Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất
Kiểm soát đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề cấp thiết trong điều kiện ngày càng gia tăng nhiều đối tượng, tổ chức nhỏ lẻ, thậm chí cả hệ thống các tập đoàn kinh tế lớn bị phát hiện cùng bắt tay, liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Trong đó, các ngành, các địa phương của tỉnh luôn chủ động tập trung kiểm soát công tác đảm bảo vệ sinh ATTP từ khâu sản xuất. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Kiểm soát đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề cấp thiết trong điều kiện ngày càng gia tăng nhiều đối tượng, tổ chức nhỏ lẻ, thậm chí cả hệ thống các tập đoàn kinh tế lớn bị phát hiện cùng bắt tay, liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Trong đó, các ngành, các địa phương của tỉnh luôn chủ động tập trung kiểm soát công tác đảm bảo vệ sinh ATTP từ khâu sản xuất.
Theo đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), năm 2019 trong hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển ngành công nghiệp chế biến, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... Sở NN và PTNT đã phối hợp cùng các sở Công Thương, Khoa học và Công nghệ và các địa phương chú trọng hướng dẫn, kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành các quy định đảm bảo vệ sinh ATTP của các cơ sở, doanh nghiệp chế biến thực phẩm; Sở Y tế đã chủ động triển khai các đợt kiểm tra chuyên ngành và phối hợp với các ngành, các địa phương đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra, thậm chí là đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Ngay từ những năm đầu thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Hải Hậu đã chú trọng phát triển sản xuất các mặt hàng nông sản, thực phẩm sạch tại địa phương; tập trung vào các sản phẩm lúa chất lượng, sản phẩm cây dược liệu và một số sản phẩm đã qua chế biến. Hiện tại, huyện có 14 doanh nghiệp và 23 cơ sở chuyên chế biến nông thủy sản và thực phẩm. Các cơ sở ngày càng mở rộng quy mô, năng lực sản xuất. Công ty CP Thương mại và Đầu tư Biển Đông cùng với Tập đoàn DHS (Hà Lan) đã đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ và chế biến thịt lợn sạch công nghệ hiện đại với công suất trên 20 nghìn tấn thịt lợn/năm. Một số cơ sở đã xây dựng được sản phẩm uy tín có thương hiệu trên thị trường cả nước, được khách hàng tin dùng. Điển hình như: nước mắm Ninh cơ, nước mắm Lâm Bão, hải sản đông lạnh Thành Vui, sứa Vạn Hoa... Trong năm 2019 huyện phối hợp cùng đơn vị tư vấn OCOP của tỉnh đã lựa chọn được trên 40 sản phẩm chủ lực, thế mạnh để hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Năm 2019 huyện có 14 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận đợt 1 từ 3 đến 4 sao, 26 sản phẩm đã trình UBND tỉnh thẩm định đợt 2; từ đó quảng bá nhãn hiệu, thương hiệu của các nông sản, thực phẩm chủ lực của huyện... Nỗ lực kiểm soát công tác đảm bảo vệ sinh ATTP từ khâu sản xuất của các ngành, các địa phương đã góp phần giúp công tác đảm bảo vệ sinh ATTP của tỉnh ta trong những năm gần đây luôn được Trung ương đánh giá cao.
Tuy nhiên, theo Sở Y tế: các sản phẩm thực phẩm kém chất lượng, giả, nhái thường dễ sản xuất, chế biến và đem lại lợi nhuận cao nên dù đã tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng nhiều cơ sở, doanh nghiệp vẫn tái diễn hoặc phát sinh vi phạm mới và chắc chắn không thể chấm dứt hoàn toàn vi phạm. Bên cạnh đó, do quy mô của các cơ sở, doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhỏ và vừa, hạn chế về thiết bị, công nghệ, kinh nghiệm, trình độ, chưa nắm bắt đầy đủ, chặt chẽ các quy định pháp luật về đảm bảo vệ sinh ATTP. Để xử lý bất cập trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo thời gian tới các ngành, các địa phương tỉnh đẩy mạnh phối hợp kiểm soát công tác đảm bảo vệ sinh ATTP ngay từ khâu sản xuất nhằm hướng tới mục tiêu phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; giảm thiểu ô nhiễm sinh học, tạp chất và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm đáp ứng yêu cầu bảo đảm ATTP cho tiêu dùng trong tỉnh, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất, kiểm nghiệm, giám sát hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; kiên quyết xử lý hành vi vi phạm. Tập trung, phát hiện và xử lý tận gốc các tổ chức, cá nhân đưa tạp chất vào tôm, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tiêm thuốc an thần vào gia súc trước khi giết mổ. Triển khai thực hiện việc kiểm soát tồn dư các chất độc hại trong toàn bộ các chuỗi sản xuất - kinh doanh sản phẩm nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác thủy sản, sản xuất, chế biến muối); tập trung vào thực phẩm rủi ro cao, tiêu thụ nhiều (rau, củ, quả, thịt, thủy sản) nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo, truy xuất, xử lý các trường hợp nông sản thực phẩm không đảm bảo an toàn. Tiếp tục tập trung cao các nguồn lực để xây dựng và tổ chức vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, liên kết chuỗi giá trị, gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, hỗ trợ đầu tư sản xuất và áp dụng quy trình, tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như (VietGAP, VietGAHP, GlobalGAP) và hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến (GMP, ISO 22000, HACCP...), xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm. Phấn đấu trong năm 2020, xây dựng một vùng nuôi ngao được chứng nhận tiêu chuẩn nuôi bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC; từ 3-5 mô hình sản xuất rau màu, chăn nuôi được đánh giá chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ; từ 3-5 doanh nghiệp sản xuất chế biến thủy sản được kiểm tra đánh giá đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm thủy sản chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Xây dựng, củng cố và nhân rộng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); thực hiện xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn. Phấn đấu đến hết năm 2020 có ít nhất 30 chuỗi liên kết giá trị được xây dựng; tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đáp ứng yêu cầu về điều kiện an toàn thực phẩm tăng 10% so năm 2019; thống kê lập dữ liệu quản lý 100% đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản nhỏ lẻ; tỷ lệ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn tăng 20% so với năm 2019; tỷ lệ sản phẩm thực phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực, có mức độ rủi ro cao, đang có nhiều bức xúc về ATTP được kiểm soát về ATTP theo chuỗi đạt 50%; tỷ lệ mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản giám sát trên diện rộng vi phạm quy định về ô nhiễm sinh học, tạp chất, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh giảm 10% so với năm 2019; sản phẩm nông, lâm, thủy sản được đánh giá xếp hạng, công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP tăng 90% so với năm 2019./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy