẫn thực phẩm sống với thức ăn chín. Không dùng dao, thớt vừa cắt thịt sống chưa được rửa sạch để cắt thức ăn chín. Giữ bếp và dụng cụ nơi chế biến sạch sẽ gọn gàng, khô ráo. Thực hiện các biện pháp diệt ruồi, gián, chuột... Rác thải phải đựng vào thùng kín có nắp đậy, đổ đúng nơi quy định.